Thông tin quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có nội dung về phạm vi hoạt động chuyên môn kỹ thuật chính ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động đã được cơ quan có thẩm quyền về y tế cấp phép.
Đó là thông tin được nêu trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi thành một số điều của Luật Quảng cáo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo.
Cụ thể, dự thảo yêu cầu nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có tên, địa chỉ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đăng ký hành nghề. Đặc biệt là phải có nội dung về phạm vi hoạt động chuyên môn kỹ thuật chính ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động đã được cơ quan có thẩm quyền về y tế cấp phép.
Khuyến cáo khi quảng cáo sữa
Đối với quảng cáo sữa, dự thảo yêu cầu phải đưa lời khuyến cáo “Sữa mẹ là tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ” vào phần đầu của quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ trên 24 tháng tuổi và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ trên 6 tháng tuổi.
Đồng thời phải nêu rõ: Tên sản phẩm; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Tên cơ quan chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, dự thảo yêu cầu không được lồng ghép hình ảnh quảng cáo của các sản phẩm dùng cho trẻ nhỏ bị cấm quảng cáo.
Quảng cáo thuốc phải nêu rõ tác dụng phụ và phản ứng có hại
Đáng chú ý, đối với quảng cáo thuốc, nội dung quảng cáo phải có đủ các thông tin như: Tên thuốc; thành phần hoạt chất; chỉ định; cách dùng; liều dùng; chống chỉ định và những khuyến cáo cho các đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai, người đang cho con bú, trẻ em, người già, người mắc bệnh mãn tính; tác dụng phụ và phản ứng có hại; những điều cần tránh, lưu ý khi sử dụng thuốc...
Một số chỉ định không được đưa vào nội dung quảng cáo thuốc như: Chỉ định điều trị bệnh lao, bệnh phong; Chỉ định điều trị bệnh lây qua đường tình dục; Chỉ định điều trị chứng mất ngủ kinh niên; Chỉ định điều trị bệnh ung thư, bệnh khối u; Chỉ định điều trị bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh rối loạn chuyển hoá khác tương tự.
Trong quảng cáo thực phẩm chức năng, dự thảo yêu cầu phải nêu tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có) và lời khuyến cáo: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Đối với quảng cáo mỹ phẩm, dự thảo yêu cầu: Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu chứng minh tính an toàn và hiệu quả của mỹ phẩm và phải tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của Hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải có đủ tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường và lưu ý khi sử dụng (nếu có)./.
(Theo: Chinhphu.vn)