(TG)-Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các
bộ ngành, địa phương liên quan phải vào cuộc quyết liệt, triển khai các
giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Từ năm 2014 đến nay tình hình thiên tai diễn biến bất thường, đặc biệt từ đầu năm 2016 tại Đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn sâu, kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của người dân, trong đó trên 200.000 hộ bị thiếu nước ngọt, đặc biệt thiên tai đã ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm kinh tế nông nghiệp của cả nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các Nghị quyết, Chỉ thị, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ trực tiếp kiểm tra, thị sát, làm việc với các địa phương và có các Thông báo để tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống, khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn. Các Bộ ngành, địa phương liên quan cũng đã vào cuộc rất quyết liệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Tuy nhiên, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn diễn biến hết sức phức tạp và gay gắt, nhất là thời gian đầu tháng 5 năm 2016. Do vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành phải tiếp tục theo dõi sát diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn, chủ động chỉ đạo và phối hợp với các địa phương triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương vào cuộc, đặc biệt là vai trò của người dân trong ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan phải đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân; tiếp tục rà soát, hỗ trợ kịp thời các hộ khó khăn, hộ gia đình chính sách về nguồn nước sinh hoạt để người dân có cuộc sống ổn định, không để người dân bị đói, thiếu nước sinh hoạt; tiếp tục chỉ đạo vận hành các công trình để lấy nước, tích trữ nước ngọt vào hệ thống kênh rạch, hồ ao, vùng trũng; tăng cường liên kết vùng để huy động, khai thác các nguồn lực hiệu quả nhất cho ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó
Về lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phải sớm cập nhật, bổ sung kịch bản về biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam đến cấp xã, làm cơ sở để tổ chức lập, điều chỉnh các quy hoạch; tăng cường năng lực giám sát, dự báo khí tượng thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn để thông tin kịp thời, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan; tiếp tục hoàn chỉnh bản đồ phân bổ nguồn nước mặt, nước dưới đất làm cơ sở để các địa phương, doanh nghiệp, người dân đầu tư khai thác đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.
Các Bộ, ngành trung ương tập trung xây dựng, rà soát điều chỉnh các quy hoạch trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trong đó có quy hoạch tổng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch phát triển nông nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch giao thông vùng, cấp nước vùng, quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển đô thị, đặc biệt là quy hoạch trữ nước ngọt để phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô phù hợp với phát triển sản xuất, trên cơ sở đó điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tập trung điều chỉnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, chủ động thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu.
Khuyến khích tiết kiệm nước
Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích người dân áp dụng các công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm nước để giảm đầu tư, đồng thời có các biện pháp hành chính, kinh tế nhằm nâng cao ý thức của doanh nghiệp, tổ chức, người dân trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước.
Các địa phương tăng cường quản lý khai thác cát trên sông và vùng ven biển; chủ động bảo vệ diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh khôi phục, phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển, góp phần phòng chống sạt lở, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững cho người dân...
Hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại do nhiễm mặn
Phó
Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý chủ trương điều chỉnh trong tổng mức kế
hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2016 của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn để bổ sung vốn cho Dự án Khu kinh tế muối công
nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ, tỉnh Ninh Thuận thực hiện hỗ trợ các hộ
dân bị thiệt hại do nhiễm mặn còn lại (42,734 tỷ đồng).
Phó Thủ
tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính xử lý theo quy định.
Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, thống nhất với UBND tỉnh Ninh
Thuận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đề xuất phương án hỗ trợ
kinh phí xử lý nhiễm mặn phát sinh, trình Thủ tướng Chính phủ.
Phó
Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối
hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận và cơ quan liên quan rà soát và xử lý việc
điều chỉnh quy mô, quy hoạch Dự án theo thẩm quyền và quy định pháp
luật hiện hành; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch
hoàn trả phần vốn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp cho Dự án; chỉ
đạo và giám sát Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ Long thực hiện Dự
án theo đúng mục tiêu đã được duyệt.
Bảo Châu (tổng hợp)