Sáng 14/6 tại kỳ họp thứ 7, với 91,53% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) quy định nguyên tắc, trình tự, thủ
tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền
trong thi hành bản án; quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo,
cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số
quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc
nhất định, án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hình phạt đình
chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh,
cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, biện
pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người, pháp nhân thương mại chấp hành
án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân
có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp.
Luật quy định nguyên tắc thi hành án hình sự gồm: Tuân thủ Hiến pháp,
pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của
cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực
pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ
chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành; bảo đảm nhân đạo
xã hội chủ nghĩa; tôn trọng danh dự, nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp
của người chấp hành án, người chấp hành biện pháp tư pháp, quyền, lợi
ích hợp pháp của pháp nhân thương mại chấp hành án. Kết hợp trừng trị và
giáo dục cải tạo trong việc thi hành án; áp dụng biện pháp giáo dục cải
tạo phải trên cơ sở tính chất, mức độ phạm tội, độ tuổi, giới tính,
trình độ học vấn và các đặc điểm nhân thân khác của người chấp hành án.
Thi hành án đối với người dưới 18 tuổi chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ
họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho
xã hội. Khuyến khích người chấp hành án ăn năn hối cải, tích cực học
tập, lao động cải tạo, tự nguyện bồi thường thiệt hại. Bảo đảm quyền
khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định trái pháp luật của cơ quan, người
có thẩm quyền trong thi hành án hình sự…
Các hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự theo quy định của
luật gồm: Phá hủy cơ sở quản lý, giam giữ; hủy hoại hoặc cố ý làm hư
hỏng tài sản của cơ sở quản lý, giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khỏi
nơi quản lý, giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khi đang bị áp giải, dẫn
giải; đánh tháo phạm nhân, người chấp hành biện pháp tư pháp, người bị
áp giải, dẫn giải. Không chấp hành quyết định thi hành án hình sự; cản
trở hoặc chống lại việc thực hiện nội quy, quy chế về thi hành án hình
sự hoặc quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi
hành án hình sự. Tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức,
cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về thi hành án hình sự; trả thù,
xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người có
trách nhiệm thi hành án hình sự. Không ra quyết định thi hành án hình
sự; không thi hành quyết định trả tự do theo quy định của pháp luật và
các quyết định khác của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án
hình sự. Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, nhũng nhiễu trong thi
hành án hình sự...
Bên cạnh đó, Luật có các quy định cụ thể về: hệ thống tổ chức thi
hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thi hành án
hình sự thuộc Bộ Công an; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thi
hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi
hành án hình sự công an cấp tỉnh; chế độ lao động của phạm nhân; tổ
chức lao động cho phạm nhân; chế độ ăn, ở đối với phạm nhân; tha tù
trước thời hạn có điều kiện…
Luật Thi hành án hình sự có 16 chương với 207 điều, có hiệu lực thi
hành từ ngày 1/1/2020. Luật Thi hành án hình sự số 53/2010/QH12 hết hiệu
lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành./.
(VGP)