Chiều 10/9, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật hôn nhân và gia đình nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của quy định hiện hành và đáp ứng kịp thời các yêu cầu khách quan của thực tiễn. Sửa đổi, bổ sung Luật nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và các nguyên tắc cơ bản về quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình đã được ghi nhận trong Hiến pháp và các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện lưu ý dự án Luật cần xử lý hài hòa mối quan hệ giữa việc gìn giữ, phát triển các giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức, truyền thống tốt đẹp với quá trình thay đổi của gia đình hiện đại và đời sống xã hội trong quá trình xây dựng dự án Luật.
Dự án Luật chỉ nên sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã rõ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; những vấn đề chưa rõ, chưa phù hợp và chưa thực sự cấp thiết sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết và bổ sung vào thời điểm thích hợp.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật hôn nhân và gia đình bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, đồng thời khẳng định Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa họ và bổ sung quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính về quan hệ tài sản, xác định cha, mẹ, con và quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con...
Về vấn đề này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với quy định như dự thảo Luật. Vì hiện nay, quan niệm và nhận thức của xã hội về vấn đề đồng tính đã thay đổi so với thời điểm thông qua Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
Ở góc độ quyền con người, việc bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính thể hiện tính nhân văn, góp phần giảm bớt sự kỳ thị đối với nhóm người này và để có cơ sở giải quyết hậu quả về mặt pháp lý của tình trạng chung sống như vợ chồng giữa một bộ phận người cùng giới tính đang diễn ra trong thực tế.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng dự thảo Luật bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới, nhưng Nhà nước lại không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa họ là quy định dở dang, chưa chặt chẽ.
Qua đó, ông Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn cấm hay không cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính; đồng thời, tổng kết, khảo sát thực trạng người đồng tính tại Việt Nam, có đánh giá tác động về mặt xã hội, văn hóa, tâm lý... đối với quy định trong dự thảo.
Dự thảo Luật nghiêm cấm việc mang thai hộ vì mục đích thương mại và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo với các điều kiện ràng buộc cụ thể, quy định quyền, nghĩa vụ các bên có liên quan và việc giải quyết tranh chấp.
Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhằm đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của nhiều cặp vợ chồng không có khả năng sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên nghiêm cấm việc mang thai hộ với bất kỳ mục đích nào vì đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, rất dễ bị lợi dụng và chưa thực sự phù hợp với văn hóa Việt Nam.
Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Điều này thể hiện tính nhân văn trong pháp luật về hôn nhân và gia đình, tạo cơ hội cho một số cặp vợ chồng được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ chính đáng.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng đây là vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm thực tiễn, nên các quy định phải rất chặt chẽ, điều kiện phải rõ ràng, bảo đảm quyền cho các bên và nhất là những đứa trẻ được sinh ra trong trường hợp này. Quy định lỏng lẻo sẽ tạo điều kiện hợp pháp hóa cho mục đích thương mại hoặc buôn bán trẻ em.
Cùng quan điểm nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ khái niệm “không vì mục đích thương mại”; bổ sung các quy định về số lần được mang thai hộ, số người mang thai hộ trong cùng một thời điểm, vấn đề mang thai hộ có yếu tố nước ngoài, việc bảo vệ quyền lợi của người mẹ và trẻ em, bảo vệ quyền người mang thai hộ...
Xung quanh vấn đề áp dụng tập quán trong thực hiện Luật hôn nhân và gia đình, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quan điểm của Chính phủ về việc cho phép áp dụng tập quán trong thực hiện Luật hôn nhân và gia đình.
Điều này thể hiện quan điểm của Nhà nước về sự tôn trọng, bảo tồn và phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp, tiến bộ của các dân tộc; giải quyết được các vấn đề phát sinh liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Tưởng Duy Lượng cho rằng việc quy định tại khoản 2 Điều 6 của dự thảo Luật đã đặt ưu tiên tập quán lên trên pháp luật là chưa hợp lý, chưa bảo đảm sự nghiêm minh, hiệu lực, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và chưa phù hợp với Điều 3 của Bộ luật Dân sự là tập quán chỉ có thể áp dụng “trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận” với điều kiện “không được trái với những nguyên tắc quy định trong Bộ luật Dân sự.”
Tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quôc hội còn cho ý kiến về các vấn đề quan trọng khác của dự án Luật như điều kiện kết hôn; nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; các quy định chung về chế độ tài sản của vợ chồng; chế định ly thân; cơ quan giải quyết thuận tình ly hôn...
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng đây là dự án Luật trình lần đầu với nhiều vấn đề thực tế được xã hội quan tâm. Các ý kiến thảo luận tập trung vào 7 nội dung quan trọng là áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình; điều kiện kết hôn; chế độ tài sản của vợ chồng; việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; chế định ly thân; cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc thuận tình ly hôn; vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Tuy nhiên, các vấn đề nêu ra vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm xin ý kiến của các chuyên gia; đồng thời tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát, tổng kết, nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ VI./.
TTX