Giải quyết những vướng
mắc trong thực hiện bản quyền tác giả, tác phẩm; chế độ, chính sách đối với
người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; xử lý vi phạm trong lĩnh
vực nghệ thuật biểu diễn… là những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan
tâm tại phiên giải trình của Chính phủ về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật
trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên,
Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội, ngày 26/4.
Phát biểu tại phiên giải trình, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa,
Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhấn mạnh nghệ thuật biểu diễn đóng
vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, không chỉ thực hiện chức năng
giải trí mà còn giúp định hướng thẩm mỹ, hình thành nhân cách, góp phần nâng cao
đời sống tinh thần.
Trong thời kỳ đổi mới, bên cạnh các loại hình truyền thống, nhiều loại hình nghệ
thuật biểu diễn mới xuất hiện khiến cho đời sống nghệ thuật thêm sôi động. Tuy
nhiên, bên cạnh những thành tựu, hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang bộc lộ
không ít hạn chế, tồn tại. Mục đích của phiên giải trình là đánh giá công tác
chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của Chỉnh phủ, các bộ, ngành và Ủy ban Nhân
dân các cấp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan đến hoạt động
nghệ thuật biểu diễn; đồng thời kiến nghị các giải pháp hoàn thiện chính sách,
pháp luật trong quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Giải trình và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã .Bộ trưởng Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã tập trung làm rõ
những nội dung liên quan đến ba nhóm vấn đề trọng tâm gồm việc ban hành
văn bản
quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; chính sách phát
triển
hoạt động nghệ thuật biểu diễn và công tác quản lý nhà nước về hoạt động
nghệ
thuật biểu diễn.
Đại diện các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Tài chính cũng đã trao đổi thêm
những vấn đề liên quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, công tác
quản lý, thực hiện chính sách pháp luật về nghệ thuật biểu diễn còn những vướng
mắc, hạn chế. Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đang thiếu hụt đội ngũ sáng tạo tài
năng, số lượng tác phẩm nhiều nhưng ít tác phẩm chất lượng cao.Một bộ phận văn
nghệ sỹ lệch lạc về khuynh hướng sáng tác, chạy theo thị hiếu tầm thường của một
bộ phận khán giả.
Công tác giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ chưa được quan tâm đúng mức.
Hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn bị
xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng thấp…
Trong khi đó, hạn chế lớn nhất trong công tác xây dựng, ban hành chính sách,
pháp luật về nghệ thuật biểu diễn trong nhiều năm qua là thiếu tính dự báo,
thiếu tầm nhìn chiến lược.
Giải trình về trách nhiệm quản lý của Bộ trước những vi phạm trong hoạt động
nghệ thuật biểu diễn như hát nhép, quảng cáo sai sự thật, sử dụng bài hát không
được phép, trang phục phản cảm…, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nêu rõ sẽ tiếp tục chỉ
đạo thực hiện tốt các giải pháp đã nêu trong Chỉ thị 65 ngày 16/4/2012 nhằm chấn
chỉnh hoạt động tổ chức nghệ thuật biểu diễn, trình diễn thời trang.
Theo Bộ trưởng, một số hạn chế trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn hiện nay là
lỗi ở ba khâu gồm cấp phép, đơn vị tổ chức và do bản thân nghệ sỹ; mặt khác
thiếu kiểm tra, chế tài xử phạt chưa nghiêm minh. Bộ đã tăng cường kiểm soát
nhưng có lúc có nơi còn chưa kịp thời.
Việc kiểm soát, xử lý nghiêm minh cũng có tác dụng giáo dục không nhỏ trong thực
hiện đạo đức nghề nghiệp của người nghệ sỹ. Trên cơ sở phân cấp, Bộ trưởng đề
nghị các bộ, ngành liên quan và địa phương tăng cường trách nhiệm trong quản lý
hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Liên quan đến vấn đề nhiều thiết chế văn hóa ở các địa phương đang bị chuyển mục
đích sử dụng, theo ý kiến của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Bộ trưởng cho biết,
quan điểm của Bộ là hết sức cân nhắc, tuy nhiên không cứng nhắc mà tính toán cụ
thể trên cơ sở đảm bảo điều kiện tốt hơn cho địa điểm mới.
Theo Bộ trưởng, hiện có khoảng hơn 80% các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên
toàn quốc không có địa điểm biểu diễn cố định; đa số phải biểu diễn lưu động
ngoài trời.
Xuất phát từ thực tế và sự xuống cấp của các thiết chế văn hóa, Bộ xây dựng Đề
án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa giai đoạn
2012-2020,” phê duyệt xây dựng 58 nhà hát, rạp biểu diễn, nhằm phục vụ sự nghiệp
phát triển văn hóa, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân.
Tuy nhiên, hiện nay Đề án vẫn chưa triển khai được do chưa bố trí được quỹ đất
và chưa có nguồn kinh phí để đầu tư.
Về vấn đề chính sách lương, phụ cấp, tuổi nghề đối với các diễn viên, nghệ sỹ,
theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vướng mắc lớn nhất hiện nay là hệ số các
bậc lương của ngạch diễn viên thấp hơn bậc lương của một số ngạch trong bảng
lương viên chức nhà nước.
Vấn đề thi nâng ngạch, bậc lương cho nghệ sỹ chưa triển khai được vì vướng các
yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, nhất là đối với các nghệ sỹ thuộc loại hình
nghệ thuật truyền thống.
Mặt khác, nghề diễn viên có thời gian hoạt động biểu diễn rất ngắn, do đó tuổi
nghề của nữ chỉ từ 40-45 tuổi, nam từ 45-50 tuổi trong khi tuổi nghỉ hưu của
diễn viên thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội là bất hợp lý, cần
được xem xét lại.
Cùng đó, chính sách khen thưởng, phong tặng các danh hiệu, chế độ ưu đãi cho các
nghệ sỹ chưa đáp ứng được thực tế đời sống hoạt động nghệ thuật… Đây cũng là
những vấn đề mà các đại biểu quan tâm nêu ý kiến, đề xuất tại phiên giải trình.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Trung Quốc và nhiều đại biểu về việc bản
quyền tác giả, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc chưa được quan tâm đúng mức,
ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều nhạc sỹ, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng
Cục nghệ thuật biểu diễn cho rằng, vướng mắc hiện nay là chưa có khung quy định
mức trả tác quyền, mà đang được thực hiện theo thỏa thuận giữa Trung tâm bản
quyền tác giả và các đơn vị tổ chức biểu diễn, do đó có sự khúc mắc, chưa thống
nhất được giữa bên chịu trách nhiệm thu tiền tác quyền cho các nhạc sỹ và bên sử
dụng các tác phẩm.
Tại Nghị định 79/2012/NĐ-CP (quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời
trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca
mua nhạc, sân khấu), Bộ cũng đã quy định rõ yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải
chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyền tác giả.
Tuy nhiên, theo đại biểu Dương Trung Quốc, với trách nhiệm là cơ quan quản lý
văn hóa, nếu Bộ cho phép mà không giám sát thì cũng không có ý nghĩa; cần quy
định rõ là phải có thỏa thuận giữa các bên, lợi ích của các đơn vị biểu diễn
phải dựa trên cơ sở lợi ích chung, có hình thức xử lý nghiêm đối với đơn vị nào
không thực hiện.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương cũng cho rằng nếu không có sự thỏa thuận với tác giả,
nạn vi phạm bản quyền khó mà khắc phục được.
Giải trình về trách nhiệm và giải pháp của Bộ trong việc bảo đảm tác quyền, ông
Nguyễn Đăng Chương cho biết Bộ đang đẩy nhanh tiến trình xây dựng khung chi trả
bản quyền tác giả để các tổ chức, cá nhân có cơ sở thỏa thuận, căn cứ vào các
mức để chi trả cho tác giả.
Cục nghệ thuật biểu diễn cũng thường xuyên yêu cầu các Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch các địa phương trước khi cấp phép, rà soát lại trách nhiệm trả bản quyền
tác giả đối với các tổ chức hoạt động nghệ thuật biểu diễn, kể cả các đơn vị
công lập và ngoài công lập. Chắc chắn, khi khung chi trả này được ban hành, sẽ
tháo gỡ toàn diện những vướng mắc giữa bên thu và bên phải nộp.
Trước ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết cho rằng, nguyên nhân do chưa có
khung giá là chưa hợp lý, ông Nguyễn Đăng Chương khẳng định Bộ đã chỉ đạo các
đơn vị chức năng xử lý nghiêm các vi phạm; rà soát lại, có sự điều chỉnh để tạo
điều kiện tốt nhất cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn thực hiện tốt các quy
định của pháp luật, đảm bảo vấn đề tác quyền đối với các tác giả.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội và giải trình của các cơ quan, Ủy
ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Chính phủ và
các bộ, ngành sớm hoàn thiện quy hoạch phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn,
sắp xếp lại các đoàn nghệ thuật công lập và các trường văn hóa nghệ thuật của cả
nước; có chính sách cụ thể hỗ trợ các đoàn nghệ thuật truyền thống ở Trung ương
và địa phương. Đồng thời, chỉ đạo nghiên cứu cụ thể hóa, đẩy mạnh chính sách xã
hội hóa hoạt động nghệ thuật biểu diễn; ban hành chính sách thuế, giao đất, cho
thuê đất để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cơ sở vật chất
và hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Mặt khác, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các thiết chế văn hóa; xem xét
lại tính khả thi của Đề án quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công
trình văn hóa”; nghiêm cấm việc bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đối với các
thiết chế văn hóa.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, chế độ
phù hợp với đặc thù của ngành nghệ thuật biểu diễn. Cụ thể về chế độ tiền lương,
phụ cấp, thù lao, nhuận bút; hướng dẫn, tổ chức thực hiện thi nâng ngạch nghệ sỹ
phù hợp đặc thù lao động nghệ thuật; sửa đổi tiêu chuẩn phong tặng danh hiệu
nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú; có chính sách ưu đãi về tiền lương đối với
những nghệ sỹ được phong tặng danh hiệu vinh dự hoặc đoạt giải cao trong các
liên hoan nghệ thuật toàn quốc, quốc tế.
Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bản quyền cũng cần được sửa đổi cho
phù hợp với Luật sở hữu trí tuệ nhằm khuyến khích sáng tạo và bảm đảm quyền lợi
của các chủ sở hữu, quyền tác giả, quyền liên quan.
Đối với vấn đề đào tạo, cần có cơ chế tuyển sinh phù hợp với đặc thù các trường
văn hóa nghệ thuật; tăng kinh phí đào tạo hợp lý, miễn học phí cho người học các
bộ môn nghệ thuật truyền thống; có chính sách đưa đi đào tạo nước ngoài một số
ngành nghệ thuật mà Việt Nam chưa đào tạo được.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng đề nghị Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Theo thẩm quyền, khẩn trương ban hành những
văn bản còn thiếu và sửa đổi những quy định không còn phù hợp, đảm bảo tính
thống nhất của hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các văn bản chỉ đạo liên
quan đến bản quyền thuộc phạm vi trách nhiệm của mình để hỗ trợ, tạo điều kiện
thực thi Luật sở hữu trí tuệ trong cuộc sống; chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật
biểu diễn và trình diễn thời trang.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường quản lý hoạt động nghệ
thuật biểu diễn ở địa phương; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các
trường hợp sai phạm.
Trước đó, trong phiên họp toàn thể ngày 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh
niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã thảo luận dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc
thực hiện Nghị quyết 35 và Nghị quyết 50 của Quốc hội khóa XII liên quan đến
giáo dục đại học; dự thảo Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc bảo đảm chất lượng và chương
trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông”./.
Thanh Hòa (TTXVN)