Thứ Bảy, 5/10/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 25/4/2009 15:45'(GMT+7)

Thức ăn đường phố: Nguy hại tới tính mạng của con người

Bà chủ vô tư bốc bánh cuốn bằng tay bán cho khách hàng.

Bà chủ vô tư bốc bánh cuốn bằng tay bán cho khách hàng.

Bẩn nhưng vẫn cứ ăn

Thức ăn đường phố được bày bán nhan nhản trên vỉa hè của các tuyến phố, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng bất cứ lúc nào. Còn khách hàng thì vô tư ăn uống món ăn lẫn với bụi và khói do xe cộ gây ra.

Sáng ngày 24/4, phóng viên VnMedia đã dạo quanh một số tuyến đường Hà Nội. Vào một hàng phở có tiếng, rất đông người ăn trên đường Láng. Trước cửa hàng có treo tấm biển cam kết cơ sở đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đóng dấu đỏ, nhưng thực chất bên trong thì lại hoàn toàn trái ngược. Nhìn những tô phở nóng nghi ngút khói, ít ai có thể nghĩ rằng chúng được làm ra từ những công đoạn cực kỳ mất vệ sinh. Thịt bò, hành, rau thì được để trong những cái rổ cáu bẩn, nhầy nhụa, đầy mỡ, xương bò được chất đống trên nền xi măng bẩn thỉu. Cạnh đó, nhân viên rửa bát đũa trong một chậu nước sánh đen như nước cống, xung quanh chậu mỡ bám mốc đen. Bát đũa rửa và chỉ tráng qua một lần nước là xong. Đúng là khuất mắt trông coi, vậy mà quán này lúc nào cũng đông khách.

Đứng quan sát một hàng bán bánh cuốn trên phố Yên Hoà, Cầu Giấy, khi có khách hàng vào bà chủ quán liền lấy một cái khăn đen bẩn lau dọn bàn vừa có người ăn xong, sau đó vào ngồi làm bánh, bà dùng tay lấy nhân bánh cho vào bánh tráng và cầm cắt bánh và chả cho vào đĩa mang cho khách. Xong việc tráng bánh, bà tranh thủ cho tay vào chậu rửa bát váng mỡ, ngoắng chồng đĩa bát, cũng chẳng cần tráng, bà dùng cái khăn lau lại, thế là xong.   

Gần trưa, tại một quán cơm bình dân gần trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, khách đã đông nghẹt. Thực khách của quán ăn này chủ yếu là sinh viên. Quán nằm ngay bên cạnh đường, bụi bẩn trong khi thức ăn để lộ thiên trên bàn. Khi được hỏi, một sinh viên tên là Đức tặc lưỡi: Nếu nói về an toàn thực phẩm an toàn thì chắc không ai dám ngồi vào ăn ở những hàng quán như thế này. Chỉ có điều, nếu không ăn ở đây thì chỉ có nhịn, vì quán "tử tế" hơn một chút thì một đĩa cơm phải trên 20 nghìn đồng, mà sinh viên tụi em lại “quen” cơm giá rẻ chỉ trên dưới 10 nghìn đồng thôi.

Tại tất cả các quán ăn vỉa hè này, chúng tôi quan sát thấy việc nhận tiền, trả tiền, bốc thức ăn, rửa bát, đó là bốn công việc của một chủ quán trên các tuyến đường. Nguy cơ ngộ độc từ những quán “bốn trong một” này hiện nay là rất cao.

Trên các tuyến đường, không chỉ tồn tại nhiều hàng ăn, hàng rong mất vệ sinh, mà ngay quán nước bán các loại nước xanh đỏ, rồi trà đá vẫn được rất nhiều người sử dụng. Khi được hỏi, hầu hết các chủ quán đều không biết nguồn gốc từ đâu, sản xuất có đảm bảo vệ sinh hay không, chỉ biết có một điều là đá thường đục, có màu hơi vàng. 

