Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, so với quý I/2012, kim ngạch xuất
khẩu nông sản quý I/2013 giảm 5,4%, thủy sản giảm 5,9%. Sang quý II/2013, tình
hình có khả quan hơn nhưng nhiều mặt hàng xuất khẩu chính như gạo, sắn… đều giảm
về giá trị và khối lượng.
Giảm áp lực tiêu thụ lúa, gạo
Theo ước tính, sản lượng lúa vùng ĐBSCL năm 2013 sẽ đạt 24,35
triệu tấn, giảm 49.000 tấn so với năm 2012. Với sản lượng như vậy, sau khi
trừ cho tiêu dùng nội địa, dự kiến lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ khoảng 7,6
triệu tấn. Cộng với lượng gạo tồn kho trong năm 2012, lượng gạo hàng hóa cả năm
khoảng 8,4 triệu tấn.
Để thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo cho
vùng ĐBSCL, giải pháp trước mắt là thực hiện tốt đợt mua tạm trữ 1 triệu tấn
gạo, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách tín dụng để tăng tín dụng cho
nông dân đầu tư sản xuất, thực hiện tốt cơ cấu giống, chuyển một phần diện tích
lúa sang trồng cây khác có hiệu quả cao hơn.
Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất,
tiêu thụ lúa, gạo và thủy sản vùng ĐBSCL năm 2013, ngày 5/7, Bộ NNPTNT đề nghị
các địa phương cần rà soát lại quy hoạch sản xuất lúa, xác định cơ cấu cây
trồng, mùa vụ từng vùng đất; đẩy mạnh chương trình đưa giống lúa mới có năng
suất, chất lượng cao thay thế giống lúa cũ.
Doanh nghiệp kinh doanh lúa, gạo phải đầu tư kho chứa theo chỉ
tiêu đã được phân bổ; tham gia chuỗi liên kết với nông dân trong sản xuất, chế
biến và tiêu thụ; tăng cường đổi mới hình thức, phương pháp xúc tiến thương mại
để duy trì các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống đồng thời mở rộng thị
trường mới, xây dựng thương hiệu gạo quốc gia.
Chia sẻ quan điểm trên, Bộ Công Thương coi đây là giải pháp
quan trọng nhằm giảm áp lực về tiêu thụ lúa gạo, đặc biệt là lúa gạo chất lượng
thấp, thực hiện các giải pháp hỗ trợ và xây dựng thương hiệu lúa gạo.
Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành hữu quan và
Hiệp hội Lương thực Việt Nam tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, có giải
pháp điều hành linh hoạt, chỉ đạo và điều phối các thương nhân kinh doanh xuất
khẩu gạo tiếp tục bám sát các thị trường truyền thống, thực hiện các giải pháp
có tính chiến lược một cách tích cực, chủ động, thâm nhập các thị trường có nhu
cầu gạo lớn, đòi hòi tiêu chuẩn cao.
Ngành ngân hàng sẽ nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm tín dụng
phù hợp đối với lĩnh vực lúa gạo, thủy sản, đồng thời rà soát, đơn giản hóa các
thủ tục hành chính trong việc cho vay đối với lĩnh vực lúa gạo và thủy sản khu
vực ĐBSCL như cho vay lưu vụ, cho vay thông qua chuỗi liên kết, sổ vay vốn thay
cho hợp đồng tín dụng đối với người trồng lúa.
Hạn chế rủi ro nuôi trồng trủy sản
Báo cáo của Bộ NNPTNT tại Hội nghị đã nêu
hàng loạt khó khăn trong lĩnh vực thủy sản như giá thuốc thú y, thức ăn, xăng
dầu tăng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp; trị trường tiêu thụ cũng
bị sụt giảm mạnh, đặc biệt là sản phẩm cá tra. Giá trị xuất khẩu cá tra 6 tháng
đạt khoảng 800 triệu USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2012.
Giải pháp trước mắt được Bộ NNPTNT đề xuất là tập trung tháo gỡ
rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật tại các thị trường truyền thống và các thị
trường mới phát sinh; tăng cường xúc tiến thương mại, củng cố và phát triển thị
trường; kiểm soát chặt chất lượng, nguồn gốc giống, kiểm soát dịch bệnh.
Về dài hạn, các địa phương cần rà soát lại vùng sản xuất; áp
dụng quy trình thực hành nuôi tốt (VietGAP, các chứng chỉ ASC, GlobalGAP,…), an
toàn dịch bệnh, an toàn môi trường; hình thành chuỗi sản xuất, chế biến tiêu thụ
với sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa người nuôi và các doanh nghiệp.
Cho rằng nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản của khu
vực ĐBSCL tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh và biến động giá cả trên
thị trường, do đó ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của người nuôi và chất lượng
tín dụng của ngân hàng cho vay, NHNN cho rằng cần sớm tổng kết thí điểm bảo hiểm
nông nghiệp và mở rộng mô hình này trên cả nước.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đồng thuận với nhiều doanh nghiệp kiến
nghị Chính phủ cần sớm ban hành một Nghị định về quản lý sản xuất ngành cá tra
theo hướng quản lý chặt chẽ các đầu mối xuất khẩu, tránh tình trạng cạnh tranh
không lành mạnh; quản lý chất lượng nuôi cá và xây dựng thương hiệu cho cá tra
Việt Nam.
Nghị định của Chính phủ cũng cần đưa ra các quy định kiểm soát
giá thức ăn cho cá và từng bước thay thế thức ăn nhập khẩu bằng chế biến từ
nguồn nguyên liệu trong nước, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp chủ động về
vùng nguyên liệu để đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi./.
Xuân Tuyến (VGP)