(TG)
- Sáng ngày 12/12, tại Hà Nội, Vụ Bình Đẳng Giới thuộc Bộ Lao động
Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức
(GIZ) tổ chức hội thảo chia sẻ với các cơ quan bộ ngành, các đối tác
phát triển quốc tế và tổ chức của người khuyết tật về những phát hiện
của nghiên cứu “Rào cản giới trong tiếp cận dịch vụ với người khuyết tật”.
Phát biểu tại Hội thảo ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ Trưởng Vụ Bình Đẳng Giới (Bộ LĐTBXH) chia sẻ: Đã có nhiều nỗ lực lồng ghép giới để đảm bảo lợi ích của cả phụ nữ và nam giới trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội thông qua công tác phát triển. Tuy nhiên trong lĩnh vực hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam, đây là một chủ đề ít được đề cập.
Hội thảo chia sẻ những phát hiện của nghiên cứu để nhằm tăng cường nhận thức về những rào cản mà nam và nữ khuyết tật gặp phải trong quá trình tiếp cận các dịch vụ xã hội. Thông điệp nhằm tới tới các nhà hoạch định ra chính sách, các đơn vị tổ chức cung cấp các dịch vụ, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực người khuyết tật và các tổ chức của người khuyết tật.
Nghiên cứu của một số nước đã chỉ ra rằng phụ nữ khuyết tật thường chịu nhiều bất lợi hơn so với nam khuyết tật. Thực tế này là do nhận thức chung về vai trò của nam và nữ trong xã hội, kể cả nam và nữ khuyết tật. Những nhận thức này ảnh hưởng đến suy nghĩ của chính bản thân người khuyết tật về vai trò và khả năng của họ, và tác động đến thiết kế các chính sách, chương trình và các dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật.
Nghiên cứu đã đánh giá những rào cản giới tron đối với người khuyết tật trong lĩnh vực giáo dục và dạy nghề tạo việc làm. Nghiên cứu chỉ ra cơ sở hạ tầng trường học, thái độ kỳ thị tạo ra khó khăn cho các em gái khuyết tật trước khi đến trường, và khi học học tập ở trường. Ví dụ như học sinh nam khuyết tật thường có xu hướng kết bạn với các bạn nam không khuyết tật trong lớp, trong khi đó học sinh nữ khuyết tật thường thu mình, ít tiếp xúc với các bạn không khuyết tật khác.. Trong công tác đào tạo nghề và tạo việc làm, các cán bộ tư vấn thiếu kỹ năng tư vấn nghề cho người khuyết tật đặc biệt là tư vấn nghề cho nữ khuyết tật.
Hội thảo đã đề xuất một số khuyến nghị nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ dạy nghề, tạo việc làm đảm bảo để nam và nữ khuyết tật dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng như tuyên truyền để người khuyết tật, gia đình của họ hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tham gia học nghề đến cuộc sống hiện tại, tương lai của người khuyết tật; xây dựng danh mục nghề đào tạo phù hợp với khả năng, điều kiện của người khuyết tật cho người khuyết tật; xây dựng đội ngũ tư vấn dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật.
Trong đó, các cơ quan chức năng cũng cần tạo mối liên kết giữa trường dạy nghề và doanh nghiệp trên địa bàn để đảm bảo người khuyết tật có thể tìm được việc làm ổn định; tổ chức các sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm lưu động để người khuyết tật có cơ hội tìm kiếm việc làm, kết nối các doanh nghiệp và người khuyết tật.
Các kết quả thử nghiệm sẽ giúp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan điều chỉnh chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội cấp quốc gia; thúc đẩy hiệu quả thực hiện Chương trình cũng như nhân rộng các phương pháp tiếp cận thí điểm thành công ở các địa phương khác.
Nghiên cứu này được Dự án “Hỗ trợ An sinh Xã hội tại Việt Nam” hỗ trợ thực hiện nằm trong khuôn khổ Hợp tác Phát triển Đức-Việt do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) tài trợ./.
Vân Khánh