(TCTG)- Phát triển điện hạt nhân vì mục đích hòa bình là chính sách nhất quán của Việt Nam. Điện hạt nhân được phát triển dựa trên công nghệ hiện đại, đã được kiểm chứng và theo một chương trình dài hạn để tiến đến hình thành ngành công nghiệp điện hạt nhân Việt Nam; đảm bảo an toàn cho con người và môi trường.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân Việt Nam bảo đảm quản lý an toàn và khai thác hiệu quả các nhà máy điện hạt nhân, từng bước tăng dần tỷ lệ tham gia của các ngành công nghiệp trong nước vào việc thực hiện các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tiến đến tự chủ về thiết kế, chế tạo, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng các nhà máy điện hạt nhân.
3 giai đoạn phát triển điện hạt nhân
Theo quy hoạch, mục tiêu phát triển điện hạt nhân được chia thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 đến năm 2015 sẽ hoàn thành phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt địa điểm, tổ chức lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý dự án và các chuyên gia kỹ thuật nòng cốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Trong giai đoạn này sẽ tiến hành xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy và chuẩn bị năng lực cho các ngành công nghiệp trong nước tham gia cung cấp vật tư, thiết bị, xây dựng, lắp đặt, quản lý dự án, giám sát và kiểm tra chất lượng nhà máy điện hạt nhân. Hoàn tất việc chuẩn bị địa điểm cho khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là hoàn thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào vận hành phát điện thương mại năm 2020, tổ máy 2 vào vận hành năm 2021. Đồng thời, khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và tiến hành công tác chuẩn bị địa điểm cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo.
Đến năm 2030, triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo, đưa điện hạt nhân thành một trong những nguồn năng lượng chủ lực của đất nước. Cũng trong giai đoạn này, Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ được công nghệ thiết kế nhà máy điện hạt nhân và có khả năng tham gia thiết kế cùng với đối tác nước ngoài; các ngành công nghiệp trong nước tham gia vào các công trình nhà máy điện hạt nhân với giá trị hợp đồng chiếm từ 30 - 40% tổng giá trị xây lắp công trình.
Đến 2030 đưa vào vận hành 13 tổ máy điện hạt nhân
Theo định hướng phát triển các nhà máy điện hạt nhân, đến năm 2020, tổ máy điện hạt nhân đầu tiên với công suất khoảng 1.000 MW sẽ đi vào vận hành. Đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân khoảng 8.000 MW và sẽ tăng lên 15.000 MW vào năm 2030 (chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện).
Để đáp ứng chương trình phát triển các nhà máy điện hạt nhân, định hướng quy hoạch 8 địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại 5 tỉnh: Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, mỗi địa điểm có khả năng xây dựng từ 4 - 6 tổ máy điện hạt nhân.
Danh mục, quy mô công suất và tiến độ các tổ máy điện hạt nhân
STT |
Nhà máy |
Công suất (MW) |
Năm vận hành |
1 |
Điện hạt nhân Phước Dinh tổ máy 1 |
1.000 |
2020 |
2 |
Điện hạt nhân Phước Dinh tổ máy 2 |
1.000 |
2021 |
3 |
Điện hạt nhân Vĩnh Hải tổ máy 1 |
1.000 |
2021 |
4 |
Điện hạt nhân Vĩnh Hải tổ máy 2 |
1.000 |
2022 |
5 |
Điện hạt nhân Phước Dinh 3 |
1.000 |
2023 |
6 |
Điện hạt nhân Phước Dinh 4 |
1.000 |
2024 |
7 |
Điện hạt nhân Vĩnh Hải tổ máy 3 |
1.000 |
2024 |
8 |
Điện hạt nhân Vĩnh Hải tổ máy 4 |
1.000 |
2025 |
9 |
Điện hạt nhân khu vực miền Trung 1 và 2 |
2 x 1.000 |
2026 |
10 |
Điện hạt nhân khu vực miền Trung 3 |
1.300 - 1.500 |
2027 |
11 |
Điện hạt nhân khu vực miền Trung 4 |
1.300 - 1.500 |
2028 |
12 |
Điện hạt nhân khu vực miền Trung 5 |
1.300 - 1.500 |
2029 |
13 |
Điện hạt nhân khu vực miền Trung 6 |
1.300 - 1.500 |
2030 |
|
Tổng công suất |
15.000 - 16.000 |
|
(Nguồn: Quyết định 906/QĐ-TTg)