Khi nghe tin một lần nữa đơn kiện của các nạn nhân này không được chấp nhận, anh lại tiếp tục sát cánh cùng các nạn nhân chất độc da cam trong cuộc hành trình tìm công lý.
Làm sao để họ đỡ khổ hơn
Đó là nỗi niềm của Trần Phong Phú khi nhìn thấy cuộc sống của những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Công chúng yêu nhạc Trịnh ở Việt Nam biết đến một “ông Tây hát nhạc Trịnh” này đã lâu. Nhưng ý tưởng dùng nhạc Trịnh để làm từ thiện, quyên góp cho người nhiễm chất độc da cam thì chỉ mới xuất hiện.
Cách đây không lâu, tình cờ xem được những tấm ảnh về các nạn nhân da cam, anh không khỏi bàng hoàng. Anh tâm sự: “Khi nhìn thấy những tấm ảnh của các em bị nhiễm chất độc da cam, tôi không biết nói gì hơn, chỉ biết hát để chia sẻ nỗi đau mà mọi người đang gánh chịu. Nhiều hình ảnh như thế cứ ám ảnh tôi, phải làm gì để cuộc sống của họ đỡ khổ hơn”.
Chính vì vậy vào mùa thu năm ngoái, trong chuyến đi châu Âu, anh đã tổ chức những đêm nhạc từ thiện, ôm đàn guitar hát “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì em có biết không, để gió cuốn đi…”. Trong tháng 4 tới, Trần Phong Phú sẽ ra Hà Nội cùng với ca sĩ Thủy Tiên và nghệ sĩ guitar Thế Vinh tổ chức những đêm nhạc Trịnh Công Sơn nhằm tiếp tục quyên góp tiền cho nạn nhân chất độc da cam. Sau đó anh sẽ khăn gói sang châu Âu và đi bất cứ nơi nào có thể hát để tiếp tục công việc từ thiện của mình.
Vào năm 1969 anh đã sang Việt Nam giúp đồng bào các tỉnh miền Trung và miền Nam chăm sóc, cải tạo giống lúa. Năm 1971, Trần Phong Phú lại về Mỹ tham gia phong trào phản chiến đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Trong thời gian ấy anh có dịp tiếp xúc với những bài hát về chiến tranh của nhạc sĩ họ Trịnh. Thông qua chiếc cầu âm nhạc, họ đã trở thành bạn bè.
Anh tâm sự: “Có thể nói giữa tôi và anh Sơn cùng chung một quan điểm phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Từ những nỗi đau của con người trong chiến tranh, anh Sơn đã viết thành nhạc. Lúc đầu yêu giai điệu mà tôi bập bẹ hát, rồi đam mê học tiếng Việt để cảm nhận ca từ và tôi hát bằng những ký ức mà tôi đã đi qua cuộc chiến tại Việt Nam. đã đến lúc cần phải làm điều ý nghĩa dành cho những nạn nhân là di chứng của chiến tranh. Họ đang sống trong thời bình nhưng với gương mặt và thể trạng của một thứ hóa chất phi nhân đạo”.
Hát cho hòa bình
Một trong những dự án tâm huyết mà Trần Phong Phú đang thực hiện là dịch các bài hát của Trịnh Công Sơn ra tiếng Anh để hát cho những sinh viên trường đại học tại Mỹ. Anh cho rằng phải để các thế hệ sau biết được những nỗi đau mà Việt Nam vẫn còn phải gánh chịu dù cuộc chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ. Đó là những ca khúc viết về chiến tranh và hòa bình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Dù sống tại Việt Nam đã lâu, nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ ,nhưng việc dịch các bài hát của Trịnh Công Sơn vẫn còn nhiều khó khăn. Vì khi Trịnh Công Sơn còn sống, ông ít khi giải thích ca từ của mình cho anh nghe. Đến khi nhạc sĩ ra đi, ngẫm lại lời bàt hát thì có đến ba, bốn lớp nghĩa. Mà nếu dịch sang tiếng Anh thì chỉ được chọn một lớp nghĩa mà thôi.
Mang một niềm hy vọng đến với các bạn trẻ ở Mỹ, anh tin rằng những bài hát của Trịnh Công Sơn nếu hát bằng cả tấm lòng thì sẽ lay động được trái tim của họ. Bất chợt Trần Phong Phú ngồi trầm ngâm, nhớ lại lời bài hát của Trịnh Công Sơn và ngân nga: Người con gái Việt Nam da vàng, yêu quê hương như yêu đồng lúa chín…. Và chính người Mỹ với tâm hồn thuần Việt ấy đã yêu nơi này đến vô ngần, bởi từ Trịnh Công Sơn và các bài hát của người nhạc sĩ tài hoa, anh hiểu được một người yêu nước mình, đau xót cho thân phận của đồng bào trong chiến tranh, kêu gọi hòa bình như thế nào.
Trần Phong Phú bảo rằng: “Tôi chỉ là chiếc gương để phản chiếu những gì mình từng mắt thấy, tai nghe và trải nghiệm cùng những nỗi đau của nạn nhân chiến tranh. Nếu không yêu thương nhau thì chết chóc nhiều lắm. Hãy hát và hy vọng và hãy dám mơ ước về một thế giới hòa bình”.
Với mong muốn đó, trong tương lai Trần Phong Phú cho biết anh sẽ liên hệ cùng các tổ chức vì nạn nhân chất độc da cam để thực hiện nhiều chương trình gây quỹ từ thiện. Anh luôn muốn “gõ cửa” để thức tỉnh mọi người!.
Theo Dung Thuỳ- SGGP Online