Theo Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh(Bộ Y tế) thời gian qua, ngành Y tế đã triển khai nhiều đề án và hoạt động nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, như: Đề án "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh"; Chương trình Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vì mục tiêu đáp ứng sự hài lòng của người bệnh bảo hiểm y tế; Thực hiện Quy tắc ứng xử; Quy chế dân chủ, v.v..
Tuy nhiên ngành y tế đang đối mặt với hàng loạt thách thức như: tình trạng quá tải ở một số chuyên khoa thuộc bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh; xu hướng lạm dụng thuốc, xét nghiệm cận lâm sàng; giao tiếp, ứng xử của một số cán bộ y tế chưa làm hài lòng người bệnh vẫn còn nhiều bất cập.
Tiến sĩ Khuê thừa nhận: Nhân lực y tế chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng, nhiều cơ sở tuyến dưới còn thiếu bác sĩ, đặc biệt bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ có trình độ tay nghề cao; số giường bệnh điều trị nội trú còn thiếu chưa đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó có sự chênh lệch về chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giữa các bệnh viện, giữa các tuyến, trong khi viện phí, giá dịch vụ y tế không có sự chênh lệch đáng kể. Bên cạnh đó cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với bệnh viện chậm đổi mới chưa theo kịp với sự phát triển của xã hội; do một số tác động không mong muốn khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, xã hội hóa tại các bệnh viện công lập. Tại các bệnh viện công tác giáo dục y đức thực hiện chưa thường xuyên, sự kiểm tra, giám sát chưa liên tục.
Để từng bước khắc phục những hạn chế trên, giảm quá tải bệnh viện và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh với yêu cầu ngày càng cao và đa dạng. Đặc biệt từ tháng 8/2012 hàng loạt các bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc Bộ Y tế đã hoàn chỉnh khung giá viện phí mới theo Liên bộ Y tế- Tài chính đã ban hành thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT- BYT- BCT mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước. Bộ trưởng Bộ Y tế vừa có Công văn yêu cầu:
Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Giám đốc sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là : Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tích cực triển khai các giải pháp nhằm giải quyết giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh như:
Xác định các khoa, phòng, chuyên khoa nào quá tải, mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bệnh viện) xây dựng đề án giảm tải của bệnh viện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Theo đó, n ội dung đề án phải có: Chỉnh trang khoa khám bệnh khang trang, sạch đẹp, bố trí thoáng mát, có ghế cho người bệnh ngồi chờ khám, có ti vi để tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, có bảng điện tử (hoặc bảng) xếp số thứ tự, hẹn khám theo giờ, có quy trình thủ tục khám bệnh, xét nghiệm, hẹn trả kết quả xét nghiệm theo giờ, hẹn lịch khám qua mạng, qua điện thoại. Đồng thời tăng cường nhân lực khám bệnh vào thời gian cao điểm, bảo đảm thuận lợi cho người bệnh; bố trí hợp lý phòng khám bệnh, nâng cấp; mở rộng các khoa, phòng quá tải, thêm giường bệnh, giảm thời gian chờ của người bệnh ở tất cả các khâu khám, xét nghiệm, thăm dò chức năng, thủ tục vào viện, chuyển viện, ra viện, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế. Cũng như giảm khu vực hành chính và ngày điều trị trung bình một cách hợp lý; tăng cường khám và điều trị ngoại trú.
Các bệnh viện thực hiện Hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh , tiết chế trong bệnh viện. Cải thiện điều kiện sinh hoạt về ăn, mặc, ở, vệ sinh của người bệnh, bổ sung thêm giường bệnh, hạn chế để người bệnh nằm ghép, tăng cường dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu ăn bệnh lý cho người bệnh. Đồng thời bảo đảm điều kiện vệ sinh tại các khoa, phòng; công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, thực hiện quản lý và xử lý chất thải y tế đúng quy định và bảo đảm vệ sinh môi trường bệnh viện. Các cơ sở y tế Lập kế hoạch và cử cán bộ chuyên môn và quản lý đi đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý, phát triển chuyên môn kỹ thuật và quản lý có hiệu quả nguồn lực bệnh viện.
Các bệnh viện thực hiện kiểm soát quy trình người bệnh vào viện phối hợp giữa bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới, giữa bệnh viện tuyến trên và các bệnh viện vệ tinh một cách hợp lý có sự hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện tuyến trên. Đồng thời kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thuốc và Điều trị của bệnh viện, kiểm soát việc sử dụng thuốc, chỉ định xét nghiệm, chỉ định kỹ thuật. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tiếp tục triển khai thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cụ thể trong Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế và các quy định về y đức. Bên cạnh đó nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức bệnh viện, tổ chức việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho người hành nghề để cán bộ công nhân viên toàn tâm toàn ý với bệnh viện.
Bộ Y tế Hoàn thiện Đề án giảm quá tải bệnh viện chuẩn bị trình Chính phủ ; sửa đổi bổ sung quy định phân hạng bệnh viện theo hướng tập trung đánh giá kết quả thực hiện của bệnh viện, đặc biệt là năng lực chuyên môn, kỹ thuật; hạn chế tối đa các tác động không mong muốn của việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, chính sách xã hội hóa y tế và tác động tiêu cực của cơ chế thị trường trong khám, chữa bệnh./.
Nhật Minh - TTXVN