Sáng 23/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số
nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành
niên.
Trình bày Báo cáo giải
trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của
Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, về biện pháp giáo dục tại trường giáo
dưỡng (Điều 52), trước năm 2015, Bộ luật Hình sự quy định 2 biện pháp tư
pháp áp dụng với người chưa thành niên (gồm: biện pháp giáo dục tại xã,
phường, thị trấn và biện pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng). Vì là
biện pháp tư pháp, cho nên 2 biện pháp này chỉ được áp dụng sau khi Tòa
án cấp sơ thẩm đã xét xử và ra bản án. Khi đó, người chưa thành niên có
thể đã bị áp dụng tạm giam ở cả 3 giai đoạn (điều tra, truy tố, xét xử)
và thời gian tạm giam có thể lên tới gần 9 tháng đối với tội nghiêm
trọng và gần 12 tháng đối với tội rất nghiêm trọng.
Khi sửa Bộ luật Hình sự vào năm 2015, Quốc hội đã quyết định chuyển
biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thành biện pháp giám
sát, giáo dục (về bản chất là biện pháp xử lý chuyển hướng như dự thảo
Luật) và nay dự thảo Luật tiếp tục đề xuất chuyển biện pháp tư pháp giáo
dục tại Trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hướng.
Các lần đề xuất này đều nhằm mục đích “vì lợi ích tốt nhất của người
chưa thành niên” nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho cộng đồng và cho người bị
hại bởi vì Trường giáo dưỡng là môi trường giáo dục có kỷ luật chặt chẽ
do Bộ Công an trực tiếp quản lý. Khi đó, người chưa thành niên sẽ được
áp dụng biện pháp đưa vào Trường giáo dưỡng ngay từ giai đoạn điều tra
và sớm kết thúc quá trình tố tụng; thời hạn tạm giam người chưa thành
niên sẽ được rút ngắn đáng kể; hạn chế tối đa gián đoạn quyền học tập,
học nghề của người chưa thành niên. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu tại Điều
40 của Công ước quốc tế về quyền trẻ em “Bất kỳ khi nào thấy thích hợp
và cần thiết, cần đề ra các biện pháp xử lý trẻ em vi phạm pháp luật
hình sự mà không phải sử dụng đến thủ tục tư pháp”.
Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra đề nghị
Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo Luật về giáo dục tại Trường giáo
dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng; đồng thời đã phối hợp rà soát kỹ
lưỡng từng trường hợp được áp dụng biện pháp này để bảo đảm chặt chẽ
(tại Điều 52).
Qua thảo luận, các đại biểu thống nhất cao khi dự thảo Luật quy định
giáo dục tại Trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng và quy
định rõ từng trường hợp được áp dụng biện pháp này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, biện pháp giáo dục tại
Trường giáo dưỡng rất phù hợp trong tình hình thực tiễn của đất nước ta
hiện nay nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.
Các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các quy định cụ thể về
hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên đảm bảo thể chế hóa
được yêu cầu vừa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm, vừa đề cao
tính nhân văn, hướng thiện trong xử lý người chưa thành niên phạm tội.
Đồng thời, cần có chính sách để người chưa thành niên được áp dụng biện
pháp chuyển hướng nhận thức về hành vi phạm tội của mình, có sự ăn năn,
hối cải, tự nguyện sửa chữa, khắc phục sai lầm.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nhấn mạnh,
nguyên tắc xuyên suốt của dự thảo Luật lần này nhằm mục đích giáo dục,
giúp đỡ những người chưa thành niên phạm tội sửa chữa sai lầm, trở thành
công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, Điều 40 dự thảo Luật chưa đề cập
đến việc người chưa thành niên nhận thức về hành vi phạm tội, có sự ăn
năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa, khắc phục những sai lầm của mình. Nếu
áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên
mà không thỏa mãn điều kiện cần và đủ trên sẽ khiến cho họ tiếp tục lao
vào con đường phạm tội. Như vậy, sẽ không đạt được mục đích của Luật này
là giáo dục họ trở thành con người có ích cho xã hội.
Tại Điều 55 dự thảo Luật về xây dựng báo cáo điều tra xã hội quy định
“trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc tham gia
tố tụng của Cơ quan điều tra, người làm công tác xã hội phải hoàn thành
báo cáo điều tra xã hội về người chưa thành niên là bị can và gửi cho cơ
quan có yêu cầu”.
Theo đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông), quy định như vậy là chưa
thực sự phù hợp, bởi việc này phải thực hiện nhiều nội dung liên quan
đến yếu tố chuyên môn như: mức độ trưởng thành, tình trạng sức khỏe của
người chưa thành niên, tình hình học tập và một số nội dung khác cần
thời gian (như: người vi phạm chuyển nhiều nơi cư trú khác nhau, việc
đánh giá các yếu tố là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội). Do đó, đại
biểu đề nghị, nghiên cứu kỹ lưỡng về thời gian hoàn thành báo cáo điều
tra xã hội của người làm công tác xã hội để quy định phù hợp, phục vụ
tốt cho quá trình xử lý người chưa thành niên phạm tội.
Góp ý về điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, đại biểu Lê
Thanh Hoàn (Thanh Hóa) cho biết, dự thảo Luật quy định người chưa thành
niên thừa nhận mình đã thực hiện hành vi phạm tội và đồng ý bằng văn bản
về việc xử lý chuyển hướng. Mặc dù người chưa thành niên có thể phụ
thuộc vào lời khuyên của cha mẹ hay người giám hộ, người đại diện hợp
pháp nhưng quyết định cuối cùng nhận tội hay không nhận tội vẫn phải phụ
thuộc vào chính người chưa thành niên. Mặt khác, người chưa thành niên
chưa được coi là có đủ quyền tự chủ quyết định kể cả trong việc hút
thuốc lá, uống rượu bia hay không có quyền quyết định bỏ phiếu trong một
cuộc bầu cử; trong khi họ lại bị áp lực quyết định thừa nhận hành vi
phạm tội mà chưa thực sự đủ nhận thức để biết thế nào là hành vi phạm
tội. Điều này phù hợp với cách tiếp cận là người chưa thành niên là
người chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Do đó, đại biểu cho rằng
cần bổ sung những quy trình, thủ tục để bảo đảm các quyết định thừa nhận
hành vi phạm tội được người chưa thành niên đưa ra một cách tự nguyện,
rõ ràng, không bị ép buộc như: được trợ giúp pháp lý, được gặp luật sư
để bào chữa trước khi người chưa thành niên nhận tội.../.
TTXVN