Thứ Ba, 24/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 16/4/2009 10:48'(GMT+7)

Quy trách nhiệm hình sự về gây ô nhiễm môi trường

Rác thải các làng nghề được đổ ngay bên đường làng.

Rác thải các làng nghề được đổ ngay bên đường làng.

Nhìn chung, những hành vi đang phổ biến, gây bức xúc đã được quy trách nhiệm hình sự hoặc bỏ ngoài vòng lao lý; đặc biệt là hành vi gây ô nhiễm môi trường và sử dụng trái phép chất ma túy...


Gây ô nhiễm môi trường: Khoảng trống cho chủ DN

Vấn đề được xem là gai góc trong thảo luận là làm sao để quy được trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân được ĐBQH đề nghị cần bổ sung vào Bộ luật Hình sự liên quan đến các lĩnh vực như thuế, chứng khoán và đặc biệt là vấn đề môi trường. Đa số các ý kiến cho rằng, đây là một vấn đề lớn, cần phải nghiên cứu kỹ, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của trách nhiệm hình sự, nên đề nghị QH cho tiếp tục nghiên cứu để phục vụ cho việc sửa đổi cơ bản, toàn diện BLHS trong thời gian tới.

Riêng tội phạm về môi trường được đa số ý kiến bày tỏ sự kiên quyết phải có quy định trong Bộ luật Hình sự để đảm bảo tính răn đe nghiêm khắc. Các ý kiến đề xuất: Các yếu tố cấu thành tội phạm về môi trường không cần phải hội đủ ba yếu tố như: Thải chất gây ô nhiễm môi trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép; đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục; gây hậu quả nghiêm trọng.

Bởi lẽ, việc xác định hậu quả nghiêm trọng của hành vi gây ô nhiễm môi trường thường là rất khó khăn, có nhiều trường hợp không thể xác định được ngay, mà phải sau một thời gian dài mới có thể xác định được hậu quả. Còn việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường thường chỉ áp dụng đối với pháp nhân, nên rất khó xử lý về hình sự đối với người có hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Chính vì vậy, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý dự luật theo hướng bỏ dấu hiệu "đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền". Và chốt lại là quy định trách nhiệm hình sự đối với người có các hành vi "thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác".

Còn việc quy định trách nhiệm hình sự của người đứng đầu pháp nhân gây ô nhiễm môi trường? UBTVQH cho rằng, nếu người đứng đầu pháp nhân trực tiếp thực hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 182 BLHS.

Trường hợp người này không trực tiếp thực hiện tội phạm, mà chỉ tham gia với tư cách là người tổ chức (người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy), người xúi giục hoặc người giúp sức thì tuỳ tính chất, mức độ của hành vi cũng sẽ bị xử lý với vai trò là đồng phạm. Do đó, UBTVQH đề nghị không bổ sung quy định trách nhiệm hình sự người đứng đầu của pháp nhân vào trong BLHS.
 
Tuy nhiên, vẫn còn luồng ý kiến khác băn khoăn: Nếu không quy định cụ thể trách nhiệm hình sự người đứng đầu doanh nghiệp (pháp nhân) gây ô nhiễm môi trường trong luật, sẽ là kẽ hở để các chủ doanh nghiệp "luồn lách"... vô can, như thực tiễn đã diễn ra.

Dùng ma tuý: Ngoài vòng lao lý (?)

Trong thảo luận, có ý kiến đề nghị giữ lại tội danh sử dụng trái phép chất ma túy trong BLHS, vì cho rằng hiện nay tình hình sử dụng trái phép chất ma túy vẫn đang gia tăng, gây tác hại xấu về nhiều mặt của đời sống xã hội và là nguyên nhân, điều kiện phát sinh nhiều loại tội phạm khác như trộm cắp tài sản, cướp tài sản, giết người... Nếu bỏ tội danh này, có thể dẫn tới việc sử dụng ma túy tràn lan và không bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.

Tuy nhiên, ý kiến chung trong UBTVQH cho rằng, người phạm tội sử dụng trái phép chất ma túy trong thực tế rất nhiều, việc xử lý bằng biện pháp hình sự chưa được bao nhiêu và không có khả năng xử lý hết được, nếu duy trì tội sử dụng trái phép chất ma túy trong BLHS sẽ không đảm bảo được công bằng xã hội. Hành vi sử dụng trái phép chất ma túy xét về bản chất là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng dưới góc độ xã hội thì người nghiện ma túy được coi là nạn nhân của một tệ nạn.

Từ lập luận này, ý kiến chung trong UBTVQH đề nghị bỏ tội danh sử dụng trái phép chất ma túy trong Bộ luật Hình sự. Trường hợp người sử dụng ma túy có hành vi phạm tội thì sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh tương ứng của BLHS.

Lao Động
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất