Thứ Ba, 26/11/2024
Xã hội
Thứ Năm, 23/4/2015 20:43'(GMT+7)

Quyền được thông tin của người tiêu dùng

Toàn cảnh Hội thảo diễn ra sáng 23/4 tại Hà Nội

Toàn cảnh Hội thảo diễn ra sáng 23/4 tại Hà Nội

Sáng (23/4), tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) phối hợp tổ chức Hội thảo “Dinh dưỡng lành mạnh & Quyền được thông tin của người tiêu dùng”. Hội thảo có sự tham gia của đại biểu đến từ các bộ, ban ngành; các chuyên gia về chất lượng hàng hóa, dinh dưỡng; cùng đại diện các Hội Tiêu chuẩn Bảo vệ người tiêu dùng địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo ông Trần Việt Hùng – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học & Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Hiện nay, các gia đình bị đe doạ vì các thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Vì thế, việc minh bạch và đẩy mạnh thông tin về sản phẩm thực phẩm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp là rất cần thiết.

Tại hội thảo, bà Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm cho biết: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: Người tiêu dùng (NTD) “được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà NTD đã mua, sử dụng”. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, vấn đề minh bạch thông tin của sản phẩm hàng hóa, trong đó có thực phẩm còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng quyền được thông tin của NTD bị xâm hại.

Ông Trịnh Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục QLTT - Bộ Công thương cho biết: Việc ghi nhãn hàng hóa, thông tin về nguồn gốc xuất xứ, cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ, cảnh báo về sản phẩm… đang được thực hiện tốt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng, cửa hiệu, nhà hàng theo phương thức kinh doanh mới. Nhưng những thông tin này chưa đáp ứng được về chất lượng; thông tin cung cấp không rõ ràng, không đầy đủ, dễ gây nhầm lẫn, hiểu nhầm. Ngoài ra, quảng cáo về sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây thường có các dấu hiệu sai phạm như: Thiếu tên, địa chỉ liên hệ của người sản xuất, kinh doanh; hình ảnh minh họa, tên gọi của sản phẩm dễ gây nhầm lẫn với hàng hóa, dịch vụ khác; thông tin về chất lượng hàng hóa thường bị thổi phồng.

Để cải thiện tình trạng thiếu minh bạch thông tin đối với người tiêu dùng, ông Trịnh Anh Tuấn cho rằng: Cần có sự đồng thuận mạnh mẽ của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và xã hội, nhằm:  Tăng cường công tác tuyên truyền về quyền được cung cấp thông tin của NTD; Tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ NTD trong việc nắm bắt thông tin; xây dựng hệ thống tổng đài tư vấn;  Khuyến khích và thúc đẩy phát triển các trung tâm tư vấn cho NTD, hệ thống thông tin tiêu dùng, các tài liệu, ấn phẩm hướng dẫn tiêu dùng văn minh, thông thái;  Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đặc biệt về hành vi vi phạm quy định cung cấp thông tin cho NTD; Thúc đẩy tính tuân thủ của doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin cho NTD về hóa đơn, chứng tư…; Tăng cường tính tuân thủ pháp luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực cung cấp thông tin cho NTD; Xây dựng văn hóa, phong cách giao tiếp, phục vụ chuyên nghiệp với NTD, đảm bảo thông tin luôn đến với NTD một cách đầy đủ và chính xác nhất; Phát triển hệ thống quản lý giao dịch để bất cứ lúc nào NTD đều có thể được cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ giao dịch; thông tin đầy đủ về hướng dẫn sử dụng, cảnh báo tính mất an toàn, điều kiện bảo hành….; Hợp tác, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để phát hiện hàng hóa giả mạo, kém chất lượng, thiếu thông tin, thông tin không chính xác hoặc lừa đảo để kịp thời xử lý, thu hồi và cảnh báo, thông tin cho NTD được biết.

Để đảm bảo quyền được cung cấp thông tin của người tiêu dùng ông Trần Quốc Tuấn -  Cục trưởng, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho rằng: về phía các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa và ghi nhãn hàng hóa đúng quy định như trên.  Khi đó  sẽ minh bạch , rõ ràng,  về nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn , chất lượng , khối lượng của hàng hóa, đảm bảo được sự cạnh tranh lành mạnh. Tránh gian lận thương mại. Một số ví dụ gian lận về tên hàng hóa, có tính lách luật, thiếu minh bạch để trốn tránh thuế, trốn tránh quy định của pháp luật về chất lượng đối với hàng hóa nhóm 2 như phải chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy,...

Về phía  người tiêu dùng cần lựa chọn  hàng hóa tuân thủ quy định của pháp luật về chất lượng, nhãn hàng hóa, không mua sử dụng những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, ... không tạo “cầu “không lành mạnh  để   cho các cơ sở  “cung”  hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, sẽ hạn chế và không còn “đất sống”... và cũng chính là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng .

Về phía  các cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật về  tiêu chuẩn, chất lượng, nhãn hàng hóa, công bố các thông tin cảnh báo chất lượng theo quy định của pháp luật trên các phương tiện thông tin đại cúng  để bảo vệ quyền  lợi người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh  phát triển lành mạnh.

Liên quan đến chủ đề “Dinh dưỡng lành mạnh”, GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nguyên Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Khi nói đến “Dinh dưỡng lành mạnh” tức là nói đến Dinh dưỡng hợp lý: “Ăn đủ” - đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, “Cân đối” giữa các chất dinh dưỡng và “ăn đa dạng thực phẩm”. Đảm bảo an toàn thực phẩm và hạn chế uống rượu bia cũng là một thành tố quan trọng của dinh dưỡng lành mạnh”.

GS.TS Lê Thị Hợp cũng khuyến cáo việc ăn uống không lạnh mạnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể dẫn đến rất nhiều bệnh như: Thừa cân, béo phì, cao huyết áp, đường huyết cao… Hiện nay, mô hình bệnh tật, tử vong của người Việt Nam đang chuyển từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm (75% người tử vong ở Việt Nam do các bệnh không lây nhiễm). Trong đó, đứng đầu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gout... Tỷ lệ tăng huyết áp cao gấp 2 lần sau 13 năm từ 11,2% (1992) lên 20,7% (năm 2005).

Để đảm bảo an toàn thực phẩm và chế độ “Dinh dưỡng lành mạnh” NTD cần có kiến thức và kỹ năng về lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm và thực hiện “10 Lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2020” để phát triển đầy đủ cả thể lực và trí lực góp phần nâng cao tầm vóc người Việt trong tương lai./.

Duy Phong


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất