Buổi sáng, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này.
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là vấn đề quản lý rượu thủ công. Dự kiến đến ngày 1/1/2023, rượu thủ công sẽ được quản lý như rượu công nghiệp, định hướng giảm dần sản xuất, kinh doanh loại rượu này.
Điều 16 dự thảo Luật quy định các biện pháp quản lý toàn diện đối với sản xuất rượu thủ công, theo hướng giao trách nhiệm cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phải tổ chức rà soát, thống kê số lượng hộ gia đình, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công; sản lượng sản xuất, kiểm tra chất lượng rượu thủ công trong toàn tỉnh, gửi Bộ Công Thương tổng hợp và báo cáo Chính phủ trước ngày 1/1/2023; vận động người dân tuân thủ quy định về sản xuất, kinh doanh rượu, không bán rượu không có giấy phép sản xuất ra thị trường; vận động, tuyên truyền để người dân, hộ gia đình chấm dứt sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh...
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trồng trọt, các đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc hoạt động trồng trọt: quản lý nghiêm ngặt từng khâu trong hoạt động trồng trọt, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, xây dựng và quản lý tốt thương hiệu trồng trọt Việt Nam.
Bên cạnh đó, dự án Luật cần có các quy định nhằm phát huy vai trò các hiệp hội, ngành hàng, tổ chức xã hội, thúc đẩy quá trình liên kết, tái cơ cấu hoạt động trồng trọt; đẩy mạnh liên kết hộ trồng trọt, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động trang trại, các mô hình sản xuất lớn, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thích ứng với biến đổi khí hậu.
[Họp Quốc hội: Thảo luận dự án Luật có quy định liên quan đến quy hoạch]
Đề nghị ban soạn thảo rà soát lại tính khả thi trong các quy định về điều kiện hoạt động của các chủ thể tham gia hoạt động trồng trọt, đại biểu Tạ Minh Tâm nêu rõ sự thông thoáng trong các yếu tố đầu vào trong hoạt động trồng trọt cũng phải đồng nghĩa với sự minh bạch, chặt chẽ, hiệu lực, cũng như bảo vệ cao nhất quyền lợi của các chủ thể trồng trọt, của các hộ nông dân.
Chiều cùng ngày, đại biểu đã thảo luận vòng 2 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.
Bên cạnh nhiều nội dung đã được thống nhất, vẫn còn có ý kiến khác nhau về sự tồn tại của quy hoạch xây dựng tỉnh. Nhiều đại biểu đồng tình giữ quy hoạch xây dựng tỉnh với quan điểm đây là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, có chuyên ngành sâu, giúp cụ thể hóa các định hướng sử dụng về không gian, đất đai, môi trường trên địa bàn và là khâu quan trọng trong hệ thống quy hoạch xây dựng quốc gia hiện nay.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Quy hoạch xây dựng tỉnh là căn cứ để địa phương có thể triển khai được các chương trình đầu tư công vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật và nâng cấp để mở rộng hệ thống đô thị để đảm bảo theo phát triển về dân cư, mật độ lao động, nhà ở, thương mại.
Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng quy hoạch xây dựng tỉnh là một hợp phần trong quy hoạch tỉnh. Trước những ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết sẽ có phiếu xin ý kiến để đại biểu thể hiện chính kiến.
Trước đó, 86,19% đại biểu đã tán thành thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Quốc hội quyết nghị tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2019 là 1.411.300 tỷ đồng.
Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.633.300 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 222.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm bội chi ngân sách trung ương là 209.500 tỷ đồng, tương đương 3,4% GDP; bội chi ngân sách địa phương là 12.500 tỷ đồng, tương đương 0,2%GDP. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 425.252 tỷ đồng./.
TTX