Thứ Hai, 14/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 26/3/2010 6:47'(GMT+7)

Ra mắt Tập đoàn công nghiệp xây dựng Việt Nam: Phấn đấu trở thành một Tập đoàn kinh tế mạnh

Ra mắt Ban lãnh đạo Tập đoàn

Ra mắt Ban lãnh đạo Tập đoàn

Được thành lập theo Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 12/ 1/2010 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở liên kết và hợp tác giữa 6 tổng công ty: Sông Đà, Lắp máy Việt Nam, Xây dựng và phát triển hạ tầng, Cổ phần Đầu tư phát triển-Xây dựng, Cổ phần Sông Hồng và Cơ khí xây dựng, Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con.

Định hướng phát triển của Tập đoàn là trở thành một Tập đoàn kinh tế mạnh, có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, đa sở hữu, đa ngành nghề, trong đó mũi nhọn là xây lắp, sản xuất công nghiệp và cơ khí chế tạo, nhằm mục đích nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn; đồng thời tạo điều kiện cần thiết thúc đẩy ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam phát triển, góp phần đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ ra mắt Tập đoàn công nghiệp xây dựng Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hồng Quân nêu ý nghĩa, sự cần thiết ra đời tập đoàn. Ông cho rằng, trong bối cảnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, thị trường Việt Nam thu hút nhiều đối tác kinh doanh nước ngoài, trong đó có nhiều tập đoàn lớn của các quốc gia có nền kinh tế phát triển, có tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt. Ông Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh, đây chính là thử thách cho các doanh nghiệp trong nước. Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cần hợp tác để xây dựng Tập đoàn kinh tế đáp ứng yêu cầu trên. Tập đoàn công nghiệp xây dựng Việt Nam ra đời đánh dấu bước phát triển mới, đột phá trên con đường phấn đấu trở thành một Tập đoàn kinh tế mạnh.

Bộ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Hồng Quân cũng đã nêu 5 nhóm giải pháp chính nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của Tập đoàn. Hiện Tập đoàn có vốn điều lệ khoảng 6.600 tỷ đồng, tổng tài sản 68.000 tỷ đồng với tổng số 90.000 cán bộ kỹ sư, công nhân viên. Theo mục tiêu chiến lược của Tập đoàn, đến năm 2015, vốn điều lệ của Tập đoàn sẽ lên đến 15.000 tỷ đồng, tổng tài sản 128.000 tỷ đồng, trở thành Tập đoàn mạnh của khu vực và năm 2020, mục tiêu đạt vốn điều lệ 25.000 tỷ đồng; tổng tài sản là 200.000 tỷ đồng, trở thành một trong những tập đoàn mạnh của thế giới.

Các thành viên của Tập đoàn Xây dựng Công nghiệp Việt Nam hầu hết được ra đời từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Nhiều công trình lớn được các đơn vị xây dựng như Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Trị An, Thủy điện Sơn La, Nhà máy ximăng Bỉm Sơn, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, các công trình hạ tầng giao thông như hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, Đèo Ngang; nhiều khô đô thị mới, hiện đại ở Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và nhiều công trình quan trọng khác…/.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất