Hầu hết đều bày tỏ hy vọng về khả năng sẽ có một giải pháp ngoại giao
toàn diện cho chương trình hạt nhân Iran, một trong những vòng đàm phán
quốc tế đa phương kéo dài và khó khăn nhất hiện nay.
Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano hoan
nghênh thỏa thuận đạt được giữa Nhóm P5+1 và Iran, đồng thời kêu gọi
tiến hành “một bước tiến lớn khác” trong vấn đề này.
Thông cáo của IAEA cam kết cơ quan này sẵn sàng hoàn thành vai trò của
mình trong việc giám sát công tác thực hiện những biện pháp liên quan
tới hạt nhân.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá thỏa thuận hạt nhân là một bước
tiến đột phá, tuy nhiên ông cũng nói rằng đây chỉ mới là bước đầu. Theo
ông, chặng đường vẫn còn dài và nhiều khó khăn.
Tổng thống Pháp Francois Hollande đánh giá đó là một bước tiến quan
trọng theo chiều hướng đúng đắn nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Iran
với các nước, đồng thời ngăn chặn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Thủ tướng Anh David Cameron cũng bày tỏ quan điểm đồng nhất với Pháp.
Tuy nhiên, ông cho biết thêm sẽ tiếp tục các biện pháp gây sức ép nhằm
đảm bảo đưa ra một giải pháp toàn diện cuối cùng có khả năng giải quyết
được các mối quan ngại của cộng đồng quốc tế đối với chương trình hạt
nhân Iran.
Dư luận tại Trung Đông hầu hết cũng ủng hộ thỏa thuận hạt nhân của Iran
với các cường quốc. Người phát ngôn Tổng thống Palestine, ông Nabil Abu
Rdineh đánh giá thỏa thuận là một thông điệp tới Israel rằng hòa bình
chắc chắn được kiến tạo.
Ông nói: "Những gì diễn ra ở Geneva là bằng chứng cho thấy hòa bình
không bao giờ đạt được nếu không có một thỏa thuận trên cơ sở pháp lý và
cũng không bao giờ giành được hòa bình bằng vũ khí hạt nhân hay sự
chiếm đóng."
Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki cũng hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân nói
trên, coi đó là bước đi quan trọng đối với sự ổn định ở khu vực Trung
Đông.
Quyền Ngoại trưởng Liban Adnan Mansour cho rằng đây là “một bước ngoặt
trong quan hệ giữa Iran với phương Tây, đặc biệt là với Mỹ”./.
TTX