Đến nay, Quốc hội Việt Nam đã có quan hệ với 140 nghị viện các nước và
là thành viên của nhiều tổ chức hợp tác liên nghị viện khu vực và thế
giới, góp phần nâng cao hiệu quả và đưa quan hệ giữa Việt Nam với các
quốc gia đi vào chiều sâu thực chất hơn, đặc biệt là đối với các nước
láng giềng, khu vực, bạn bè truyền thống và các đối tác chiến lược, đối
tác toàn diện.
Ngày 20/8, tại thành phố Cần Thơ, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối
hợp với Viện KAS (Konrad Adenauer Stiftung) của Đức tại Việt Nam tổ chức
hội thảo "Vai trò của Quốc hội trong hoạt động đối ngoại Nhà nước”.
Dự hội thảo có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối
ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, đại
biểu Quốc hội các địa phương khu vực phía Nam và các đại biểu quốc tế
đến từ Đức, Canada, Bỉ, Hoa Kỳ…
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho
biết, quan hệ đối ngoại của Quốc hội có tính đặc thù, vừa mang tính Nhà
nước, vừa mang tính nhân dân; do đó rất thuận lợi trong việc mở đường,
khai thông, thúc đẩy và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt
Nam với các quốc gia khác, đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu,
ổn định và lâu dài.
Đến nay, Quốc hội Việt Nam đã có quan hệ với 140 nghị viện các nước và
là thành viên của nhiều tổ chức hợp tác liên nghị viện khu vực và thế
giới, góp phần nâng cao hiệu quả và đưa quan hệ giữa Việt Nam với các
quốc gia đi vào chiều sâu thực chất hơn, đặc biệt là đối với các nước
láng giềng, khu vực, bạn bè truyền thống và các đối tác chiến lược, đối
tác toàn diện.
Công tác đối ngoại của Quốc hội ngày càng rộng mở, góp phần hiệu quả vào
việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị,
đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước, nâng cao hình ảnh và
vị thế của đất nước.
Quốc hội Việt Nam đã chủ động, tham gia tích cực vào các cơ chế nghị
viện đa phương như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Hội đồng liên
nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Liên minh nghị viện
cộng đồng Pháp ngữ (APF), Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương
(APPF), Diễn đàn đối tác nghị viện Á-Âu (ASEP)… qua đó có nhiều đóng góp
thiết thực, chủ động đề xuất các sáng kiến, đưa ra những khuyến nghị
mang tính xây dựng, thể hiện vai trò là một thành viên có trách nhiệm
đối với cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, bên cạnh các kết quả
đã đạt được, việc triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội cũng còn
gặp những khó khăn như vấn đề nhân lực, công tác nghiên cứu chiến lược,
dự báo tình hình chưa được như mong muốn.
Nhận thức toàn diện và chiến lược về công tác đối ngoại nghị viện đa
phương còn hạn chế, đội ngũ đại biểu, cán bộ tham gia các hoạt động
ngoại giao nghị viện còn khiêm tốn, trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng
đối ngoại chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu cũng như tận dụng, phát huy
được lợi thế của Việt Nam…
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung báo cáo tham luận và thảo luận với 3
phiên do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu điều hành.
Trong 3 phiên hội thảo, các đại biểu nghe đại diện Bộ Ngoại giao, Đại sứ
Việt Nam tại các nước, các đại biểu quốc tế trình bày các nội dung:
tổng quan về tình hình thế giới và khu vực hiện nay; ngoại giao nghị
viện trong việc triển khai chính sách đối ngoại Nhà nước; phương hướng
tăng cường vai trò của Quốc hội trong hoạt động đối ngoại Nhà nước và
những kinh nghiệm được chia sẻ của đại biểu Quốc hội các địa phương, các
chuyên gia trong nước và quốc tế…
Hội thảo sẽ diễn ra đến hết ngày 21/8./.
(TTXVN)