Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), được kỳ vọng sẽ “kích hoạt”
toàn diện nền kinh tế Việt Nam, từ đầu tư, thương mại, đến dịch vụ, từ
đó giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực.
Tuy nhiên, RCEP cũng có nhiều thách thức với Việt Nam do quy mô của hiệp định này khá rộng.
Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế
Trung ương (CIEM) khẳng định, sau khi "cân đo đong đếm" những lợi ích và
thua thiệt khi gia nhập RCEP, Việt Nam vẫn có nhiều lợi ích hơn khi
tham gia hiệp định này.
Kích hoạt nền kinh tế
Quá trình đàm phán RCEP được chính thức khởi động vào năm 2012. RCEP là
một hiệp định nhằm mục đích đạt được quan hệ đối tác kinh tế toàn diện
giữa ASEAN và 6 đối tác khu vực đã ký FTA với ASEAN (ASEAN+1) gồm Trung
Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, và Ấn Độ.
Khu vực RCEP có quy mô dân số với 3,4 tỷ người, tổng GDP khoảng 21 nghìn
tỷ USD , và chiếm khoảng 29% tổng thương mại thế giới. Hiện nay, RCEP
đa trải qua 6 vòng đàm phán, dự kiến kết thúc vào cuối 2015.
RCEP bao gồm nhiều đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam như Trung
Quốc, Nhật Bản, Australia và ASEAN. Đây là những thị trường xuất khẩu
chính của Việt Nam nên hoạt động thương mại sẽ được tăng cường và mở
rộng. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng dự kiến sẽ tăng lên
đáng kể để tận dụng cơ hội mới và các ưu đãi do RCEP đem lại.
Các FDI từ các đối tác phát triển sẽ đem lại các tác động lan tỏa tích
cực, bao gồm cả chuyển giao công nghệ và bí quyết kinh doanh và quản lý
vốn là những yếu tố rất cần thiết với Việt Nam.
Ngoài ra, việc hoàn thiện thực thi các cam kết trong RCEP sẽ giúp Việt
Nam xây dựng môi trường đầu tư cạnh tranh và minh bạch, qua đó, tạo điều
kiện thuận lợi cho cơ chế phân bổ hiệu quả các nguồn lực. Đặc biệt,
thông qua RCEP sẽ giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất
khu vực, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Chính sách vĩ mô (CIEM), RCEP
sẽ giúp Việt Nam cải thiện tiếp cận các thị trường đầu tư và xuất khẩu
của ASEAN và các đối tác (cả nước phát triển và đang phát triển) với nhu
cầu đối với hàng hóa và dịch vụ đa dạng.
RCEP giúp Việt Nam có cơ hội nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn (nhất là đầu vào
cho sản xuất như thép Trung Quốc, sản phẩm nhựa từ Hàn Quốc và Nhật Bản)
và nhập khẩu máy móc thiết bị có công nghệ hiện đại và phù hợp.
RCEP còn giúp giảm chi phí giao dịch và tạo dựng môi trường kinh doanh
thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng các quy
định đó trong khuôn khổ các FTA khác nhau của ASEAN.
Theo các chuyên gia kinh tế, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam
vẫn duy trì được khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế bất chấp
áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nước trong khu vực cũng như
các yêu cầu ngày càng chặt chẽ hơn từ các nước nhập khẩu.
Như vậy, Việt Nam đã có bước chuyển tích cực sang sản xuất và xuất khẩu
hàng hóa có hàm lượng vốn cao và đòi hỏi công nghệ ở trình độ cao hơn.
Chia sẻ kỹ hơn về vấn đề này, bà Đinh Thu Hằng, nghiên cứu viên của CIEM
cho biết, xét về lợi ích, khi gia nhập RCEP, các ngành thuỷ sản, nông
sản, công nghiệp xây dựng... sẽ được hưởng lợi lớn nhất.
Sự phát triển chuỗi cung ứng hàng nông sản có thể dẫn tới mở rộng hơn
nữa sản xuất và thương mại khu vực. Trong khi đó, tự do hóa dịch vụ
trong RCEP sẽ dẫn tới việc tăng đáng kể trong thương mại dịch vụ và đầu
tư nước ngoài của khu vực.
Như vậy, ngành dịch vụ của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Cụ
thể, Việt Nam có cơ hội lớn cho xuất khẩu trong lĩnh vực phân phối,
khách sạn và nhà hàng tới các nước RCEP đặc biệt là Nhật Bản và các nước
ASEAN. Ngoài ra, Việt Nam có thể cung cấp dịch vụ phân phối tới
Australia ,…
Quan trọng hơn, các nỗ lực tự do hóa khu vực, thuận lợi hóa thương mại
và hợp tác phát triển có thể góp phần cắt giảm hơn nữa chi phí liên kết
dịch vụ, nhờ đó giảm chi phí của thương mại hàng hóa.
Trong một báo cáo mới công bố gần đây của Ngân hàng ANZ cũng cho rằng,
Việt Nam và Thái Lan sẽ là 2 quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP.
Cụ thể, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 5 năm khi ký kết RCEP có thể
đạt gần 8%, còn Thái Lan là 13%. Riêng với FDI, RECP sẽ chiếm 85% dòng
vốn FDI toàn thế giới, đây là yếu tố quan trọng tác động tới kinh tế
Việt Nam.
Bất lợi từ tính “dễ bị tổn thương”
Mặc dù vậy, gia nhập RCEP, Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức, từ tính
dễ tổn thương và tính tương đồng trong cơ cấu thương mại với các nước
RCEP và mức độ tham gia của Việt Nam vào hoạt động thương mại dịch vụ
khá khiêm tốn.
Theo các chuyên gia kinh tế, kinh tế Việt Nam vẫn còn một số hạn chế yếu
kém. Trình độ công nghệ chưa đáp ứng yều cầu, do đó cản trở việc củng
cố vị thế ở mạng sản xuất khu vực RCEP. Trong khi đó, quy mô sản xuất
của nền kinh tế tương đối nhỏ, năng suất hạn chế. Ở khu vực dịch vụ,
chất lượng và khả năng quản trị rủi ro kém hơn nhiều so với mặt bằng
trên thị trường quốc tế.
Thương mại của Việt Nam tập trung ở một số ít đối tác, và dễ bị tổn
thương khi các thị trường này có biến động bất lợi. Bên cạnh đó, các hạn
chế đối với xúc tiến xuất khẩu dịch vụ (kể cả dịch vụ chuyên nghiệp) và
bất cập trình độ ngoại ngữ cũng làm cản trở quá trình gia nhập thị
trường RCEP hiệu quả.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Anh Dương, thương mại của Việt Nam tập trung chủ
yếu vào một số đối tác thương mại lớn cũng như số ít sản phẩm trọng
yếu, do đó dễ bị tổn thương hơn trước những thay đổi cung cầu của những
thị trường này.
Cơ cấu thương mại của Việt Nam khá tương đồng với các nước RCEP, song
chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm còn khiêm
tốn. Điều này, khi cấu trúc RCEP cho phép các nước tự do hóa thương mại
với các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam , nhất là trong bối cảnh RCEP
hội nhập một cách toàn diện thì sức ép cạnh tranh với Việt Nam sẽ gia
tăng đáng kể.
Cụ thể, Việt Nam sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh với Trung Quốc trong
việc xuất khẩu may mặc, giày dép và gạo khi xuất khẩu vào thị trường
Nhật Bản. Đặc biệt, Trung Quốc cũng là đối thủ cho Việt Nam trong việc
xuất khẩu thức ăn, thực phẩm và may mặc vào Hàn Quốc.
Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ gặp thách thức lớn trong ngành dịch vụ ngân
hàng bởi đây là một lĩnh vực mà các nước RCEP đặc biệt là Singapore,
Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia đã có trình độ phát triển cao./.
Quốc Huy (TTXVN)