Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 14/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật tổ chức Quốc
hội (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 7.
Các ý kiến thảo luận cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc
hội trước hết nhằm khắc phục những những hạn chế, bất cập hiện nay, phục
vụ việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Việc sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội lần này còn nhằm thể chế hóa Cương
lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ
sung, phát triển năm 2011), các văn kiện khác của Đảng và đặc biệt là để
cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh tới sự đổi mới đáng ghi
nhận trong các kỳ họp Quốc hội gần đây, đảm bảo việc thực hiện tốt hơn
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, đồng thời được cử tri cả
nước ghi nhận và hoan nghênh. Theo đại biểu, việc sửa đổi lần này là cần
thiết để phù hợp với những yêu cầu của thực tiễn.
Theo Ban soạn thảo, đây sẽ là dự án sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện
Luật tổ chức Quốc hội hiện hành. Ban soạn thảo đã tổ chức nghiên cứu,
xây dựng dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), gồm 6 chương với 140
điều.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần xác
định rõ và nêu ngay trong quan điểm chỉ đạo việc sửa đổi Luật tổ chức
Quốc hội là sửa đổi cơ bản, toàn diện hay chỉ sửa đổi một số nội dung có
bất cập, không còn phù hợp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, trong việc triển khai
thi hành Hiến pháp mới được thông qua, việc sửa đổi Luật tổ chức Quốc
hội cần phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể, tạo sự hài hòa thống
nhất với việc sửa đổi các luật khác có liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá kết cấu của dự án Luật tổ chức Quốc hội
(sửa đổi) chưa phù hợp, bởi vai trò của đại biểu Quốc hội là trung tâm
của dự án Luật này nhưng mãi tới tận Chương IV mới đề cập tới nội dung
này. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng một số đại biểu khác
đề nghị có sự sắp xếp lại cho phù hợp hơn; đưa Chương IV lên ngay sau
Chương I...
Một số ý kiến cũng nêu lên vai trò quan trọng của kỳ họp Quốc hội và đề
nghị cần nói rõ vị trí , vai trò của kỳ họp Quốc hội trong dự án Luật,
đặc biệt là kỳ họp đầu tiên và kỳ họp cuối cùng.
Về mức độ sửa đổi, bổ sung và phạm vi điều chỉnh của Luật tổ chức Quốc
hội (sửa đổi), qua thảo luận vẫn còn có những quan điểm khác nhau. Có ý
kiến đề nghị trong lần sửa đổi này nên tập trung nghiên cứu, điều chỉnh
về cơ cấu, bố cục, phạm vi điều chỉnh của Luật; pháp điển hóa các quy
định về tổ chức và hoạt động của Quốc hội để thuận tiện cho đại biểu
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện các quy định
này.
Theo đó, cần nghiên cứu thu hút các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn,
nguyên tắc tổ chức công việc, mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức khác
trong nội quy, quy chế và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác vào
Luật tổ chức Quốc hội.
Các nội dung chi tiết về trình tự, thủ tục, lề lối làm việc của Quốc
hội, các cơ quan của Quốc hội có thể sẽ quy định trong các văn bản khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu lại nghiêng về
quan điểm khác, đề nghị chỉ cần sửa đổi tối thiểu, tiếp tục giữ bố cục
và cơ cấu của Luật tổ chức Quốc hội như hiện nay; sửa đổi, bổ sung những
nội dung thật cần thiết để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp mới và yêu cầu
thực tiễn.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, trong dự án Luật tổ chức Quốc
hội (sửa đổi) cần thiết đề cập tới hoạt động của Quốc hội, tuy nhiên
việc đề cập chỉ nên dừng ở mức độ đại cương, những ý tưởng lớn, không
cần thiết đề cập quá sâu, quá cụ thể, tránh sự xung đột pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị cần xác định rõ phạm vi
điều chỉnh của dự án Luật, nghiên cứu để có mức độ hợp lý nhất.
Về Tổng thư ký Quốc hội, qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quy
định chức danh Tổng thư ký Quốc hội như đã nêu trong Nghị quyết Trung
ương 7 (khóa XI). Tuy nhiên, chức danh này không được quy định trong
Hiến pháp, không phải là một chức danh lãnh đạo Quốc hội, không có vị
thế giống như Tổng thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Hiến pháp năm
1959, Tổng thư ký Hội đồng nhà nước theo Hiến pháp năm 1980.
Chức danh Tổng thư ký Quốc hội không nhất thiết do đại biểu Quốc hội đảm
nhiệm, là một công chức đứng đầu bộ máy giúp việc của Quốc hội.
Để nâng cao hơn nữa trách nhiệm cũng như hiệu quả hoạt động của đại biểu
Quốc hội, một số ý kiến đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động
chuyên trách. Trong dự án Luật đề xuất tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên
trách chiếm ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên có ý
kiến đề nghị nghiên cứu nâng tỷ lệ này lên 40% mới đáp ứng được yêu cầu
công việc.
Tại phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể
nhiều nội dung trong dự thảo Luật: về Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc
hội; Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại biểu Quốc hội,
Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan thuộc Quốc hội…/.
(Vietnam+)