Tỉnh Quảng Nam thuộc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, nằm ở trung độ của
cả nước; địa hình phân chia thành ba vùng rõ rệt, vùng núi - vùng trung
du - vùng đồng bằng ven biển gắn với các sắc thái văn hóa đặc trưng; là
một trong những địa phương có bề dày về truyền thống lịch sử và văn hóa,
là nơi sản sinh và lưu giữ nhiều loại hình di sản văn hóa vật thể và
phi vật thể có giá trị. Cùng với hai Di sản Văn hóa thế giới: Khu đền
tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An, Quảng Nam vinh dự có thêm nghệ thuật
Bài chòi là Di sản Văn hóa phi vật thể - Di sản thứ 12 của Việt Nam được
UNESCO vinh danh vào năm 2017.
Trong những năm qua, với nhận thức bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi, tỉnh Quảng Nam đã có những chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu, bảo vệ, phát huy; đồng thời ban hành các chính sách, biện pháp cụ thể huy động sự tham gia của các địa phương, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và đông đảo nhân dân vào việc bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị nghệ thuật này.
SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI Ở QUẢNG NAM
Bài chòi là trò chơi diễn xướng dân gian, truyền thống đặc trưng của các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam, trong đó có Quảng Nam. Bài chòi ra đời và bắt nguồn từ lao động sản xuất, quá trình giao thoa văn hóa giữa các vùng miền cùng với sự sáng tạo nghệ thuật của Nhân dân mà có.
Theo tài liệu nghiên cứu , Bài chòi phát triển mạnh mẽ nhất từ những năm đầu của thế kỷ XX, riêng với Quảng Nam thì thịnh hành ở vùng tự do trong kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ và phát triển cho đến hôm nay.
Sau năm 1975, Đoàn Ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là Đoàn Ca kịch Quảng Nam) ra đời và thường xuyên tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân tại các địa phương trong tỉnh. Ngành văn hóa phát động phong trào sáng tác lời mới cho các làn điệu dân ca Bài chòi và phong trào này đã thực sự tạo nên thị hiếu sâu rộng trong công chúng về nhu cầu thưởng thức nghệ thuật.
Từ giữa thập niên 1990 đến nay, Bài chòi là thế mạnh của phong trào văn nghệ, sinh hoạt văn hóa của người dân Quảng Nam, được các tầng lớp nhân dân yêu mến, được lớp trẻ kế thừa. Vào các dịp lễ hội, Tết Nguyên đán, các Hội Bài chòi thường được tổ chức, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân địa phương. Hiện nay, ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố vùng đồng bằng, trung du của tỉnh Quảng Nam đều duy trì việc tổ chức các Hội Bài chòi dân gian. Có thể nói, hô hát Bài chòi là một trong những nét văn hóa truyền thống rất độc đáo, riêng biệt và mang tính đặc trưng của vùng đất con người xứ Quảng.
Với giá trị đặc trưng của loại hình nghệ thuật này, năm 2017, sau khi nghệ thuật Bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ngành văn hóa tỉnh Quảng Nam đã đưa nghệ thuật Bài chòi thành một nội dung diễn xướng vào đêm 14 hằng tháng trong chương trình “Đêm phố cổ” - một hoạt động nghệ thuật diễn ra tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Cùng với đó, Bài chòi được đưa vào ô vé tham quan, trở thành một sản phẩm văn hóa - du lịch hấp dẫn với du khách xa gần, đặc biệt là khách ngoại quốc; là sản phẩm văn hóa đối ngoại trong cả nước đã 12 lần giao lưu tại 7 quốc gia châu Á, châu Âu.
Một buổi tập huấn về nghệ thuật Bài Chòi.
ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN GIÁO DỤC, QUẢNG BÁ VỀ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI
Xác định được vai trò, giá trị của nghệ thuật Bài chòi là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần, là nét văn hóa nghệ thuật đặc trưng của người dân xứ Quảng, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch 6202/KH-UBND ngày 30/8/2018 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019-2025; sau đó là Kế hoạch số 1967/KH-UBND ngày 21/3/2024 thực hiện Nghị quyết số 08/2024/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định nội dung, mức hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030.
Trong các kế hoạch nêu trên, tỉnh đặc biệt chú trọng đến công tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo tồn và phát huy giá trị Di sản phi vật thể nghệ thuật Bài chòi; truyền dạy di sản này trong trường học, tạo động lực để bảo tồn, lan tỏa niềm tự hào về giá trị di sản bài chòi trong đời sống cộng đồng; duy trì và phát triển hoạt động của các câu lạc bộ Bài chòi.
Quảng Nam cũng là tỉnh đầu tiên có nghị quyết tạo cơ chế hỗ trợ, phát triển di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi với mức hỗ trợ hơn 23 tỷ đồng.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh với nhiều cách làm hiệu quả, thiết thực:
Thứ nhất, phát huy đội ngũ nghệ nhân hô hát Bài chòi.
Lực lượng này đã góp phần rất lớn trong việc lưu giữ, thực hành và truyền dạy di sản nghệ thuật Bài chòi. Tại các địa phương trong tỉnh từ lâu đã hình thành đội ngũ nhạc công gắn với hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 78 câu lạc bộ, nhóm Bài chòi với khoảng 700 nghệ nhân, nhạc công tham gia và có nhiều đóng góp cho hoạt động trình diễn nghệ thuật Bài chòi của tỉnh.
Những kịch bản đạt chất lượng nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao được đặt hàng trong các hội thi, hội diễn có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của các câu lạc bộ, qua đó nâng cao sức hút của nghệ thuật Bài chòi đối với công chúng. Các phong trào phục hồi dân ca Bài chòi được triển khai thực hiện ở nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, Quảng Nam tổ chức các lớp tập huấn truyền dạy, bồi dưỡng kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi cho các nghệ nhân, câu lạc bộ/nhóm, những người có khả năng tiếp thu và thực hành Di sản Bài chòi. Tổ chức tập huấn đàn hát dân ca ở các xã xây dựng nông thôn mới; định kỳ tổ chức Liên hoan nghệ thuật Tuồng và Liên hoan đàn hát dân ca Bài chòi toàn tỉnh. Sự nỗ lực của các nghệ nhân đã đem lại nhiều kết quả đáng kể trong việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật Bài chòi ở tỉnh Quảng Nam.
Thứ hai, đưa nghệ thuật Bài chòi vào truyền dạy trong học đường.
Mục đích là cung cấp kiến thức, bồi dưỡng tình yêu, niềm tự hào, ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của quê hương cho học sinh góp phần gìn giữ, lưu truyền cho các thế hệ mai sau về những giá trị độc đáo của nghệ thuật Bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Năm 2006, tỉnh Quảng Nam phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thực hiện dự án Sân khấu học đường triển khai đưa nghệ thuật Tuồng và Dân ca bài chòi vào dạy thí điểm tại một số trường THCS trên địa bàn tỉnh.
Năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 12 lớp tập huấn “Truyền dạy, bồi dưỡng kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi” cho các giáo viên, học sinh công tác, học tập tại các trường tiểu học, THCS trong toàn tỉnh.
Năm 2024, thực hiện Nghị quyết số 08/2024/NQ-HĐND, tỉnh sẽ hỗ trợ truyền dạy thí điểm Bài chòi cho 80 câu lạc bộ, đội, nhóm Bài chòi tại 80 trường tiểu học và trung học cơ sở với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/CLB/trường/năm; từ năm 2025-2030 sẽ hỗ trợ duy trì hoạt động cho 80 câu lạc bộ Bài chòi nhằm tăng số lượng học sinh được tiếp cận, phổ biến và giáo dục di sản.
Thực hiện kịch bản truyền thanh hô hát Bài chòi cho các trường học bằng cách thu âm giọng hô hát (diễn viên thu âm theo từng cấp học để học sinh dễ nghe, dễ hiểu) và tuyên truyền vào các khung giờ trước khi vào đầu buổi học và lúc tan học để phụ huynh và học sinh đều được nghe.
Ngoài ra, các cán bộ làm công tác văn hóa các cấp, nghệ nhân, nhạc công đang tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ Bài chòi; lực lượng giáo viên thanh nhạc, học sinh tại các trường tiểu học và trung học cơ sở được tập huấn bồi dưỡng thực hành bài chòi. Sau khi hoàn thành khóa tập huấn, các giáo viên sẽ đưa di sản Bài chòi vào dạy lồng ghép trong chương trình môn Âm nhạc và chương trình ngoại khóa của trường để giới thiệu, truyền dạy cho các em học sinh.
Việc đưa nghệ thuật Bài chòi vào truyền dạy trong trường học, thu hút đông đảo học sinh tham gia tạo không khí vui tươi phấn khởi, góp phần lan tỏa giá trị nghệ thuật truyền thống trong thế hệ trẻ; đồng thời học sinh có cơ hội được tiếp cận, phổ biến và giáo dục di sản.
Thứ ba, phát triển nghệ thuật Bài chòi thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc.
Sau khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017, nghệ thuật Bài chòi được tỉnh Quảng Nam quan tâm nhiều hơn. Tại thành phố Hội An của tỉnh Quảng Nam, nghệ thuật Bài chòi đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, điểm nhấn là chương trình “Đêm phố cổ”.
Từ các Hội Bài chòi dân gian, ngành văn hóa của tỉnh đã chỉ đạo dàn dựng thành những tiết mục nghệ thuật hoàn chỉnh đúng phong cách “diễn xướng dân gian Bài chòi”. Nhờ vậy, nghệ thuật Bài chòi của Quảng Nam được mời tham gia các chương trình liên hoan nghệ thuật dân ca, Bài chòi cấp khu vực và toàn quốc; trở thành sản phẩm “văn hóa ngoại giao”, phục vụ các hội nghị cấp cao quốc gia cũng như quốc tế, từ châu Âu (CHLB Đức, Hungary), sang châu Á (Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản) và châu Úc…
Để phục vụ khách du lịch, nghệ thuật và trò chơi Bài chòi được thường xuyên biểu diễn 2 suất/ngày (lúc 10h, 15h) tại Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền và phục vụ hàng đêm dưới hình thức “nghệ thuật đường phố”, hoạt động này thu hút đông đảo khách du lịch tham gia. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch cũng tổ chức các hội Bài chòi dân gian để phục vụ du khách tham quan.
Thứ tư, triển khai công tác phối hợp nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê di sản Bài chòi tại các địa phương.
Tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và chỉ đạo, phối hợp với 12 huyện, thị xã, thành phố vùng đồng bằng tiến hành nghiên cứu, kiểm kê sưu tầm các làn điệu Bài chòi có nguy cơ mai một, thất truyền để xây dựng kế hoạch bảo tồn phù hợp với đặc trưng, bản sắc của di sản nghệ thuật Bài chòi Quảng Nam.
Qua công tác kiểm kê đã sưu tầm được hàng trăm câu hò đoạn trích về các quân Bài, các làn điều dân ca Bài chòi cổ; đặc biệt đã biên soạn ấn phẩm “Di sản Bài chòi xứ Quảng” để giới thiệu đến bạn đọc những câu hò thường được các nghệ nhân sử dụng trong các hội Bài chòi ở Quảng Nam…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác tuyên truyền, giáo dục bảo tồn phát huy giá trị của Bài chòi Quảng Nam vẫn còn có những khó khăn ảnh hưởng đến sức sống của Di sản văn hóa phi vật thể này: Một số cấp ủy Đảng, chính quyền ở địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi; đội ngũ những người am hiểu và có khả năng sáng tác kịch bản và đạo diễn các Hội Bài chòi dân gian ngày càng thưa vắng; hoạt động quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu nhằm tôn vinh giá trị các di sản văn hóa phi vật thể Bài chòi chưa được chú trọng; công tác truyền thông còn mang tính thời điểm, chưa thường xuyên,…
Trong gian tới, để di sản Bài chòi ở Quảng Nam - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được bảo tồn và ngày càng phát huy giá trị, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, tiến hành khảo sát, sưu tầm nghiên cứu, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Bài chòi.
Để thực hiện tốt giải pháp này, cần phải xây dựng kế hoạch điều tra, sưu tầm, tổng kiểm kê toàn bộ di sản văn hóa phi vật thể bài chòi trên địa bàn tỉnh một cách khoa học, bao gồm cả việc thống kê nghệ nhân dân gian, trên cơ sở đó hệ thống hóa tư liệu bằng kỹ thuật hiện đại để lưu trữ, nhận diện, xác định giá trị, sức sống của di sản nghệ thuật Bài chòi dân gian, từ đó đề xuất hướng bảo tồn và phát huy giá trị.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng, chủ thể văn hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của di sản văn hóa phi vật thể Bài chòi.
Đây là việc làm cần tiến hành thường xuyên, lâu dài nhằm đưa di sản bài chòi về với cộng đồng, về với chủ thể sáng tạo. Tập hợp và xây dựng chương trình truyền thống đa dạng đưa vào nội dung, chương trình các hoạt động lễ hội ở các địa phương nhằm tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến, quảng bá nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và của cả cộng đồng và toàn xã hội đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản bài chòi dân gian trong thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là, chú trọng công tác xây dựng, kiện toàn các câu lạc bộ/ đội/ nhóm Bài chòi.
Thực tiễn cho thấy, nơi nào cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm phục hồi, duy trì các hoạt động biểu diễn Bài chòi thì ở nơi đó nghệ thuật Bài chòi phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, để ngày càng có nhiều địa phương gầy dựng, phát huy tốt nghệ thuật Bài chòi thì trước hết cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần có sự quan tâm lãnh đạo sâu sát, hiệu quả.
Tại các xã, phường, thị trấn đã có Câu lạc bộ, đội, nhóm Bài chòi, cấp ủy Đảng, chính quyền cần tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của các đội, nhóm, câu lạc bộ này, động viên khích lệ tinh thần các nghệ nhân. Hằng năm quan tâm hỗ trợ về kinh phí để câu lạc bộ hoạt động; giao nhiệm vụ (có hỗ trợ kinh phí) dùng nghệ thuật Bài chòi để truyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước, địa phương đến các tầng lớp Nhân dân.
Tại những nơi chưa hình thành được câu lạc bộ Bài chòi, cấp ủy Đảng, chính quyền cần tích cực lãnh, chỉ đạo việc tìm kiếm, động viên, lựa chọn những nhân tố có năng khiếu, đam mê nghệ thuật Bài chòi và mời cơ quan, cá nhân có chuyên môn tổ chức tập huấn để từng bước hình thành các câu lạc bộ Bài chòi tại địa phương. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các thành viên tham gia sinh hoạt, nghệ nhân thực hành, sáng tạo truyền dạy, tham gia các hội thi, hội diễn nhằm huy động sự tham gia của cả cộng đồng.
Bốn là, đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ, tôn vinh nghệ nhân Bài chòi; tạo môi trường thuận lợi cho nghệ nhân phát huy năng lực.
Định kỳ tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao năng lực thực hành của đội nghệ nhân và những người có năng khiếu trong lĩnh vực Bài chòi. Đây là những nhân tố quyết định cho việc bảo tồn và phát huy bền vững nghệ thuật Bài chòi.
Hỗ trợ việc xây dựng hồ sơ xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân” gắn với việc ban hành các cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân đang nắm giữ, thực hành cũng như có đóng góp trong sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi truyền thống.
Khuyến khích, động viên những người có tài năng và có công bảo vệ, trao truyền, thực hành và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài chòi ở các địa phương, nhất là thế hệ trẻ.
Năm là, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghệ thuật Bài chòi cho giáo viên thanh nhạc, kết hợp với đưa nghệ thuật Bài chòi vào giảng dạy trong các trường tiểu học và trung học cơ sở.
Đây là hướng đi có tầm chiến lược để giới thiệu nghệ thuật Bài chòi cho thế hệ trẻ, qua đó tạo ra lớp công chúng hiểu và yêu Bài chòi; đồng thời góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận để bảo tồn phát huy nghệ thuật Bài chòi một cách bền vững.
Sáu là, tích cực giới thiệu, quảng bá về các giá trị của di sản Bài chòi; tiếp tục phát triển diễn xướng nghệ thuật Bài chòi thành sản phẩm du lịch hữu hiệu.
Đẩy mạnh công tác quảng bá nghệ thuật Bài chòi trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; trang website của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch; Trung tâm Văn hóa tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng khác, nhất là báo nói và báo hình.
Biên soạn tài liệu, tờ gấp giới thiệu vắn tắt về di sản văn hóa nghệ thuật Bài chòi để phổ biến, giới thiệu, quảng bá. Các địa phương có điều kiện cần xây dựng, phát triển tiếp tục đưa nghệ thuật Bài chòi thành sản phẩm du lịch độc đáo, có sức cuốn hút du khách; gắn kết chương trình biểu diễn Bài chòi vào các Tour/ tuyến du lịch tại địa phương.
Bảy là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và tư liệu hóa toàn bộ di sản nghệ thuật Bài chòi.
Cần thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học để nhận diện đúng về giá trị nghệ thuật Bài chòi Quảng Nam, những điểm khác biệt, biến tấu (nếu có) về ca từ, làn điệu âm nhạc của Bài chòi Quảng Nam trong không gian Di sản Bài chòi Trung Bộ. Đặc biệt cần nghiên cứu xu hướng biến đổi, các lai tạp (nếu có) để có cơ sở, định hướng khoa học đúng đắn cho việc bảo tồn phát huy giá trị Bài chòi thời gian tới.
Đẩy mạnh công tác sưu tầm, ứng dụng khoa học công nghệ số để lưu giữ các di sản Bài chòi Quảng Nam, bao gồm cả di sản dân gian và những sáng tạo đương đại nhằm gìn giữ, bảo quản, truyền tải các giá trị văn hóa phi vật thể cho các thế hệ tương lai. Phát huy vai trò của bảo tàng các cấp trong việc lưu giữ và truyền bá giá trị văn hóa phi vật thể.
Di sản văn hóa phi vật thể Bài chòi là sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo, là tài sản quý báu không chỉ của nhân dân Quảng Nam mà còn của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam. Việc UNESCO đưa nghệ thuật Bài chòi Quảng Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một minh chứng về sự tôn vinh, ghi nhận di sản bài chòi; đồng thời cũng là hành động thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản bài chòi các tỉnh Trung Bộ nói chung và Quảng Nam nói riêng.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Bài chòi không chỉ góp phần gìn giữ một sản phẩm văn hóa dân gian truyền thống, đó còn là bước đi lâu dài để thúc đẩy ngành văn hóa du lịch ở Quảng Nam ngày càng phát triển theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tin tưởng và hy vọng rằng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Bài chòi dân gian ở Quảng Nam sẽ ngày càng đạt được nhiều kết quả, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về xây dựng phát triển văn hóa Quảng Nam trong thời kỳ mới./.
TRƯƠNG THỊ ĐAN THANH
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam