Sáng 29/11, tại Nhà Quốc hội, với 477/477 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo
Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn
Cường cho biết, ngày 26/11/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi xin ý
kiến các đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội
khóa XV và đã nhận được 443 ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Có 388 đại
biểu Quốc hội nhất trí hoàn toàn với nội dung dự thảo Nghị quyết; 55
đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành và góp ý thêm đối với một số nội dung
cụ thể. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng, nghiên
cứu tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội để hoàn
thiện dự thảo Nghị quyết.
Theo đó, một số ý kiến đề nghị bổ sung tại dự thảo Nghị quyết các nội
dung: “Dự án tái định cư sân bay Long Thành nếu không sử dụng hết vốn
có thể phân bổ cho các dự án hạ tầng giao thông quan trọng khác”; “Cho
phép dự án tái định cư sân bay Long Thành nếu không sử dụng hết thì được
bố trí tái định cư cho các dự án quan trọng quốc gia khác, đảm bảo đúng
các quy định hiện hành”…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các ý kiến nêu trên là nội dung
mới, Chính phủ không đề nghị trong các Tờ trình chính thức báo cáo Quốc
hội và Quốc hội cũng không thảo luận về nội dung này, vì vậy chưa có cơ
sở đưa vào dự thảo Nghị quyết. Bên cạnh đó, nội dung kiến nghị của đại
biểu là việc điều chỉnh phạm vi dự án, thuộc thẩm quyền của người quyết
định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và phải thực hiện theo trình
tự, thủ tục quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và
pháp luật có liên quan.
Có ý kiến đề nghị cho phép bổ sung cả dự toán năm 2025 cho các bộ, cơ
quan Trung ương để triển khai các dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa,
mua sắm đầu tư trang thiết bị các bệnh viện, bởi vì nếu quy định chỉ bổ
sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 sẽ không đủ thời gian để giải
ngân kế hoạch vốn, ảnh hưởng đến tính khả thi và hiệu quả sử dụng nguồn
vốn, phát sinh thêm thủ tục do phải báo cáo lại Quốc hội để cho phép bố
trí tiếp trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc bổ sung dự toán năm 2025 cho các
bộ, cơ quan Trung ương để triển khai dự án là cần thiết. Tuy nhiên, đây
là một trong những chính sách của Chương trình thuộc Nghị quyết số
43/2022/QH15; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Thông báo số 2878/TB-TTKQH
ngày 16/10/2023, trong đó thống nhất về chủ trương cho phép trình Quốc
hội kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển bố trí
cho các dự án đầu tư của Chương trình đến hết năm 2024. Do đó chưa có đủ
cơ sở để cho phép bố trí dự toán năm 2025 cho các bộ, cơ quan Trung
ương như đề xuất nêu trên.
Có ý kiến đề nghị xem xét, bổ sung vào dự thảo
Nghị quyết nội dung giao Chính phủ xem xét bố trí nguồn vốn để thanh
toán chi phí giải phóng mặt bằng cho Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh
qua huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng
mắc cho người dân, tránh khiếu kiện kéo dài. Ủy ban Thường vụ Quốc hội
cho rằng, nội dung này đã được tiếp thu, thể hiện tại dự thảo Nghị quyết
về chất vấn tại Kỳ họp này.
Bên cạnh các nội dung nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo
rà soát kỹ lưỡng, nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề về nội
dung mà đại biểu Quốc hội gửi đến Tổng Thư ký Quốc hội, đảm bảo đúng quy
định của pháp luật; đồng thời, rà soát về kỹ thuật văn bản trong dự
thảo Nghị quyết, đảm bảo ngắn gọn, chặt chẽ để trình Quốc hội xem xét,
thông qua.
Sau khi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị
quyết và dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng
Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày toàn văn dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ
6, Quốc hội khóa XV./.
TTXVN