Thứ Tư, 25/9/2024
Pháp luật
Chủ Nhật, 9/8/2009 23:13'(GMT+7)

Quảng Bình: Nhiều xứ đạo là điểm sáng thời kỳ đổi mới

Bà con giáo dân ở Quảng Phúc đã thành lập được đội thuyền lớn để đánh cá trên biển.

Bà con giáo dân ở Quảng Phúc đã thành lập được đội thuyền lớn để đánh cá trên biển.


Bình yên xóm đạo

Tôi đến xóm đạo Quảng Phúc, Quảng Trạch, Quảng Bình khi trời vừa sẩm tối. Trong thấp thoáng ánh điện của làng quê bình yên, vừa hết chương trình thời sự buổi tối của Đài THVN cũng là lúc tiếng chuông nhà thờ điểm để học sinh trong xã ngồi vào bàn học bài. Quảng Phúc là xã duy nhất ở tỉnh Quảng Bình có 89% hộ là giáo dân với 2.814 hộ dân và 10.483 nhân khẩu. Xã Quảng Phúc có đến 2 nhà thờ giáo xứ và 2 linh mục quản xứ phục vụ trên địa bàn. Hàng năm Quảng Phúc là xã có con em vào đại học, cao đẳng nhiều nhất huyện Quảng Trạch.

Chủ tịch xã Nguyễn Văn In cười vui: "Chính quyền địa phương cùng Hội đồng Mục vụ và Linh mục quê tôi rất quan tâm đến chuyện học hành của con em. Chúng tôi cùng chung quan niệm, con em học hành nhiều, người dân có trình độ dân trí cao, cuộc sống người dân được đảm bảo, thì bà con yên tâm phấn khởi xây dựng đời sống "Tốt đời đẹp đạo", "Kính chúa yêu nước" và ANTT luôn được thực hiện tốt". Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, xứ đạo Quảng Phúc nổi danh ở Quảng Trạch với sự hi sinh anh dũng của nhiều con em giáo dân lên đường bảo vệ Tổ quốc...

Hàng ngàn hộ dân xứ đạo Quảng Phúc đã ký cam kết tự phòng ngừa trộm cắp tài sản và tai nạn giao thông. Trong nhiều buổi sáng đến nhà thờ, các con chiên được linh mục giáo dục về pháp luật. Những đối tượng phạm pháp bị nêu tên giữa giáo đường và sau đó linh mục phối hợp với chính quyền địa phương giúp đỡ đối tượng hoàn lương. Quảng Phúc là xã có đến 90 tổ an ninh tự quản. Nhiều khu dân cư của đồng bào Công giáo nơi đây đã trở thành những điển hình tiên tiến xuất sắc trong phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo vươn lên làm giàu, bảo vệ ANTT.

Rời Quảng Phúc, chúng tôi về xứ đạo Quảng Phương, huyện Quảng Trạch. Trong những năm qua, Quảng Phương đang trở thành một điển hình trong phong trào xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư. Xã có 4 thôn: Tô Xá, Hướng Phương, Đông Dương, Pháp Kệ, trong đó gần 45% dân số theo đạo Công giáo.

Toàn xã với trên 1.600 hộ dân đạt gia đình văn hóa; gần 300 gia đình đạt gia đình hiếu học; 10/10 khu dân cư đạt khu dân cư tiên tiến và tiên tiến xuất sắc. Các làng quê ở Quảng Phương vẫn giữ được lối kiến trúc truyền thống với cây đa, giếng nước, sân đình. Những lễ hội đặc sắc và các trò chơi dân gian được tổ chức đều đặn khi Tết đến Xuân về.

Ở Quảng Phương có làng Hướng Phương đã mấy chục năm nay làm theo lời Bác Hồ kính yêu, vẫn duy trì được "Hũ gạo tiết kiệm". Từ hũ gạo tiết kiệm của mỗi gia đình đã đóng góp cho làng mỗi năm hàng tạ gạo kịp thời cứu giúp những hộ gia đình gặp khó khăn trong đời sống khi có thiên tai, hoạn nạn...

Kịch bản "vụng" ở Tam tòa bị giáo dân lột bỏ

Trong những ngày về Quảng Phúc, Quảng Phương, Phúc Trạch… Quảng Bình, những địa phương có nhiều bà con giáo dân sinh sống, chúng tôi đều ghi nhận được sự bất bình, không đồng tình của bà con giáo dân đối với những người mượn danh Công giáo để gây rối ở Tam tòa.

Nhiều giáo dân cho rằng: Giữ lại tháp chuông Tam tòa làm chứng tích tội ác chiến tranh là để giáo dục con cháu biết trân trọng sự hy sinh xương máu của những người đã ngã xuống để có cuộc sống tốt đẹp hôm nay. Chúng ta đang khép lại quá khứ hướng tới tương lai, nhưng không có nghĩa là quay lưng hay xóa bỏ lịch sử hào hùng của dân tộc.

Cũng cần phải nhắc thêm rằng: Trong chiến tranh, chính bom đạn của kẻ thù đã bắn phá không từ một điểm nào trên đất nước Việt Nam. Ngay cả tháp chuông nhà thờ Tam tòa cũng đang in chi chít vết đạn của kẻ thù. Ấy vậy mà một số người lu loa trên một số phương tiện thông tin nước ngoài rằng: "Không nên để Tam tòa là chứng tích tội ác chiến tranh, vì tội ác thì không nên giữ lại làm hận thù", đó là một suy nghĩ  khó được chấp nhận.

Bởi ngay như Nhật Bản và Mỹ là hai nước đồng minh thân cận hơn nửa thế kỷ qua, song người Nhật vẫn không bao giờ quên sự kiện bi thương năm 1945, khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki. Chẳng lẽ khi người Nhật tưởng niệm Ngày hàng triệu người Nhật bị chết cháy vì bom nguyên tử, hay các nước châu Âu tưởng niệm Ngày chiến thắng phát xít cũng là cách họ gợi lại hận thù?./.

(Theo: CAND)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất