Đến năm 2020, tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh tham gia các chương
trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu
cầu vị trí việc làm; tất cả cán bộ chuyên trách cấp huyện có trình độ
đại học và trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; tất cả cán
bộ chủ chốt cấp xã có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên.
Đây là một trong số những mục tiêu cao nhất của đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” mà tỉnh Quảng Ninh đang triển khai thực hiện.
Ngoài ra, mục tiêu trước mắt đến năm 2015, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đạt được 96% người trong độ tuổi từ 15 - 60 và 100% trong độ tuổi từ 15 - 35 biết chữ; trong đó, ưu tiên xóa mù chữ cho phụ nữ, trẻ em gái, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn.
Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020” được chia làm 2 giai đoạn với các mục tiêu: xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề và tin học ngoại ngữ cho cán bộ; hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn.
Quảng Ninh đề ra 7 giải pháp thực hiện đề án, gồm: nâng cao nhận thức trong nhân dân về việc xây dựng xã hội học tập; tổ chức các hoạt động học tập thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ; củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh hình thức học từ xa, qua mạng; hỗ trợ người học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập suốt đời; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành và doanh nghiệp trong quá trình xây dựng xã hội học tập và tăng cường hợp tác quốc tế.
Những năm gần đây, Quảng Ninh đã tổ chức nhiều phong trào, hoạt động khuyến khích xã hội học tập như “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”, “Tháng 9 khuyến học”, phong trào “Ba đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ giấy bút), phong trào “Ba đỡ đầu” (đỡ đầu học sinh nghèo vượt khó, đỡ đầu học sinh giỏi thành tài, đỡ đầu học sinh khuyết tật vươn lên), phong trào xây dựng gia đình, dòng họ, đơn vị, khu dân cư hiếu học… đã tạo ra không khí học tập trong toàn xã hội.
Ngoài ra, Quảng Ninh cũng chú trọng phát triển mạnh hệ thống các trường ngoài công lập trên địa bàn. Hiện toàn tỉnh có 21 trường THPT ngoài công lập đang hoạt động (trong tổng số 56 trường THPT trên địa bàn, chiếm 37,5%), đứng thứ 3 toàn quốc về tỷ lệ trường THPT ngoài công lập. Tỉnh đang gấp rút xây dựng 2 trường đại học, đó là đại học đa ngành Quảng Ninh và đại học quốc tế Quảng Ninh. Việc xây dựng thêm nhiều trường lớp ở nhiều cấp học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và trình độ dân trí, nghề nghiệp, đẩy nhanh việc thực hiện đề án xã hội học tập./.
Văn Đức (TTXVN)