(TG) - Hiện nay, xu hướng sinh ít con diễn ra tại hầu hết các địa phương trong cả nước. Vậy xu hướng này có ảnh hưởng đến quy mô dân số cả nước không và có đòi hỏi chính sách dân số cần có những thay đổi hay không? Phóng viên Tạp chí Tuyên giáo đã phỏng vấn Bác sỹ Mai Xuân Phương Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông-Giáo dục Tổng cục Dân số, Bộ Y tế.
PV: Thưa ông, hiện nay có tình trạng ngày càng nhiều phụ nữ chỉ sinh một con, thậm chí còn quyết định không sinh con, điều này có ảnh hưởng như thế nào đến quy mô dân số ở nước ta khi Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2006, sớm hơn dự kiến gần 10 năm?
Bs Mai Xuân Phương: Mức sinh ngày càng giảm nhưng không có nghĩa là quy mô dân số của nước ta đã đến lúc giảm, mà quy mô dân số Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng trong những năm tới. Mặc dù chúng ta đạt được mức sinh thay thế từ 2006, nhưng số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ngày càng tăng lên do tốc độ gia tăng dân số trước đây cao.
Hiện nay ước tính 1,5 phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ thì mới có 1 phụ nữ bước qua tuổi sinh đẻ, cho nên từ nay tới năm 2027 - 2028 thì số lượng sinh đẻ vẫn tiếp tục gia tăng. Bởi thế cho nên, dù đạt mức sinh thay thế, tỉ lệ sinh thô, tổng tỉ suất sinh giảm nhưng quy mô dân số Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng. Tùy theo mức độ sinh mà đạt được quy mô dân số cực đại vào khoảng năm 2040-2050 hoặc 2060.
PV: Việc nhiều người chọn giải pháp sinh ít con là nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Bs Mai Xuân Phương: Người dân sinh ngày càng ít con đó là kết quả của nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, chúng ta phải khẳng định sự thành công của công tác dân số kế hoạch hóa gia đình. Trong những năm qua, chúng ta đã kiên trì truyền thông vận động, giáo dục, thuyết phục người dân sinh từ 1 đến 2 con, cho nên phần lớn phụ nữ Việt Nam trong lứa tuổi sinh đẻ ngày nay chấp nhận gia đình có quy mô 2 con.
Còn một nguyên nhân cũng hết sức quan trọng, đó là sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đây cũng là xu hướng chung của thế giới. Tức là sự phát triển của kinh tế - xã hội ngày càng cao, thì số con trung bình của phụ nữ ngày càng giảm.
Ở nước ta, qua nghiên cứu khảo sát, đánh giá vùng nào, tỉnh nào phát triển kinh tế - xã hội cao hơn, thì số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thấp hơn. Gia đình nào có điều kiện kinh tế cao hơn số con cũng ít hơn, người phụ nữ nào có trình độ học vấn cao hơn thì có số con ít hơn, đó là quy luật chung của cả thế giới.
PV: Thưa ông, trong thời gian tới, chúng ta có tiếp tục vận động mỗi cặp cợ chồng có từ 1 đến 2 con không?
Bs Mai Xuân Phương: Như chúng ta đã biết, từ năm 2014, thông điệp mới "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con" đã được áp dụng chung cho cả nước. Thực ra đây là sự thay đổi cần thiết. Trước đây thông điệp là mỗi gia đình hãy sinh từ 1 đến 2 con, còn giờ mỗi gia đình hãy nên sinh đủ 2 con. Trước đây dùng từ “chỉ có”, trong một chừng mực nào đó mang tính ép buộc còn dùng từ “hãy nên” là lời khuyên đối với cặp vợ chồng chứ không mang tính ép buộc. Bản chất của thông điệp là vận động để mỗi gia đình có 2 con chứ không ép buộc mỗi gia đình chỉ được phép sinh 2 con. Và đây cũng chính là cơ sở để chúng ta thực hiện hiệu quả một trong 6 nhiệm vụ đó là duy trì vững chắc mức sinh thay thế theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của Ban chấp hành Trung ương Khóa XII về công tác Dân số trong tình hình mới./.
PV: Cám ơn ông!
Duy Hưng