Chủ Nhật, 1/12/2013 20:37'(GMT+7)
Quyết liệt hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Về triển khai công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu
trên toàn quốc, theo Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội, Bộ trưởng
Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh sẽ triển khai
quyết liệt 3 giải pháp nhằm hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất lần đầu trong năm 2013.
Ba giải pháp cơ bản đó là: Bám sát Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục duy trì tiến độ thực hiện như hiện nay cho đến khi hoàn thành. Thúc đẩy, yêu cầu, hỗ trợ các địa phương phải kiện toàn nhân lực, tăng cường trang thiết bị và các điều kiện làm việc cho các Văn phòng đăng ký; dành tối thiểu 10% tiền thu từ đất để đầu tư đủ kinh phí cho đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận, xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; hoàn thành sửa đổi các quy định liên quan đến thu tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ khi cấp giấy chứng nhận lần đầu để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay; có biện pháp tháo gỡ đối với tình trạng còn nhiều giấy chứng nhận đã cấp, song người có đất không đến nhận do điều kiện kinh tế khó khăn.
Sau khi hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận lần đầu, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của các địa phương và toàn quốc, đưa vào khai thác, quản lý một cách bài bản hơn.
Nhận xét về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2012 và 2013, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng: Việc cấp giấy chứng nhận trong 2 năm qua đã có chuyển biến tốt, đến nay cả nước đã cấp được khoảng 39 triệu giấy chứng nhận lần đầu, đạt gần 90% diện tích các loại đất cần cấp giấy chứng nhận và đạt 90% tổng số trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận.
Đến thời điểm này, cả nước đã có 39 tỉnh, thành phố hoàn thành cơ bản cấp giấy chứng nhận (đạt trên 85% tổng diện tích các loại đất cần cấp); trong đó, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Bà Rịa-Vũng Tàu đã có tiến bộ vượt bậc và đã được ra khỏi danh sách 22 tỉnh đặc biệt chậm của năm 2012.
Để đạt được những kết quả tích cực nêu trên, trong thời gian qua Chính phủ và Ủy ban Nhân dân các địa phương trên cả nước đã tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt. Trong đó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành liên tục 2 Chỉ thị: Chỉ thị 1474/CT-TTg và Chỉ thị 05/CT-TTg để đôn đốc, chỉ đạo các địa phương thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp rất cụ thể.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp chủ trì nhiều buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành có liên quan để chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong đó đã phê duyệt hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho những tỉnh khó khăn để thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai quyết liệt theo chỉ đạo của Chính phủ. Cụ thể như: Tổ chức nhiều buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, nhất là 22 tỉnh, thành phố có tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đạt thấp để đánh giá tình hình và đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận. Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hai lần gửi thư tới Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có tỷ lệ cấp giấy chứng nhận thấp, đề nghị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy và Ủy ban Nhân dân các cấp, các ngành ở địa phương cùng vào cuộc chỉ đạo thực hiện; đồng thời tổ chức các đoàn công tác đến các tỉnh để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong triển khai cấp giấy chứng nhận.
Các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Tư pháp và Văn phòng Chính phủ đã hỗ trợ tích cực, hướng dẫn các địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc; phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện những giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho địa phương. Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi các quy định hiện hành liên quan đến nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận, để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.
Đề cập đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu vẫn còn nhiều vướng mắc, có thể do cán bộ chức năng trục lợi từ chính sách, khiến chủ trương lớn của nhà nước bị ách tắc hay không? Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhận định: Tình trạng cán bộ chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục, gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân để trục lợi là có ở một số nơi, song tình trạng này là không nhiều. Kết quả cấp giấy chứng nhận trong thời gian qua đã chứng minh điều đó, chứng tỏ đội ngũ cán bộ chức năng đã có rất nhiều cố gắng, còn những chuyện này chuyện khác như đã nêu thì phải sớm khắc phục. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp chậm do khách quan như thiếu cán bộ, trong khi số lượng hồ sơ cần phải giải quyết quá lớn; phần nhiều các trường hợp tồn đọng có nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, hoặc có tranh chấp... khiến việc xem xét giải quyết kéo dài.
Mặt khác, việc cấp giấy chứng nhận trước đây còn sử dụng tài liệu đo đạc tạm thời có độ chính xác thấp và trong thời gian qua địa phương phải tổ chức đo đạc lại và cấp đổi đồng loạt giấy chứng nhận cho người dân, nên khối lượng công việc lớn, đòi hỏi nhiều kinh phí, nhân lực, song điều kiện hiện nay còn khó khăn. Thời hạn sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trên giấy chứng nhận cũ đã hết hạn và địa phương phải chờ thực hiện Nghị quyết số 49/2013/QH13 của Quốc hội về kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Hiện Nghị quyết số 49/2013/QH13 đã có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn (NĐ 126/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện việc ghi thời hạn sử dụng đất nông nghiệp khi cấp đổi giấy chứng nhận cho người dân.
Để hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dồn toàn lực, theo sát tiến trình cấp giấy chứng nhận và đã thấy rõ các nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc chậm trễ ở một số địa phương. Cụ thể là một số địa phương triển khai chưa quyết liệt, chưa coi công tác này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2012-2013 của địa phương. Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương đó chưa tham mưu đắc lực cho lãnh đạo tỉnh trong tổ chức thực hiện mục tiêu đề ra. Văn phòng đăng ký tại nhiều địa phương còn rất thiếu cán bộ chuyên môn, phương tiện kỹ thuật và các điều kiện làm việc cần thiết khác cho việc thực hiện nhiệm vụ, nhất là các huyện miền núi, trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Kinh phí đầu tư cho đo đạc, cấp giấy chứng nhận trong 2 năm qua còn rất hạn chế so với nhu cầu, nhất là các tỉnh còn tồn đọng nhiều thửa đất cần cấp giấy chứng nhận.
Nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các địa phương những tháng cuối năm 2013 vẫn còn lớn. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần tích cực hơn nữa để góp phần hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ, Quốc hội đã đề ra về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2013./.
KT