Thứ Bảy, 5/10/2024
Sức khỏe
Thứ Ba, 28/4/2009 21:41'(GMT+7)

Quyết liệt đối phó với dịch cúm lợn A (H1N1) đã nâng lên mức độ báo động 4

Người dân Mexico City đeo khẩu trang để phòng lây bệnh. (ảnh: Tân hoa xã)

Người dân Mexico City đeo khẩu trang để phòng lây bệnh. (ảnh: Tân hoa xã)

Trước tình hình gia tăng các ca nhiễm cúm lợn ở các nước Mexico, Mỹ, Canada, ngày 27-4, Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triệu tập phiên họp khẩn cấp để xem xét tăng mức độ báo động về dịch cúm heo từ mức 3 lên mức 4 (mức nghiêm trọng) trong tổng số 6 cấp độ sau khi virus cúm heo H1N1 ở Mexico đã biến thể sang dạng “nguy hiểm hơn”. Theo WHO, cấp độ 4 có nghĩa là có dấu hiệu cho thấy virus có khả năng lây nhiễm từ người sang người và có thể gây ra những ổ dịch lớn, bùng phát mạnh ở cấp độ cộng đồng. Như vậy chỉ còn hai thang bậc nữa là thế giới tiến tới một đại dịch toàn cầu.

Ở Việt Nam, tuy chưa phát hiện ca nhiễm cúm A (H1N1) nào, nhưng trước tình hình khẩn cấp mà WHO thông báo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho rằng: "Tuy về quy mô, VN chưa xác định ca nhiễm cúm A (H5N1) nào nhưng vẫn xác định cấp độ mức 4 như thế giới để chủ động đối phó và có các biện pháp quyết liệt hơn".

Tình hình dịch bệnh cúm lợn ngày càng trở nên nghiêm trọng khi hôm nay Bộ trưởng Y tế Mexico Jose Angel Cordova thông báo số người chết vì bị nghi nhiễm virus cúm lợn đã tăng từ con số 103 lên con số 149, chiếm 26,3% tỷ lệ tử vong trong số người mắc bệnh cúm A (H1N1) ở Mexico. Tất cả những nạn nhân này đều trong độ tuổi từ 20 đến 50. Những người nhiễm bệnh chủ yếu là các thanh niên trẻ, khỏe – đây là một đặc điểm của dịch bệnh hiện nay.

Theo Công điện Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico gửi về hôm 26/4/2009, cho hay: chiều 23/4/2009, Chính phủ Mexico đã chính thức thông báo dịch cúm lợn mới lạ đã bùng phát ở Mexico. Đến chiều 25/4, tổng thống Calderon đã ban lệnh khẩn cấp, giao quyền cho Bộ Y tế áp dụng mọi biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn nạn dịch. Tổ chức Y tế thế giới WHO đã ngay lập tức cử chuyên gia tới Mexico phối hợp chống dịch và ra tuyên bố “tình trạng nghiêm trọng”, thông báo tới các quốc gia trên thế giới đề phòng khả năng có đại dịch, công bố mức báo động 03 (chưa ngăn chặn việc đi lại). Canada đã phát lệnh xem xét kỹ các trường hợp người từ Mexico tới các sân bay Canada. Các chuyên gia Mỹ và WHO cho rằng đã quá muộn để thực hiện việc khoanh vùng dịch cúm vì đã lan rộng. Mexico bị chỉ trích không nhanh nhạy đối phó với nạn dịch ngay từ đầu; không báo cáo ngay ca nhiễm đầu tiên (từ cuối tháng 3) và gửi ngay mẫu bệnh cho các trung tâm xét nghiệm hiện đại của các nước; thiếu phương tiện nhanh chóng xác định loại virut mới; các bệnh viện đều lúng túng trong trị liệu bệnh nhân.

Tại thủ đô Mexico, tâm điểm của bệnh dịch, trường học đóng cửa, tất cả các hoạt động công cộng bị huỷ bỏ; quân đội, cảnh sát và nhân viên y tế túc trực tại các sân bay, bên xe, tầu trao khẩu trang, phát hiện người bị cúm. Bộ Y tế nước này được lệnh phong toả bất cứ trường hợp nhiễm bệnh nào để ngăn chặn lây lan. Chính quyền chi khẩn cấp khoảng 500 triệu USD cho chiến dịch chống bệnh dịch ở thủ đô.

Đại sứ Việt Nam tại Mexico Phạm Văn Quế cũng cho hay, cho đến nay chưa có trường hợp nhiễm cúm trong số người của ta tại Mexico.

Triệu chứng cúm lợn A (H1N1) cũng giống với cúm mùa, với các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, đau cơ, nhức đầu, rùng mình và mệt mỏi. Một số người có thể đi ngoài phân lỏng, buồn nôn, nôn. Bệnh có thể nhẹ hoặc rất nặng. Những trường hợp bị viêm phổi nặng có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, hiện tại các vacxin cúm mùa không có vi rút cúm lợn A (H1N1). Chưa có bằng chứng về khả năng bảo vệ chéo của vắc xin cúm mùa đối với cúm lợn.

Loại vi rút được nhận diện mới này được coi là virut mới biến thể, mang trong nó gien của cả 3 loại vi rút trước là cúm người, cúm lợn và cúm gia cầm. Điều làm WHO lo ngại là khả năng lây nhiễm trực tiếp từ người sang người và việc con người chưa có khả năng miễn dịch tự nhiên đối với loại virus mới này và chưa có vacxin mới khiến cho việc phòng chống rất khó khăn. Một hiện tượng mới nữa là virus này tấn công tập trung vào độ tuổi tráng niên, thay vì vào trẻ em và người già như các đợt cúm trước nay. Đây là đặc điểm tương tự trường hợp đại dịch cúm mang tên Tây ban nha (cũng xuất phát từ Mỹ) H1N1 năm 1918-1919 đã giết hại 40 triệu người trên toàn thế giới lúc đó.

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới, hiện dịch cúm A (H1N1) vẫn đang tiếp tục phát triển tại Mỹ và Mexico. Theo các nguồn tin từ Bộ Y tế các nước thì một số nước khác đã bắt đầu ghi nhận các trường hợp cúm lợn A (H1N1), trong điều kiện giao lưu rộng rãi giữa các nước, các khu vực nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam và lây lan là rất lớn.

Ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ đại dịch cúm heo (H1N1), ngày 27/4, Bộ Y tế cũng như Sở Y tế các địa phương đã được chỉ đạo khẩn trương giám sát dịch tễ, đặc biệt đối với hành khách quốc tế đến Việt Nam. Chiều 27/4 Cục Y tế dự phòng và môi trường Việt Nam có thông báo các cơ sở y tế và người dân các biện pháp chủ động phát hiện và phóng, tránh cúm lợn (H1N1).

Theo đó, các cơ sở y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm ngay ca bệnh xâm nhập để cách ly, xử lý kịp thời. Cử cán bộ trực 24/24, đặc biệt trong dịp lễ 30/4, 1/5, chuẩn bị sẵn sàng các đội cơ động chống dịch để khống chế ngay những trường hợp mắc đầu tiên. Nếu phát hiện các chùm ca bệnh bất thường, đề nghị thông báo ngay cho y tế địa phương, các viện Vệ sinh dịch tễ /Pasteur để kịp thời phát hiện trường hượp đầu tiên, để bao vây dập dịch không để dịch lây lan. Các địa phương có đường biên giới phải tăng cường các hoạt động kiểm dịch y tế biên giới, đặc biệt theo dõi những người bị sốt đến từ các nước có dịch. Các cơ sở y tế nắm sát tình hình và tham mưu trong các cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm ở người của địa phương. Đồng thời cử cán bộ thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh để có kế hoạch ứng phó kịp thời. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở điều trị sẵn sàng cơ số thuốc, hoá chất, vật tư để thu dung, điều trị, các phòng cách ly, xử lý kịp thời khi có tình huống. Cử cán bộ thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh để có kế hoạch ứng phó kịp thời và thông báo ngay về Bộ Y tế theo số điện thoại: 04.38456255, Fax: 04.3736624, Email: baocaodich@gmail.com.

Trong cuộc họp khẩn sáng nay, ông Nguyễn Trần Hiền, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ khẳng định, với điều kiện hiện nay, chúng ta có thể “chủ động được trong giám sát cúm thường và cũng sẽ không lúng túng trong đối diện với dịch cúm A (H1N1). Tại Việt Nam, từ tháng 1/2006, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Viện Paster TPHCM triển khai hệ thống giám sát cúm thông thường tại 15 điểm trên 10 tỉnh. Đến nay đã lấy được 20.000 mẫu, trong đó 20% dương tính với cúm thường nhưng không phát hiện thấy chủng cúm lạ. Chủng cúm hay gặp nhất là H3N2. Tuy nhiên, ông Hiền cũng bày tỏ quan ngại, hiện chúng ta đang rất thiếu số liệu về các ca lâm sàng hội chứng cúm ở cả nước. Chúng ta không quản lý hết được các ca cúm thường ở các trường học, nhà máy, xí nghiệp, công ty. Bởii lâu nay, cúm được coi là hiện tượng thông thường, không phải báo cáo, thường là tự điều trị. Trong khi đó, để theo dõi virus cúm biến đổi thì luôn phải giám sát chặt chẽ.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng cho hay, về lâm sàng, cúm lợn giống các bệnh cúm thông thường khác ở các triệu chứng nên việc phát hiện cúm A (H1N1) sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo WHO còn có nhiều biểu hiện không có trong lâm sàng. Thông tin của WHO cho biết, hiện virus này vẫn nhạy với Tamiflu, Relenza nhưng kháng với Amantadine. Vì thế, việc phát hiện sớm, điều trị sớm là vô cùng quan trọng, tránh hiện tượng kháng thuốc.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đoàn công tác tăng cường kiểm dịch ở vùng dịch. Chỉ đạo tất cả các địa phương rà soát lại công tác kiểm dịch, đề phòng biến thể gen lây từ người sang người, theo dõi diễn biến dịch tễ trên các đàn gia súc.

Theo Tiểu ban Hậu cần Ban Chỉ đạo phòng chống cúm Quốc gia, dự trữ thuốc và phương tiện chống dịch cũng đang được gấp rút chuẩn bị sẵn sàng. Hơn 1000 máy thở cấp cứu đã được chuyển giao cho các địa phương.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh, Việt Nam đang phải một lúc đương đầu với 3 dịch bệnh, là bệnh cúm H5N1, bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả và giờ là cúm lợn H1N1. Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Ban chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh trên người tổ chức hai buồng trực theo dõi nhiệt độ tại 2 sân bay lớn là Tân Sơn Nhất và Nội Bài và sẽ tăng cường thêm máy đo thân nhiệt ở 2 sân bay. Đồng thời, cần cách ly ngay các trường hợp mắc, các trường hợp đến từ vùng dịch có liên quan để quan sát và theo dõi. Hành khách đến từ các vùng nguy cơ cần được phát khẩu trang. Việc kiểm tra thân nhiệt cho hành khách tại sân bay đã được triển khai và đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào có bất thường. 

Theo Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường, ông Nguyễn Huy Nga, trước khi có cảnh báo của WHO về dịch cúm lợn, đã có khoảng hơn 200 người trở về Việt Nam từ Mỹ, 10 người trở về từ Mexico, nhưng vì chưa có cảnh báo nên không nắm được thông tin. Hiện Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ công an để tìm hiểu kỹ những trường hợp này.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu yêu cầu Tiểu ban điều trị phối hợp các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng quy trình điều trị, phác đồ điều trị sớm nhất, hàng ngày và phổ biến trong cả nước. Đồng thời yêu cầu Tiểu ban Truyền thông cần phải kích hoạt toàn bộ hệ thống tuyên truyền từ trung ương đến địa phương. Tuyên truyền kịp thời, chính xác, đúng mức và không gây hoang mang.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất