Thứ Sáu, 27/9/2024
Chính sách
Thứ Năm, 27/8/2009 15:38'(GMT+7)

Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020

Qui hoạch đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020, vận chuyển 5,5 tỷ hành khách với 165,5 tỷ hành khách luân chuyển, khối lượng hàng hóa vận chuyển là 760 triệu tấn với 35 tỷ tấn hàng hóa luân chuyển.

Đồng thời sẽ đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống đường bộ hiện có, đầu tư chiều sâu một số công trình quan trọng để nâng cao năng lực. Cùng đó, nhanh chóng triển khai xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc theo quy hoạch, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc Nam, phát triển mạnh mẽ giao thông đô thị…

Cụ thể, đến năm 2020, xây dựng 24 tuyến, đoạn tuyến cao tốc (kể cả đường vành đai đô thị) với tổng chiều dài khoảng 2.381 km; 100% quốc lộ vào đúng cấp kỹ thuật; hoàn thành xây dựng các cầu lớn, thay thế 100% cầu yếu trên quốc lộ; 100% đường tỉnh được rải mặt nhựa hoặc bê tông xi măng; 100% xã, cụm xã có đường ô tô đến trung tâm (trừ một số ít xã có địa hình đặc biệt khó khăn) và được trải mặt nhựa hoặc bê tông xi măng 100% , xóa 100% cầu khỉ.

Về giao thông đường bộ đô thị, phấn đấu quĩ đất dành cho xây dựng hạ tầng giao thông đạt bình quân 16- 26% so với quĩ đất xây dựng tại các đô thị.

Đối với Hà Nội, hoàn thành việc cải tạo, mở rộng các quốc lộ hướng tâm hiện tại với qui mô 4 - 6 làn xe. Xây dựng vành đai 3 qui mô 6 - 8 làn xe, đường vành đai đối ngoại (vành đai 4) qui mô 6- 8 làn xe, chiều rộng chỉ giới 100 - 120m. Hình thành vành đai kết nối các đô thị vệ tinh (vành đai 5).

TPHCM sẽ cải tạo nâng cấp các quốc lộ hướng tâm cùng với việc xây dựng vành đai đô thị đạt cấp 1 đường đô thị, hình thành vành đai 3, vành đai 4. Nhiều cao tốc từ thành phố đi các tỉnh lân cận cũng sẽ được xây dựng.

Các cầu hầm lớn vượt sông và hệ thống đường đô thị trên cao liên thông với nhau cũng sẽ được xây dựng… Tỉ lệ đảm nhận vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 đạt tỉ lệ 25%.

Về các phương tiện, dự kiến đến năm 2020 cả nước có 2,8 - 3 triệu ô tô, trong đó xe con chiếm khoảng 50%, xe khách 17%, xe tải 33%. Riêng đối với xe máy, hạn chế mức tăng phương tiện này bằng các biện pháp hành chính, kinh tế, kĩ thuật để khống chế số lượng xe máy trên cả nước, xe máy sử dụng chủ yếu ở khu vực nông thôn, khu vực không có vận tải hành khách công cộng. Dự kiến đến năm 2020 có khoảng 34 -36 triệu xe máy.

Phát triển giao thông vận tải địa phương đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, gắn kết được mạng GTVT địa phương với mạng giao thông quốc gia, tạo sự thông suốt, chi phí vận tải hợp lý, phù hợp với đa số người dân. Đối với giao thông nông thôn, huy động mọi nguồn lực để phát triển giao thông nông thôn trong đó ưu tiên xây dựng đường ô tô đến tất cả các trung tâm xã, trừ các xã khó khăn đặc biệt do địa hình, địa lý. Theo quy hoạch, tất cả các cầu khỉ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị xoá bỏ.

Đảm bảo an toàn giao thông, phấn đấu hàng năm giảm từ 5-7% số người chết.

Quy hoạch cũng nêu rõ, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy định bảo vệ môi trường trong xây dựng, khai thác các công trình giao thông và khai thác vận tải đường bộ. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục và cưỡng chế thi hành pháp luật bảo vệ môi trường. Thực hiện đánh giá môi trường từ khi lập quy hoạch. Các công trình giao thông và phương tiện vận tải phải có tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng đối với các yêu cầu bảo vệ môi trường.

Theo Quy hoạch, nhu cầu đất cần bổ sung cho phát triển mạng lưới quốc lộ đến năm 2020 khoảng 3.200 ha. Tính cả hành lang bảo vệ khoảng 57.200 ha. Nhu cầu đất phát triển đường bộ cao tốc, tính cả hành lang bảo vệ khoảng 41.000 ha.

 Định hướng đến năm 2030, hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tiếp tục xây dựng các đoạn tuyến, tuyến đường bộ cao tốc, đường đô thị, đường vành đai.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất