Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 30/5/2018 9:56'(GMT+7)

Quyết liệt hơn để triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công

Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành

Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 13 Nghị định, 3 Quyết định quy định chi tiết, chế độ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục mua sắm, thuê, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi; quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công; sắp xếp lại, xử lý tài sản công... Bộ Tài chính ban hành 3 Thông tư để hướng dẫn thực hiện.
 

Trên cơ sở các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương cần rà soát lại các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của mình để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ cho phù hợp theo hướng chỉ ban hành những văn bản thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật và các văn bản quy định chi tiết của cấp trên; không quy định các nội dung đã được quy định ở các văn bản cấp cao hơn để tránh tình trạng cấp dưới phải chờ có hướng dẫn mới thực hiện.

Trước ngày 31/7/2018 phải ban hành quy định về phân cấp quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, địa phương

Tài sản công có phạm vi rất rộng, đa dạng, phong phú về chủng loại, mục đích sử dụng, được giao cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng. Do vậy, việc phân cấp, giao quyền hạn và trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tài sản công là hết sức cần thiết. Ngay từ năm 1998, với quy định tại Nghị định số 14/1998/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định cụ thể thẩm quyền lập dự toán kinh phí mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản, quyết định xử lý đối với tài sản nhà nước do trung ương quản lý và địa phương quản lý.

Đến Nghị định số 137/2006/NĐ-CP, Chính phủ phân định tài sản do Chính phủ quản lý và tài sản do UBND cấp tỉnh quản lý; đồng thời, giao thẩm quyền quyết định các vấn đề liên quan đến tài sản nhà nước cho các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo nguyên tắc tài sản do cấp nào quản lý, cấp đó thực hiện đ
ăng ký quyền quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quyết định: đầu tư xây dựng, mua sắm, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi hình thức sở hữu, bán, thanh lý tài sản nhà nước; quản lý các nguồn tài chính phát sinh trong quá trình quản lý, xử lý tài sản nhà nước; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, bên cạnh việc kế thừa việc phân định tài sản do trung ương quản lý, tài sản do địa phương quản lý và nguyên tắc phân định thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý tài sản nhà nước, Luật giao cho HĐND cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền trong quản lý đối với tài sản thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Thực tế triển khai thực hiện, việc phân cấp nêu trên là phù hợp, bảo đảm quyền chủ động cho các đơn vị được phân cấp trong việc quyết định các vấn đề liên quan tới tài sản; việc mua sắm, xử lý tài sản được kịp thời.


Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết thi hành tiếp tục nhất quán quy định về phân cấp trong quản lý tài sản công; đồng thời mở rộng phạm vi tài sản giao cho các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, Ban thường vụ Tỉnh ủy, HĐND cấp tỉnh phân cấp (tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân...). Việc ban hành quy định về phân cấp là tiền đề quan trọng nhất để triển khai công tác quản lý tài sản công tại các bộ, ngành, địa phương; nếu chưa ban hành quy định phân cấp mới thì từ ngày 01/01/2018, công việc sẽ dồn toàn bộ lên Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh hoặc các cấp, các đơn vị sẽ quyết định các vấn đề về tài sản không đúng thẩm quyền, rất khó khắc phục, dễ gây thất thoát, lãng phí.

Xác định tầm quan trọng của việc phân cấp tài sản, ngay từ tháng 10/2017, Bộ Tài chính đã có văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai việc xây dựng. Tuy nhiên, đến nay, mới có Bộ trưởng Bộ Tài chính, HĐND tỉnh Sơn La ban hành quy định thay thế cho quy định về phân cấp trước đây. Vì vậy, các Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh còn lại cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành trước ngày 31/7/2018 đúng yêu cầu của Chính phủ tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

Khẩn trương ban hành định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng

Tiêu chuẩn, định mức là công cụ quan trọng trong quản lý tài sản công. Đây là cơ sở để thực hiện việc lập kế hoạch, dự toán và tổ chức thực hiện đầu tư, mua sắm, thuê, sửa chữa, nâng cấp, bố trí sử dụng, xử lý tài sản công. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 giao Chính phủ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với trụ sở làm việc, xe ô tô, Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chuẩn, định mức đối với máy móc thiết bị; các Bộ quản lý chuyên ngành ban hành quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Trên cơ sở quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ chuyên ngành, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh sẽ phải cụ thể hóa định mức sử dụng tài sản chuyên dùng tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thông qua việc ban hành hoặc phân cấp thẩm quyền ban hành.

Như vậy, hầu như hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công sẽ có sự thay đổi so với các quy định trước đây. Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy định về tiêu chuẩn, định mức đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, máy móc, thiết bị. Tuy nhiên, tiến độ quy định chi tiết hướng dẫn của Bộ quản lý chuyên ngành, cũng như việc cụ thể hóa định mức diện tích công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng của các bộ, ngành, địa phương còn chậm. Qua nắm tình hình của các bộ, ngành, địa phương, đến nay mới có Bộ Tài chính và một số địa phương thực hiện phân cấp và ban hành định mức sử dụng tài sản chuyên dùng của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Riêng các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội chưa ban hành quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức diện tích công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Việc chậm ban hành định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng sẽ tác động mạnh tới công tác quản lý tài sản ở các đơn vị do không thực hiện được việc đầu tư, mua sắm, thuê, giao, điều chuyển, bán đối với tài sản công, đặc biệt là đối với các cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng tài sản thường xuyên hoặc phải giải quyết các vấn đề đột xuất, cấp bách. Vì vậy, Bộ Tài chính đã nhiều lần có văn bản đôn đốc các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương khẩn trương hoàn thành nội dung này. /.

Hằng Thu –Văn phòng Bộ Tài chính

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất