Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân vừa đạt được giữa Nhóm P5+1
(gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) và Iran đã nhận được
những đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 2/4 hoan nghênh văn kiện này, coi đây là một thắng lợi của các nỗ lực ngoại giao bền bỉ.
Phát biểu của Tổng thống Obama trong cuộc họp báo bất thường tại Vườn
Hồng của Nhà Trắng cho biết thỏa thuận khung đạt được ngày 2/4 liên quan
tới chương trình hạt nhân của Iran, sau 18 tháng nỗ lực ngoại giao “gay
cấn và có nguyên tắc,” là một kết quả mang tính lịch sử, góp phần làm
cho thế giới trở nên an toàn hơn.
Ông chủ Nhà Trắng ví thỏa thuận này giống như Hiệp định cắt giảm vũ khí
hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô trước đây, dẫn tới tránh được một nguy cơ
chiến tranh hạt nhân.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ cũng đã có các cuộc điện đàm về việc này với
Tổng thống Pháp Francois Hollande; Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ
tướng Anh David Cameron.
Thông cáo báo chí của Nhà Trắng cho biết trong các cuộc đàm thoại, Tổng
thống Obama cùng các nhà lãnh đạo châu Âu đã thảo luận về nội dung của
thỏa thuận khung vừa đạt được với Iran, đồng thời thống nhất các bước đi
tiếp theo nhằm đạt tới mục tiêu ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Obama nhấn mạnh lãnh đạo các nước châu Âu đã đóng vai trò
quan trọng trong tiến trình đàm phán với Iran. Các nhà lãnh đạo Mỹ và
châu Âu đều khẳng định thỏa thuận khung là một bước tiến mang tính lịch
sử hướng tới một giải pháp toàn diện và lâu dài liên quan tới chương
trình hạt nhân gây tranh cãi suốt 12 năm qua của Tehran.
Thủ tướng Đức Merkel nhận định thỏa thuận khung đạt được với Iran là
"một bước tiến quan trọng" đưa cộng đồng quốc tế tới gần nhất từ trước
tới nay mục tiêu ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Mặc dù ủng hộ quan điểm này, song Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cẩn
trọng hơn khi nhận định vẫn còn nhiều chi tiết cần được xử lý và "nhiều
câu hỏi cần lời giải đáp" trước khi hoàn tất thỏa thuận cuối cùng.
Tuyên bố từ văn phòng Tổng thống Hollande cũng cảnh báo có thể áp đặt
lại lệnh trừng phạt đối với Iran, đồng thời khẳng định Paris sẽ theo dõi
sát sao để đảm bảo một thỏa thuận cuối cùng "đáng tin cậy" và "có thể
giám sát được."
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga đã hoan nghênh thỏa thuận khung trên, cho
rằng đây là động thái công nhận "quyền vô điều kiện" của Tehran trong
việc theo đuổi một chương trình hạt nhân dân sự.
Theo Moskva, thỏa thuận giữa Iran và P5+1 sẽ "tác động tích cực" lên
tình hình an ninh tại Trung Đông, với Iran đóng một vai trò chủ động hơn
trong việc giải quyết các tranh chấp và xung đột trong khu vực.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng bày tỏ sự vui mừng trước việc
đạt được thỏa thuận khung nói trên, cho rằng nó sẽ mở đường cho việc
củng cố hòa bình và ổn định ở Trung Đông.
Trong khi đó, tuyên bố của Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế
(IAEA) Yukiya Amano hoan nghênh diễn biến mới nhất này đồng thời khẳng
định IAEA sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm giám sát việc triển khai các
giải pháp hạt nhân sau khi các bên hoàn tất thỏa thuận cuối cùng.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu
(EU) Federica Mogherini cho biết Mỹ và EU sẽ dỡ bỏ toàn bộ các trừng
phạt liên quan tới vấn đề hạt nhân hiện đang áp đặt lên Iran ngay sau
khi IAEA xác nhận Tehran tuân thủ đúng các cam kết trong thỏa thuận.
Thỏa thuận đạt được ngày 2/4, sau 8 ngày đàm phán thâu đêm, được coi là
một thắng lợi ngoại giao của Tổng thống Obama, đồng thời cũng trở thành
một dấu ấn quan trọng đối với chính khách ngoại giao dày dạn kinh
nghiệm, đương kim Ngoại trưởng Mỹ John Kerry./.
(TTXVN)