Ảnh minh họa

 Chậu nước rửa bát váng mờ



Thờ ơ trước dịch bệnh

Sáng 24/4, tại một quán ăn gần trường tiểu Yên Hoà, khi được hỏi, một chị đang cho con ăn sáng có vẻ khó chịu trả lời, sáng dậy muộn, không kịp chuẩn bị cho con nên hai mẹ con đi ăn cho tiện.

Ngay tại phố Nguyễn Khang, anh Hoà, người khách ăn bún đậu tại một quán vỉa hè cho biết: “Tôi cũng nghe thông tin trên vô tuyến là mới có người mắc bệnh tả, nhưng buổi trưa có một mình nên ra đây ăn cho tiện. Có lẽ mình không ăn mắm tôm là được”.

Còn một bác xe ôm đang ăn bát bún tỏ vẻ bực dọc khi được hỏi về nguy cơ lây lan dịch bệnh: “Đang ăn uống mà tiêu với chảy, ăn mất cả ngon. Cánh xe ôm chúng tôi phải ăn có sức để lao động, quan tâm gì tới mấy thứ đó, có ăn là tốt lắm rồi”.

Quan trọng vẫn là ý thức người tiêu dùng

Theo khái niệm của Tổ chức Y tế thế giới, thức ăn đường phố là những đồ ăn, thức uống được làm sẵn hoặc chế biến, nấu nướng tại chỗ, có thể ăn ngay và được bày bán trên đường phố, những nơi công cộng. Có 3 loại thức ăn đường phố: bán trong cửa hàng cố định, bán trên hè phố và bán rong. Hiện nay, cả 3 loại hình này đang phát triển rất mạnh không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều đô thị lớn khác trong nước.

Mùa hè sắp đến, là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát nếu người dân tiếp tục ăn uống và sinh hoạt mất vệ sinh. Nguy cơ dịch tả trong mùa hè là rất lớn, vì nhu cầu sử dụng thực phẩm tươi, nhất là nước đá tăng cao. Trong khi đó, chất lượng nước đá, đá cây hiện nay hầu như chưa kiểm soát được.

Người dân nên bỏ thói quen ăn rau sống. Vì dù rửa rau sống ngập trong nước, ngâm thuốc tím, sục ozon, ngâm nước muối hoặc xả rau dưới vòi nước chảy 15 phút... thì cũng không thể khống chế được 100% vi khuẩn mà chỉ hạn chế được phần nào. Ngoài ra, không nên tin dùng thức ăn đường phố dù đã được nấu chín, nhất là bày bán ở dọc vỉa hè, đường phố". 

Thức ăn đường phố và các hàng ăn rong là nét văn hoá riêng của cộng đồng người Việt. Nó phản ánh lối sống và sự phát triển xã hội, không thể ngày một ngày hai có thể xoá bỏ ngay. Chính vì vậy để đẩy lùi thì cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong việc nâng cao ý thức của những cửa hàng kinh doanh thức ăn tại chỗ. Cùng với đó, người dân cũng phải nâng cao ý thức tham gia thực hiện bảo đảm VSATTP, không ăn uống ở những gánh hàng rong không đảm bảo. 

Theo quy định của Bộ Y tế, thức ăn đường phố phải bảo đảm 10 tiêu chuẩn, đó là: đủ nước sạch, có dụng cụ gắp thức ăn chín, không để lẫn thức ăn chín và sống; nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm như cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm; người làm dịch vụ chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ, nhân viên đeo tạp dề, khẩu trang, mũ khi bán hàng; không sử dụng phụ gia và màu thực phẩm; thức ăn phải được bày bán trên giá cao hơn 60cm, phải được bày bán trong tủ kính và bao gói hợp vệ sinh; có dụng cụ đựng chất thải... Tuy nhiên, nếu xét đúng theo 10 tiêu chí này, thì có đến 90% hàng quán hiện nay vi phạm về VSATTP.

(Theo VnExpress)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất