Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 – 2020,
tỉnh Quảng Ngãi đã xác định, phấn đấu trở thành một tỉnh công nghiệp
theo hướng hiện đại . Để thực hiện thành công mục tiêu lớn này, tỉnh
Quảng Ngãi tận dụng và phát huy những kết quả quan trọng trên tất cả các
lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; đồng thời huy động mọi
nguồn lực phấn đấu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
* Những kết quả ấn tượng
5
năm qua Quảng Ngãi luôn giữ vững ổn định chính trị, khẳng định được vai
trò lãnh đạo của Đảng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại
hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII; đoàn kết nhất trí, vượt qua khó
khăn, thách thức; thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của
Trung ương và các chỉ tiêu, nhiệm vụ của địa phương, đưa Quảng Ngãi trở
thành một trong số ít các tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp trong Vùng
kinh tế trọng điểm miền Trung.
Hiện quy mô nền kinh tế
Quảng Ngãi tăng lên đáng kể; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình
quân 7,2%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Nhà máy lọc dầu
và nhiều nhà máy trong Khu Kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp và khu
công nghiệp - đô thị - dịch vụ VSIP - Quảng Ngãi thực sự trở thành hạt
nhân phát triển, góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế
và cơ cấu lao động. Đến cuối năm 2015, giá trị sản suất công nghiệp
chiếm 62%, dịch vụ chiếm 24%, nông nghiệp chiếm 14% trong cơ cấu kinh
tế. Chất lượng, năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư được cải thiện,
hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được mở rộng. Quảng Ngãi ngày
càng hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Thu ngân sách tăng,
giai đoạn 2011 – 2015, ước đạt 128.190 tỷ đồng, tăng bình quân
16,9%/năm; từ một tỉnh nghèo, Quảng Ngãi vươn lên thành một trong 10 địa
phương thu ngân sách cao, có điều tiết cho ngân sách trung ương. Thu
nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 2.485 USD, vượt 13% so với chỉ
tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII.
Năm năm qua, nhiều công
trình lớn cũng được Quảng Ngãi triển khai xây dựng và trở thành những
“điểm nhấn” để tỉnh này phát triển như: Cơ sở hạ tầng giao thông có bước
phát triển mạnh, hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng đường quốc lộ 1
đoạn qua Quảng Ngãi, đường ven biển đoạn Mỹ Trà - Mỹ Khê, đường bờ Nam
sông Trà Khúc; đang triển khai dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
và nhiều dự án giao thông quan trọng khác; tích cực xúc tiến, hỗ trợ các
hãng hàng không mở nhiều đường bay giá rẻ kết nối sân bay Chu Lai với
các thành phố lớn, giúp Quảng Ngãi xích lại gần hơn với các địa phương
trong nước, khu vực và quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của Nhân
dân, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, du lịch, thương mại. Đô
thị có bước tiến mới, được quy hoạch đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn và
từng bước được đầu tư; thành phố Quảng Ngãi được mở rộng địa giới hành
chính, được Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại II; thị trấn
Đức Phổ hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV; Vạn Tường được công nhận
đô thị loại V; thị trấn, thị tứ các huyện được đầu tư cải tạo, nâng
cấp.
Các chương trình xây dựng nông thôn mới, phát
triển kinh tế biển, giảm nghèo bền vững khu vực miền núi đạt nhiều kết
quả khá; diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay tích cực. Trong 5 năm,
tỉnh giảm được 48.500 hộ nghèo, bình quân giảm 3,23%/năm; giải quyết
việc làm cho hơn 36.500 lao động/năm; xây dựng và sửa chữa gần 7.400
ngôi nhà cho gia đình chính sách, hộ nghèo; đời sống vật chất và tinh
thần của Nhân dân được cải thiện, chất lượng sống của người dân được
nâng lên; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
* Phấn đấu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại
Giai đoạn 2015-2020, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày
càng sâu rộng, nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai tại tỉnh,
Quảng Ngãi có nhiều thời cơ, thuận lợi để tăng tốc phát triển. Mục tiêu
mà Đảng bộ tỉnh xác định là: " Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh;
phát huy truyền thống Anh hùng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân ;
phát triển toàn diện và đồng bộ kinh tế - xã hội; giữ vững
quốc phòng, an ninh ; phấn đấu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo
hướng hiện đại " ; trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân
từ 6 - 7%/năm; đến năm 2020, công nghiệp chiếm 60 - 61%; dịch vụ 28
- 29%; nông nghiệp 11 - 12% trong cơ cấu kinh tế; thu nhập bình quân
đầu người khoảng 3.600 - 4.000 USD/ năm.
Nhiệm kỳ qua, nguồn thu từ khu vực đô thị (cả khu kinh tế, khu công
nghiệp) chiếm 93,5% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, giai
đoạn tới phải tiếp tục tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng đô thị -
công nghiệp, tạo sức lan tỏa để phát triển khu vực nông thôn, miền núi.
Tỉnh đ ẩy mạnh việc quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị, phát triển
đô thị chất lượng cao, hiện đại, văn minh; đồng thời huy động nguồn lực
đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng
công nghiệp, đô thị, dịch vụ; phát triển công nghiệp và đô thị phải
được tiến hành đồng bộ, có tác động qua lại, hỗ trợ nhau. Tỉnh phấn đấu
đến năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa đạt 23%, nâng cao chất lượng sống của dân
cư đô thị.
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần
thứ XIX, đồng chí Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng, tỉnh
cần tạo sự đột phá để đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện
đại; chú trọng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công
nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công
nghiệp phụ trợ; tăng tỷ lệ nội địa trong sản phẩm công nghiệp của
tỉnh, nâng cao giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, tỉnh phát huy tối đa lợi
thế của Khu Kinh tế Dung Quất; sử dụng hiệu quả đất công nghiệp; tích
cực hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu
Dung Quất lên 8,5 triệu tấn/năm, dự án Nhà máy bột giấy VNT19, đẩy nhanh
tốc độ phát triển Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi,
làm hạt nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp và tăng trưởng kinh tế
trong những năm tới .
Đối với huyện Lý Sơn, tỉnh
Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư xây dựng nơi đây thành đảo du lịch mạnh về
kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh; hình thành các tuyến du lịch
biển Lý Sơn, Bình Châu, Mỹ Khê, Sa Huỳnh cùng với các sản phẩm du lịch
văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng, gắn với du lịch vùng
miền theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo sản phẩm du lịch có thương
hiệu và tính cạnh tranh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy
Quảng Ngãi khẳng định: Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu này, cần tổ chức
thực hiện tốt 3 khâu đột phá là p hát triển công nghiệp; nâng cao
chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng nhân lực trong hệ thống
chính trị và phục vụ sản xuất kinh doanh; p hát triển đồng bộ hệ thống
hạ tầng đô thị - công nghiệp hiện đại và ba nhiệm vụ trọng tâm: Phát
triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; p hát
triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển, đảo; x ây dựng chính quyền
trong sạch, vững mạnh; cải cách hành chính. /.
Sỹ Thắng/TTXVN