Thứ Bảy, 28/9/2024
Đời sống
Thứ Năm, 29/5/2014 8:26'(GMT+7)

Quỹ bảo hiểm xã hội: Trong giới hạn an toàn

Bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Bảo hiểm xã hội: nguy cơ vỡ quỹ và đề xuất chính sách” có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam; ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu Bảo hiểm xã hội Việt Nam và bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng ban Tài chính kế toán Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Tồn tại tình trạng vi phạm pháp luật, trốn đóng, nợ đóng BHXH

Theo đánh giá của Tổ chức lao động thế giới ILO, với các chính sách hiện hành, đến năm 2021, Quỹ bảo hiểm xã hội của Việt Nam sẽ mất cân đối thu chi. Đến năm 2034, phần kết dư này cũng không còn, dẫn đền khả năng vỡ quỹ và khi đó, người lao động sẽ không nhận được lương hưu.

Nói về đánh giá trên của ILO, bà Nguyễn Thị Minh cho biết, hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật, trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) diễn ra khá phức tạp. Có nhiều doanh nghiệp thành lập, sử dụng lao động nhưng trốn đóng hoặc khi trích khoản đóng của người lao động kéo dài thời gian, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.

Bà Nguyễn Thị Minh cũng cho biết, hiện nay, số đơn vị đăng ký thành lập doanh nghiệp là trên 500.000 doanh nghiệp, nhưng thực tế chỉ có trên 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động và chỉ có 150.000 doanh nghiệp tham gia BHXH. Như vậy, có đến 50% doanh nghiệp không tham gia BHXH. Theo thống kê của ngành lao động, thương binh và xã hội, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là khoảng 16 triệu người, trong khi đó đối tượng tham gia BHXH là gần 11 triệu người, chiếm 68,8% số người tham gia. Như vậy, còn trên 5 triệu người chưa tham gia bảo hiểm xã hội, tương ứng với số thu BHXH, BHYT là 56 nghìn tỷ đồng/năm.

Thực trạng hiện nay đang diễn ra là, nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng lao động bằng mức tiền lương tối thiểu hoặc ký 2 hợp đồng với người lao động ở các mức khác nhau, lấy hợp đồng có số tiền lương phải trả ít hơn số thực trả để đăng ký với cơ quan BHXH. Hiện nay, tiền lương, tiền công bình quân của người lao động đang tham gia BHXH của khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước khoảng 2,8 triệu đồng theo báo cáo của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, tiền lương và tiền công, các khoản phụ cấp ngoài lương là 3,8 triệu đồng. Như vậy, với khoản chênh lệch 1 triệu đồng thì số thu BHXH, BHYT tương ứng với khoảng 24 nghìn tỷ đồng/năm.

Nợ BHYT, BHXH xảy ra hầu hết các địa phương. Tính đến tháng 12-2013, tổng số nợ BHYT, BHXH, BHTN là trên 6,4 nghìn tỷ đồng. Tính đến hết tháng 3-2014, số nợ trên đã tăng lên trên 11 nghìn tỷ đồng. Nhiều đơn vị để nợ trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Có trường hợp, chủ doanh nghiệp chiếm dụng tiền BHXH như thực hiện trích trừ tiền BHXH, BHYT của người lao động nhưng không nộp vào quỹ của BHXH….

Từ thực trạng trên, cơ quan bảo hiểm xã hội đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục như: phối hợp kiểm tra liên ngành, thành lập tổ thu nợ liên ngành, đăng lên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách các đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội và thực hiện việc khởi kiện đơn vị sử dụng lao động ra tòa án…. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn nhiều hạn chế.

Nên trao quyền thanh, kiểm tra cho BHXH

Đề cập đến kinh nghiệm quản lý trốn đóng, nợ, thanh tra, xử lý vi phạm BHXH của một số nước trên thế giới như Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore,… bà Nguyễn Thị Thanh Xuân cho biết, trên thế giới, tuy tổ chức BHXH được với các tên khác nhau nhưng tổ chức này đều được trao quyền vừa thu, vừa chi, quản lý quỹ đầu tư và thanh tra xử phạt như cơ quan Nhà nước. Cụ thể, Tổ chức BHXH có quyền thanh tra tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động, nếu cố tình không khai báo, trốn đóng, chậm đóng BHXH thì bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Tổ chức BHXH có quyền sau khi xử lý xử phạt vi phạm hành chính thì yêu cầu tòa án cưỡng chế và khởi tố dân sự, hình sự đối với doanh nghiệp trốn đóng, nợ BHXH tùy theo mức độ để áp dụng. Tổ chức BHXH có quyền yêu cầu các tổ chức liên quan tiến hành đến các hoạt động kiểm toán, tòa án, tịch thu và bán tài sản của doanh nghiệp hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp hoặc phải tuyên bố phá sản, để thu hồi tiền trốn, nợ tiền đóng BHXH vào quỹ BHXH.

Đề cập đến chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay, ông Trần Đình Liệu cho biết: sau 7 năm thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đi vào cuộc sống, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, cụ thể là: việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn chậm, đặc biệt là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội xảy ra phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ), làm ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động.

Theo ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội có khoảng 500 cán bộ thành tra, ngành Y tế có khoảng 300 cán bộ thanh tra thực hiện chức năng thanh tra trên nhiều lĩnh vực, trong đó, thanh tra về bảo hiểm xã hội chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Thực tiễn các năm vừa qua, cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về bảo hiểm xã hội, tuy nhiên, do không có thẩm quyền xử phạt nên hiệu quả công tác kiểm tra không cao.

Để khắc phục tình trạng trên, buổi tọa đàm cũng đưa ra khuyến nghị những biện pháp cần thiết như: dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội cần sửa theo hướng nâng mức lãi phạt chưa đóng, chậm đóng bằng 2 lần lãi suất liên ngân hàng; tăng mức xử phạt hành chính đối với vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm xã hội có quyền phát mại tài sản khi doanh nghiệp phá sản hoặc bỏ trốn… Đặc biệt, có ý kiến đề nghị trao cho cơ quan Bảo hiểm xã hội quyền thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm pháp luật về đóng, hưởng Bảo hiểm xã hội. Bởi Bảo hiểm xã hội là cơ quan trực tiếp tiếp cận với việc thu, chi nên sẽ nắm sát tình hình đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Minh cũng nhấn mạnh thêm, bảo hiểm xã hội sẽ có những chính sách, đầu tư để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo hiểm xã hội, tuy nhiên, phải đặt tính an toàn cho Quỹ lên trước tiên.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất