Thứ Bảy, 13/4/2013 22:18'(GMT+7)
Quyết ngăn dịch cúm A/H7N9 xâm nhập vào Hà Nội
Theo đề xuất của Sở Y tế Hà Nội, các tỉnh, thành phố cần chia sẻ thông tin, thông báo kịp thời khi phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh và bệnh nhân chuyển viện xuống tuyến Trung ương; điều tra, xử lý dịch đã triển khai; tình hình cúm gia cầm trên địa bàn; chia sẻ kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành và tham mưu cho Ủy ban Nhân dân về cơ chế, chính sách trong phòng chống dịch.
Trước nguy cơ lây nhiễm dịch cúm A/H7N9, ngày 13/4, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức hội nghị phối hợp giám sát, phòng chống dịch cúm A/H7N9 với Sở Y tế 7 tỉnh biên giới phía bắc gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên.
Đây là một trong những biện pháp đang được ngành Y tế Hà Nội triển khai "quyết liệt" nhằm ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất để ngăn chặn dịch là phải kiểm soát tốt gia cầm. Hà Nội muốn làm tốt công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 cần có sự phối hợp, hỗ trợ của các tỉnh biên giới phía Bắc cũng như các tỉnh thành trong cả nước.
Theo đề xuất của Sở Y tế Hà Nội, các tỉnh, thành phố cần chia sẻ thông tin, thông báo kịp thời khi phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh và bệnh nhân chuyển viện xuống tuyến Trung ương; điều tra, xử lý dịch đã triển khai; tình hình cúm gia cầm trên địa bàn; chia sẻ kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành và tham mưu cho Ủy ban Nhân dân về cơ chế, chính sách trong phòng chống dịch.
Chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân; đào tạo, tập huấn, nghiên cứu khoa học; tổ chức tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong phòng chống dịch cúm A/H7N9.
Các ngành chức năng Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chia sẻ thông tin với Hà Nội về dịch bệnh trên người và gia súc, gia cầm; đào tạo, tập huấn phòng chống bệnh lây từ động vật sang người; xử lý ổ dịch trên người và động vật; phối hợp trong công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe những thông tin về tình hình giết mổ, buôn bán và vận chuyển gia súc, gia cầm.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nhất trí về nguy cơ cao lây nhiễm cúm A/H7N9 cũng như sự cần thiết phải phối hợp trong công tác phòng chống dịch; cho rằng, việc kiểm soát gia cầm hiện nay rất khó khăn.
Theo các ngành chức năng, trung bình mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 800 tấn thịt gia súc, gia cầm, trong đó 25% là gia cầm. Thành phố chỉ tự túc được 60%, còn lại 40% được nhập từ các tỉnh. Đáng lưu ý, tình trạng gia cầm nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, gà Trung Quốc nhập lậu vẫn tràn vào Hà Nội, rất khó kiểm soát.
Theo ông Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, hiện nay, việc kiểm soát gia cầm xâm nhập từ đường biên giới rất khó khăn do biên giới dài, lực lượng kiểm tra lại mỏng, ngay cả tại các chợ cũng khó phân biệt được đâu là gà Trung Quốc, đâu là gà Việt Nam. Chính vì vậy cần phải tăng cường phối hợp liên ngành và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc kiểm soát gia cầm nhập lậu. Ủy ban Nhân dân xã, phường phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra buôn bán gà Trung Quốc ở địa bàn, hạn chế thấp nhất gà nhập lậu qua biên giới.
Để phòng chống dịch cúm A/H7N9, ngành Y tế Hà Nội đã thành lập 5 đội phòng chống dịch cơ động, chuẩn bị cơ số hóa chất, tập huấn cho cán bộ, nhân viên cơ sở y tế; tuyền thông và huy động sự phối hợp liên ngành, lên phương án hoạt động, ứng phó với các tình huống; các bệnh viện trên địa bàn sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm A/H7N9…/.
TTX