Thứ Bảy, 28/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 14/11/2015 16:27'(GMT+7)

Quốc hội cần khắc phục tính tham luận để chuyển thành Quốc hội tranh luận

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (TP Hà Nội) phát biểu ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Ảnh: Văn Bình.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (TP Hà Nội) phát biểu ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Ảnh: Văn Bình.

Theo Báo cáo Thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Nội quy kỳ họp Quốc hội là văn bản quy định các quy trình, thủ tục cho việc tổ chức, tiến hành kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, một số quy trình, thủ tục hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước hiện đã được quy định cụ thể trong các đạo luật tương ứng, như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Ngân sách nhà nước và một số văn bản khác... Do đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhất trí với quan điểm được nêu trong Tờ trình của Ủy ban TVQH là chỉ đưa vào Nội quy kỳ họp Quốc hội các quy định về quy trình, thủ tục chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật; đối với những quy trình, thủ tục đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác thì chỉ quy định dẫn chiếu mà không quy định lại.

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu tán thành với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và tập trung thảo luận vào một số nội dung như: Về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội (Điều 5); về người được mời tham dự kỳ họp, dự thính tại phiên họp Quốc hội (Điều 8); về thảo luận tại phiên họp toàn thể (Điều 16); về biểu quyết tại phiên họp toàn thể (Điều 18)...

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, hầu như cả 13 khóa Quốc hội vẫn cơ bản là “Quốc hội tham luận và chưa chuyển thành Quốc hội tranh luận và đây là một vấn đề lớn của Quốc hội ta hiện nay”. Theo đại biểu, tại Điều 16 của dự thảo Nghị quyết lần này, thiếu về phần Điều hành phiên họp của các vị chủ tọa vì Điều hành phiên họp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đại biểu Quốc hội phát biểu, trình bày tham luận và đặc biệt là tranh luận để thể hiện quan điểm, chính kiến của mình. “Các vị chủ tọa tại kỳ họp lần này điều hành cũng tốt rồi nhưng các đại biểu Quốc hội vẫn còn băn khoăn về tính không thống nhất trong cách điều hành. Điều hành có kết luận hay không có kết luận, tại sao có kết luận, kết luận có giá trị như thế nào, tóm tắt như vậy thì đã phản ánh hết ý kiến ĐBQH hay chưa?”, đại biểu Quyền nói. Đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung quy định về Điều hành phiên họp nhằm khắc phục tính tham luận, tránh việc các đại biểu “cứ đứng lên là đọc một bài chuẩn bị sẵn, rất mất thời gian; có nhiều bài tương đối trùng nhau”… và làm sao điều hành để biến từ “Quốc hội tham luận thành Quốc hội tranh luận” khi các đại biểu nêu được những quan điểm khác nhau, nói rõ quan điểm về cơ sở lý luận, về triết lý và thực tiễn của vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, các đại biểu đọc tham luận thì có thể sẽ trùng, mặc dù cũng tốt nhưng cần có nhiều thời gian dành cho tranh luận hơn và đề nghị Quốc hội nên ghi vào thêm nội dung “Quốc hội cần dành thêm thời gian thảo luận để bố trí tranh luận”; khi tranh luận thì các đại biểu khác có thêm thông tin, chắt lọc lại được những vấn đề mà mình quan tâm. Đồng tình quan điểm này, theo đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau), cần tăng cường tranh luận để nâng cao chất lượng thảo luận, vì khi tranh luận có nhiều giá trị thông tin lớn để đại biểu có cơ sở hiểu biết thêm và khi không nên quy định đại biểu chỉ được đăng ký phát biểu 2 lần. “Tôi thấy, nên quan tâm theo hướng, tất nhiên thực hiện cũng khó, nhưng theo hướng phấn đấu chủ tọa điều hành cho thảo luận theo nhóm vấn đề lớn, quan trọng cần tranh luận. Khi đó, các đại biểu tham gia tranh luận về vấn đề đó sẽ đăng ký với chủ tọa trong điều hành tranh luận. Khi đó, tranh luận sẽ có giá trị rất lớn để đại biểu có cơ sở hiểu biết thêm cũng như lựa chọn cân nhắc khi biểu quyết. Rồi cân nhắc việc kết thúc thảo luận thế nào cho hợp lý. Nên chăng, thảo luận quan trọng còn quá nhiều ý kiến đại biểu đăng ký thì có thể kéo dài thời gian phiên họp hoặc tiếp tục thảo luận ở phiên họp sau. Nhưng việc vận dụng, kéo dài không chỉ với kinh tế-xã hội, mà với cả các nội dung khác, kể cả luật, tranh luận”, đại biểu Chương nêu ý kiến.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) thì cho biết: So với kỳ Quốc hội Khóa IX mà tôi tham gia thì chất lượng tranh luận đang có bước thụt lùi. Hồi ấy,  công nghệ chưa phát triển, ai muốn phát biểu phải cầm giấy phất. Ai phất càng mạnh thì chứng tỏ có vấn đề muốn tranh luận, khi đó chủ tọa sẽ gọi…

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phát biểu ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Ảnh: Văn Bình.

Về nội dung biểu quyết tại phiên họp toàn thể ở Điều 18, nhiều đại biểu cho rằng cần phải công bố công khai, danh tính của đại biểu Quốc hội để biết ai đồng ý, ai không đồng ý. “Bấm nút mà không rõ danh tính thì nhân dân không biết được quan điểm của đại biểu đó như thế nào trong quá trình biểu quyết, vì biểu quyết thể hiện được quan điểm, bản lĩnh chính kiến của đại biểu Quốc hội”, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nói.

Ngoài ra, các đại biểu còn có ý kiến về quy định về người được mời tham dự kỳ họp, dự thính tại phiên họp Quốc hội. Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đây là quyết định mới. Cần tạo điều kiện để người dân dự thính vì người dân có quyền giám sát, hoạt động của Quốc hội cũng cần phát huy để người dân trực tiếp đóng góp trí tuệ càng nhiều càng tốt, thể hiện tinh thần dân chủ. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) thì cho rằng phải bảo đảm an toàn cho nhân dân khi tham gia kỳ họp Quốc hội. Nhân dân tham gia như thế nào, đăng ký ở đâu, phải bảo đảm yêu cầu, điều kiện quy định gì khi tham gia dự thính tại kỳ họp Quốc hội; đảm bảo công khai thông tin thời gian tổ chức các phiên họp, mọi công dân, mọi cử tri đều phải biết nội dung này. Có ý kiến cho rằng, hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, thể hiện sự gần dân, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của cử tri và nhân dân cả nước, trong Nội quy cần quy định cụ thể hơn về vấn đề người được mời, được dự thính kỳ họp Quốc hội, nhất là các vấn đề về điều kiện, số lượng, thành phần, vị trí ngồi, trường hợp nào không được dự thính phiên họp của Quốc hội,…

Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, cần tăng các phiên họp được truyền hình, truyền thanh trực tiếp về các dự án luật quan trọng chứ không chỉ các phiên chất vấn về tình hình kinh tế-xã hội, để qua đó, người dân theo dõi, nắm được quan điểm, chính kiến của đại biểu Quốc hội và đây cũng là kênh tuyên truyền hiệu quả…

Phúc Thắng/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất