Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “có ý nghĩa vô cùng to lớn. Thực hiện Cuộc vận động chính là xây dựng nền tảng đạo đức, nền tảng văn hoá, nền tảng tinh thần của xã hội. Thông qua Cuộc vận động, khơi dậy và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hình thành các giá trị đạo đức của một xã hội “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; xây dựng con người Việt Nam có nhân cách cao đẹp, bản lĩnh chính trị vững vàng, lối sống văn minh trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Thực hiện tốt Cuộc vận động, trước mắt là một giải pháp để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội mà Đại hội X của Đảng đề ra.
Hơn một năm triển khai, Cuộc vận đã và đang trở thành sinh hoạt chính trị trong toàn xã hội, được mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng học tập và làm theo, dấy lên phong trào thi đua làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ ở nhiều cơ quan, địa phương và ở mỗi người. Cuộc vận động đã thu hút những tình cảm tốt đẹp và đáp ứng lòng mong đợi của mọi tầng lớp nhân dân ở trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ý nghĩa và tầm vóc to lớn của Cuộc vận động “ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong thời gian vừa qua đã được khẳng định, nhưng so với yêu cầu của Cuộc vận động còn nhiều vấn đề cần được quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Trong bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Cuộc vận động đã nêu: “Nhìn chung, việc tuyên truyền, học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được triển khai rộng rãi, nhưng chưa thấm nhuần sâu sắc vào nhận thức, tư tưởng; chưa trở thành hành động tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức. Vì vậy, việc làm theo Bác chưa thực sự trở thành việc làm cụ thể, hàng ngày của mỗi người”. Làm theo là một trong những mục đích chủ yếu của Cuộc vận động. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác không phải là những giai đoạn tuần tự, kế tiếp mà là một quá trình quan hệ chặt chẽ với nhau. Học tập đã bao hàm làm theo và làm theo cũng chính là học. Nếu học tập chỉ để hiểu thêm thì mới chỉ dừng ở việc học mà thôi.
|
Bác Hồ cùng nhân dân tát nước chống hạn ở cánh đồng Quang Tó, xã Đại Thanh, tỉnh Hà Tây (1958) |
Trong quá trình triển khai bước một Cuộc vận động, mỗi người, mỗi đơn vị không chỉ nâng cao nhận thức mà đã xuất hiện nhiều việc làm cụ thể noi gương đạo đức Bác Hồ. Nhiều cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị đã có những chương trình hành động thiết thực trong lĩnh vực hoạt động của mình: tiết kiệm trong sản xuất kinh doanh; tiết kiệm thời gian; nhiều cán bộ lãnh đạo ngành, tổ chức, đơn vị đã có nhiều việc làm thiết thực, phát huy tác dụng tốt trong dư luận. Nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo ở trung ương và địa phương xuống tận dân để tìm hiểu, lắng nghe và giải quyết những yêu cầu bức xúc của nhân dân...được nhân dân hoan nghênh.
Tuy nhiên, không ít người, tổ chức, đơn vị mới chỉ dừng ở việc học mà chưa có hành động cụ thể; chưa xuất hiện nhiều những việc làm cụ thể, vì vậy Cuộc vận động chưa đi vào chiều sâu, làm hạn chế ý nghĩa thiết thực của Cuộc vận động. Để cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tiếp tục phát huy ý nghĩa to lớn trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới - thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, chúng tôi xin được nêu một số suy nghĩ, nhằm đưa Cuộc vận động thực sự trở thành một phong trào sôi động đạt hiệu quả cao hơn.
Trước hết, đối với mỗi người, mỗi đơn vị, cơ quan cần có chương trình hành động cụ thể, thiết thực trong đời sống thường ngày. Người ta thường nói “trăm nghe không bằng một thấy”, vì vậy, một việc làm tốt của cán bộ, đảng viên có thể bằng cả trăm lần tuyên truyền với quần chúng. Có bao việc làm bình dị và đời thường của Bác lay động cả hàng triệu con tim đã được sử sách ghi lại : đi thăm người nghèo dịp tết; cùng tăng gia sản xuất. Khi đề ra hũ gạo kháng chiến, Bác là người thực hiện đầu tiên và nghiêm túc. Bác kêu gọi giúp đỡ thương, bệnh binh thì chính người đã góp 1.000 đồng (tiền năm 1948)... Những việc làm của Bác rất gần gũi, giản dị ai cũng có thể học tập và làm theo được. Vì vậy mỗi người ở từng cương vị và môi trường làm việc cần chọn cho mình một việc làm tốt. Mỗi đơn vị, địa phương cần chọn một việc đang nổi lên mà được nhiều người quan tâm và có ảnh hưởng lớn tới đa số dân cư. Ví dụ: địa phương đang quá trình đô thị hoá thì việc giải quyết quyền lợi của nhân dân xung quanh vấn đề đất đai; cơ quan hành chính nổi lên là thủ tục hành chính... Đặc biệt là những người đứng đầu địa phương, đơn vị, các tổ chức chính trị, các ngành có vai trò quan trọng và ở một thời điểm có thể giữ vai trò quyết định trong việc thực hiện Cuộc vận động. Vì vậy, mỗi cán bộ lãnh đạo đứng đầu mỗi tổ chức, địa phương cần chọn một việc làm thiết thực theo gương Bác, có ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội. Ví dụ : trong lĩnh vực Giao thông đang xảy ra nhiều vấn đề bức xúc trong dư luận, vậy phải chăng lãnh đạo các cơ quan trong ngành giao thông, công an có thể “vi hành” để tận mắt chứng kiến những bức xúc đó để có cái nhìn thông cảm với người dân và có quyết sách đúng. Tổ chức chuyến “vi hành” phải đúng với nghĩa của nó, nếu vẫn “trống dong, cờ mở” thì không thể nắm đúng thực trạng vấn đề cần tìm hiểu. Hãy làm người dân bình thường, cùng với người dân tham gia một chuyến ô tô khách, lúc đó chúng ta mới có cơ sở đưa ra những giải pháp hữu hiệu và tính khả thi cao.
Trong tình hình kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay, toàn Đảng, toàn dân phải triệt để thực hành tiết kiệm. Đó là một chủ trương, một biện pháp hữu hiệu, quan trọng hàng đầu để đưa nước ta vượt qua những khó khăn, tiếp tục phát triển. Mỗi người, mỗi cơ quan, xí nghiệp, địa phương... cần có chương trình cụ thể thực hành tiết kiệm mà trước hết người đứng đầu phải nêu gương trước để mọi người noi theo. Đặc biệt, trong việc sử dụng tài sản công trong các cơ quan hành chính, đó là, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm xăng xe, thiết bị, máy móc...
Nếu mỗi cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương có một việc làm tốt noi theo tấm gương đạo đức của Bác thì ảnh hưởng của Cuộc vận động sẽ tác động đến toàn bộ đời sống xã hội của đất nước.
Thứ hai, cần thường xuyên, liên tục thông tin những gương người tốt, việc tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo ra môi trường xã hội lành mạnh. Thực tiễn trong các cuộc kháng chiến, mặc dù có vô vàn khó khăn, đối mặt với hiểm nguy trực tiếp tới cái sống và chết của con người, nhưng nhân dân ta trẻ cũng như già, quyết tâm nghe theo lời gọi của Đảng, của Tổ quốc hiến dâng toàn bộ sức người sức của cho cuộc kháng chiến. Đặc biệt là hàng triệu thanh niên xung phong ra trận mặc dù họ biết trước, ra đi chưa biết ngày về. Điều này có được là nhờ vào công tác tuyên truyền, mà báo chí đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Thời kỳ đó, hàng ngày, hàng giờ trên các phương tiện thông tin đại chúng đều đưa những thông tin tích cực khích lệ hàng triệu con tim trong sản xuất và chiến đấu mặc dù ở nơi này nơi khác không phải không có nhiều vấn đề tiêu cực. Đó là một bài học quý báu của chúng ta. Vì vậy, ngày nay công tác tuyên truyền nói chung mà đặc biệt là Báo chí cần phải góp phần tạo ra môi trường xã hội lành mạnh để lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực hướng tới một xã hội tốt đẹp “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Mỗi tờ báo, mỗi tổng biên tập và cán bộ phóng viên, biên tập viên cần thấm nhuần những lời dạy của Bác với công tác báo chí nói chung và các nhà báo nói riêng. Và chính việc làm đó phản ánh trung thực việc thực hiện Cuộc vận động này ở mỗi cơ quan báo chí.
Bác Hồ đã nói “Mỗi người là một bông hoa đẹp, cả dân tộc là một vườn hoa đẹp” sẽ tạo động lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ X đề ra.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là Cuộc vận động lớn được nhân dân đón nhận trong sự kính trọng, yêu quý Bác vô hạn. Song để thực hiện thành công Cuộc vận động đòi hỏi từ cán bộ lãnh đạo cao nhất đến mỗi người dân cần phải có những việc làm cụ thể, thiết thực đáp ứng với đòi hỏi của đời sống xã hội mà trước hết là những tấm gương làm theo của những cán bộ lãnh đạo các cơ quan trung ương và địa phương. Mặt khác công tác tuyên truyền nói chung và công tác báo chí nói riêng cần phục vụ đắc lực hơn nữa, tạo ra một động lực mới cho Cuộc vận động lan toả và có chiều sâu, đạt hiệu quả cao cả về tư tưởng, chính trị cả về kinh tế, xã hội văn hoá. Đó cũng chính là góp phần thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh mà Đại hội X của Đảng đề ra./.
Thanh Tùng