Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội của Chính quyền Nhân dân nước Cộng hòa
Cuba do ông Esteban Lazo Hernandez, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản
Cuba, Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu, đã dự khán Phiên chất vấn và trả lời
chất vấn của Quốc hội.
Tiến hành chất vấn đối với 4 nhóm nội dung
Phát biểu khai mạc Phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
nêu rõ so với những kỳ họp trước đây, Quốc hội đã dành thêm nửa ngày
cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn để đáp ứng nguyện vọng của cử
tri và Nhân dân cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết tính đến hết ngày 12/6 đã
có 86 phiếu chất vấn với 98 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi
đến Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân
dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Thông qua phiếu xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhận được
145 vấn đề chất vấn của 42 Đoàn đại biểu Quốc hội được tổng hợp từ ý
kiến của đại biểu Quốc hội. Cùng với đó, theo báo cáo của Ủy ban Trung
ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quốc hội đã nhận được 3.288 ý kiến, kiến
nghị của cử tri, Nhân dân cả nước gửi đến Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là những cơ sở quan trọng để Ủy ban
Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội lựa chọn những vấn đề chất vấn.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội quyết định tiến hành chất vấn đối với 4 nhóm
nội dung liên quan đến những vấn đề bức xúc của xã hội được Nhân dân và
cử tri cả nước quan tâm như sau: Tái cơ cấu nền nông nghiệp hướng tới
xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa bền vững, phát triển nguồn lợi thủy
sản; Quản lý hoạt động văn hóa, vấn đề đạo đức xã hội, chất lượng du
lịch; Vấn đề khám bệnh, chữa bệnh, giá thuốc chữa bệnh, y tế cơ sở; Huy
động, quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ý; không
đặt câu hỏi mang tính chỉ tìm hiểu thông tin, nêu tình hình.
Theo quy định tại Nội quy Kỳ họp, thời gian hỏi không quá hai phút cho
một lần hỏi. Để tăng tính đối thoại giữa người chất vấn và người trả lời
chất vấn, phiên chất vấn lần này tiếp tục sử dụng quyền tranh luận, các
đại biểu Quốc hội cần chuẩn bị nội dung cụ thể để tranh luận cho rõ ý.
Người trả lời chất vấn cần trả lời thẳng thắn, không né tránh, xác định
rõ trách nhiệm, hướng khắc phục, giải pháp trong thời gian tới để Quốc
hội có sơ sở giám sát việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, thành
viên Chính phủ trước cử tri và Nhân dân cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ hoạt động chất vấn luôn là
vấn đề được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm. Sau phiên chất vấn,
Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để ghi nhận các giải pháp, những vấn đề
đã hứa của bộ trưởng, các thành viên Chính phủ, để Chính phủ và các bộ,
ngành triển khai thực hiện đúng và các cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc
hội, Đoàn đại biểu Quốc hội theo dõi giám sát việc thực hiện.
Nhấn mạnh đây là lần thứ hai, Quốc hội khóa XIV tổ chức hoạt động chất
vấn, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng với kinh nghiệm của nhiều kỳ họp trước
đây, cùng với sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan hữu quan và sự tích
cực, chủ động của các đại biểu phiên chất vấn đạt được kết quả như mong
đợi.
100% kiến nghị của cử tri đã được trả lời
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường
vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn
Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị
của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Báo cáo nêu rõ: qua 2.073 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ
2, Đoàn Đại biểu Quốc hội của 63 tỉnh, thành phố đã tổng hợp được 3.320
kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội. Các kiến nghị đề cập đến mọi
lĩnh vực trong đời sống kinh tế-xã hội, từ chủ trương chính sách của
Đảng, Nhà nước đến những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng
ngày của người dân. Đến nay, 100% kiến nghị đã được trả lời, đăng công
khai trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội.
Đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Báo cáo đánh giá trong hoạt
động lập pháp: Quốc hội đã có nhiều cố gắng trong việc bảo đảm chất
lượng, hiệu quả, tiến độ xây dựng luật; sự phối hợp giữa Ban soạn thảo,
cơ quan thẩm tra trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật chặt chẽ,
hiệu quả hơn. Các dự án luật còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục
thảo luận, để chỉnh lý dự thảo luật. Công tác xây dựng pháp luật đã cơ
bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm
quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Trong hoạt động giám sát, việc lựa chọn nội dung và tổ chức các hoạt
động giám sát bước đầu được thực hiện theo Quy chế tổ chức các hoạt động
giám sát mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành (01/2017) đã đảm
bảo tính khách quan, khoa học; chủ đề giám sát được lựa chọn vừa mang
tính toàn diện vừa bám sát được thực tế đời sống xã hội, gắn với những
vấn đề cử tri đang quan tâm, từng bước khắc phục một số hạn chế, chồng
chéo khi giám sát tại các địa phương, bộ, ngành. Hoạt động chất vấn tiếp
tục có đổi mới về thủ tục đăng ký chất vấn, nội dung chất vấn,... giúp
các đại biểu Quốc hội có điều kiện tranh luận với người được chất vấn và
giữa các đại biểu khi có ý kiến khác nhau, góp phần làm sáng tỏ nhiều
vấn đề mà cử tri quan tâm…
Tuy nhiên, trong hoạt động lập pháp, các cơ quan của Quốc hội vẫn còn nể
nang nên tình trạng cơ quan trình dự án luật gửi hồ sơ, tài liệu chưa
đủ, chưa đảm bảo thời gian theo quy định chưa được cải thiện nhiều.
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 mặc dù đã được thông qua
nhưng vẫn phải xem xét điều chỉnh. Một số dự án Luật được thông qua vẫn
còn có quy định chồng chéo, tính khả thi còn chưa cao. Hoạt động giám
sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật trong một số
trường hợp, chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu mới tập trung giám sát
về tiến độ, số lượng văn bản cần ban hành mà chưa chú trọng nhiều tới
nội dung, chất lượng và tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp
luật. Công tác đôn đốc thực hiện nghị quyết giám sát, kiến nghị sau giám
sát trong một số trường hợp còn chưa thường xuyên nên hiệu lực, hiệu
quả chưa cao; chưa kiến nghị để xử lý trách nhiệm của cá nhân, cơ quan,
tổ chức nào khi không thực hiện đầy đủ nghị quyết, kết luận giám sát như
yêu cầu của cử tri.
Chính phủ tích cực chỉ đạo giải quyết
Đối với Chính phủ, các bộ, cơ quang ngang bộ, Báo cáo nhìn nhận mặc dù
nhận được số lượng kiến nghị cử tri rất lớn (3.119 kiến nghị, kỳ trước
là 856 kiến nghị) nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng,
Trưởng ngành đã rất tích cực chỉ đạo giải quyết, thể hiện sự nghiêm túc,
cầu thị lắng nghe. Kết quả là ngay trong khoảng thời gian 6 tháng giữa
hai kỳ họp toàn bộ 3.119 kiến nghị được trả lời, 94 văn bản quy phạm
pháp luật được ban hành. Nhiều cuộc thanh tra chuyên ngành đã được tổ
chức qua đó phát hiện, xử lý nhiều vi phạm theo yêu cầu, kiến nghị của
cử tri, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời
sống người dân.
Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành đã rất nỗ lực xem xét, giải quyết
dứt điểm nhiều vấn đề mà cử tri nêu. Kết quả là số lượng kiến nghị trong
kỳ họp này đã được giải quyết dứt điểm lên đến 539 kiến nghị, gấp 3 lần
kỳ trước (176 kiến nghị). Đặc biệt, tháng 4/2017, Chính phủ đã đưa hệ
thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của người dân lên cổng thông tin điện
tử của Chính phủ. Đây là bước đột phá tăng cường sự tương tác giữa
người dân với Chính phủ, nâng cao chất lượng giải quyết và trả lời kiến
nghị cử tri.
Đối với 142 kiến nghị còn tồn đọng từ nhiều kỳ họp trước, 69 kiến nghị
đã giải quyết dứt điểm (đạt 49%). Một số vấn đề mà cử tri kiến nghị từ
năm 2014 (kỳ họp thứ 8) được giải quyết như quy định về quy chế quản lý
rừng sản xuất; quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ bảo
hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; về chính sách đặc thù phát
triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn
2017-2020...
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Bên cạnh kết quả đạt được, các bộ, ngành còn quá chú trọng tới việc trả
lời các kiến nghị (để tránh tồn đọng) mà chưa quan tâm thỏa đáng tới
việc giải quyết, hoặc xây dựng lộ trình giải quyết dứt điểm kiến nghị,
dẫn đến thực trạng số lượng kiến nghị được trả lời là rất lớn nhưng chất
lượng của việc giải quyết kiến nghị còn chưa cao, số kiến nghị được trả
lời chỉ bằng việc cung cấp thông tin còn nhiều (68%), cá biệt có văn
bản nội dung trả lời còn chưa rõ, chưa đúng, chưa đầy đủ với câu hỏi mà
cử tri nêu.
Có nhiều kiến nghị đã được tiếp thu, bố trí nguồn lực để giải quyết đáp
ứng mong đợi của cử tri, nhưng quá trình tổ chức triển khai còn nhiều
bất cập khiến cử tri băn khoăn như: chương trình xây dựng nhà ở vùng
ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long với mục đích giúp người dân vùng ngập lũ
có chỗ ở an toàn, ổn định, tuy nhiên do việc đầu tư chưa đồng bộ, thiết
kế nhà chưa phù hợp nên hiệu quả sử dụng còn rất hạn chế, gây lãng phí ở
nhiều địa phương. Cá biệt tại Long An, cử tri phản ánh tỷ lệ nhà ở vượt
lũ bỏ trống và số lô nền chưa xây dựng nhà chiếm tới 50%. Việc tiếp thu
kiến nghị cử tri để ban hành một số văn bản, tháo gỡ khó khăn là rất
cần thiết, tuy nhiên tính ổn định của một số văn bản còn hạn chế, có
những văn bản mới được ban hành (khoảng trên 12 tháng) nhưng đã phải xem
xét sửa đổi, bổ sung như: Nghị định quy định chi tiết một số điều của
Luật Giáo dục nghề nghiệp; Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
Nghị định quy định về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên
chức...
Kiến nghị cụ thể
Báo cáo đã đưa ra các kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội và Chính phủ.
Đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại
biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần có biện pháp hiệu
quả, thực hiện thường xuyên hơn, trong đó đặc biệt quan tâm tới giám sát
chất lượng, nội dung văn bản để sớm khắc phục tình trạng văn bản hướng
dẫn không đầy đủ, không thống nhất, thậm chí không đúng với nội dung,
tinh thần của luật, ảnh hưởng tới quá trình thực thi pháp luật đồng thời
xác định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng này.
Trong đánh giá việc triển khai các nghị quyết giám sát, Ủy ban Thường vụ
Quốc hội đề nghị có kế hoạch rà soát tổng thể việc thực hiện các nghị
quyết giám sát, các kiến nghị sau giám sát, đồng thời đề xuất hình thức
phù hợp để xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức khi không thực hiện đầy
đủ nghị quyết, kiến nghị sau giám sát,... qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu
quả của hoạt động giám sát, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và
quyền lực của cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân. Quan tâm tổ chức
tiếp xúc cử tri dưới nhiều hình thức theo chuyên đề, lĩnh vực, tiếp xúc
với cá nhân, nhóm cử tri... như quy định của pháp luật để kịp thời khắc
phục tình trạng cử tri “chuyên nghiệp," “đại cử tri"...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ nên coi việc giải quyết
kiến nghị của cử tri là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn
thành nhiệm vụ của các Bộ trưởng, Trưởng ngành, đồng thời, sớm có hình
thức nhắc nhở, xử lý đối với cá nhân, cơ quan, không thực hiện trả lời
cử tri theo quy định và công khai để cử tri được biết.
Về việc giải quyết các kiến nghị có phạm vi liên ngành, hiện chưa có quy
định để các bộ, ngành phối hợp cùng giải quyết kiến nghị có nội dung
liên ngành, do vậy dễ dẫn tới tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy chế tiếp
nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri để việc giải quyết được kịp
thời, đúng pháp luật.
Về lộ trình giải quyết đối với các kiến nghị cần có nhiều thời gian: có
những kiến nghị của cử tri chưa thể giải quyết dứt điểm ngay do chưa có
nguồn lực, do cần thêm thời gian để tổng kết thực tiễn..., Ủy ban Thường
vụ Quốc hội đề nghị các bộ, ngành khi trả lời các kiến nghị loại này
cần kèm theo lộ trình, giải pháp và dự kiến thời điểm sẽ giải quyết xong
để cử tri có căn cứ giám sát và không tiếp tục kiến nghị.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Hồng đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đối với các kiến nghị còn tồn đọng qua một số kỳ họp, Ủy ban Thường vụ
Quốc hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát xây dựng lộ
trình giải quyết và thông báo cho cử tri bằng văn bản trước ngày
15/9/2017.
Đối với 59 kiến nghị tồn đọng có khả năng giải quyết dứt điểm trong thời
gian khoảng một năm tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Thủ tướng
Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt
điểm trước kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018) trong đó, đặc biệt quan tâm giải
quyết 5 nhóm vấn đề.
Các nhóm vấn đề gồm: Nhóm vấn đề về biện pháp khắc phục những hạn chế
trong công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản, trước mắt có
giải pháp nhanh, mạnh ngăn chặn hiện tượng khai thác cát trái phép đang
gây bức xúc trong nhân dân; vấn đề thương hiệu nông sản, thực phẩm, thu
hút đầu tư cho nông nghiệp; giải pháp hỗ trợ nông dân trong sản xuất,
đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, rau quả sạch ngay tại thị
trường nội địa; vấn đề tăng cường chất lượng thanh tra, kiểm tra, xử lý
vi phạm, đặc biệt thanh tra trách nhiệm người đứng đầu tại các dự án
thua lỗ mà dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua; vấn đề nâng cao chất
lượng tiếp công dân, đối thoại với công dân, gắn tiếp công dân với việc
giải quyết để kịp thời xử lý những bức xúc, đặc biệt trong lĩnh vực đất
đai không làm phát sinh điểm nóng về khiếu kiện; vấn đề xác định biện
pháp khắc phục ngay tình trạng nhà xây tại dự án vùng ngập lũ khu vực
Đồng bằng sông Cửu Long để hoang phí, không có người ở do thiếu hạ tầng
kỹ thuật./.
Theo TTXVN