Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 30/2012/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2009/TT-BGDĐT ngày 17/7/2009 quy định chi tiết việc xét công nhận, hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư.
Đáng chú ý, quy định mới bỏ điều kiện: Ứng viên được xét đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư phải thành thạo 1 trong 5 ngoại ngữ: Anh, Đức, Nga, Pháp, Trung.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, điều này không có nghĩa là bỏ quy định về ngoại ngữ trong việc xét tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, mà là không còn bó buộc các ứng viên phải thông thạo 1 trong 5 ngoại ngữ Anh, Đức, Pháp, Nga, Trung.
Như vậy, quy định về điều kiện ngoại ngữ là ứng viên phải sử dụng thành thạo một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh.
Về các loại công trình khoa học quy đổi (gồm bài báo khoa học đã được công bố; sách phục vụ đào tạo đã được xuất bản; chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu...), Thông tư mới bổ sung yêu cầu: Nội dung của các công trình khoa học quy đổi phải phù hợp với ngành khoa học mà ứng viên đăng kí để được xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Điểm công trình khoa học quy đổi xét công nhận chức danh Giáo sư
Thông tư quy định, ứng viên là giảng viên thuộc biên chế của cơ sở giáo dục đại học phải có đủ 12 điểm công trình khoa học quy đổi trở lên, trong đó: Có ít nhất 3 điểm được thực hiện trong ba năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ; có ít nhất 6 điểm tính từ các bài báo khoa học đã được công bố; có ít nhất 3 điểm tính từ việc biên soạn sách phục vụ đào tạo đã được xuất bản, trong đó có ít nhất 1,5 điểm tính từ biên soạn giáo trình hoặc/và sách chuyên khảo.
Ngoài ứng viên thuộc các ngành Giáo dục, Tâm lý, Kinh tế, Luật, Ngôn ngữ..., Thông tư bổ sung ứng viên thuộc các ngành Nghệ thuật, Thể dục Thể thao cũng phải có ít nhất 01 sách chuyên khảo viết một mình và có 01 giáo trình vừa là chủ biên vừa tham gia viết.
Thâm niên đào tạo
Về thâm niên đào tạo, theo quy định mới, đối với ứng viên là giảng viên thuộc biên chế của cơ sở giáo dục đại học, thâm niên đào tạo là thời gian làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học. Trong từng năm học, ứng viên hoàn thành nhiệm vụ theo quy định về chế độ làm việc đối với giảng viên thì được tính 1 thâm niên đào tạo.
Đối với ứng viên là giảng viên thỉnh giảng, Thông tư mới nêu rõ, một thâm niên đào tạo đối với ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư thực hiện đủ 190 giờ chuẩn, đối với ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư thực hiện đủ 170 giờ chuẩn. Trong đó, tối thiểu phải có 50% số giờ chuẩn trực tiếp giảng dạy trên lớp.
Kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư phải được công bố công khai.
Sau khi công bố công khai ít nhất 7 ngày làm việc, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư cơ sở gửi báo cáo kết quả lên Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước và thông báo đến cơ quan chủ quản có thẩm quyền quản lý ứng viên./.
Theo Chinhphu.vn