Thứ Sáu, 11/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 14/3/2009 10:6'(GMT+7)

Rực rỡ sắc màu văn hóa Điện Biên

Tiết mục Âm vang Điện Biên

Tiết mục Âm vang Điện Biên

Lần này lên Điện Biên đúng vào dịp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tưng bừng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao chào mừng các sự kiện lớn của tỉnh năm 2009, tâm trạng chúng tôi cũng náo nức, phấn chấn như những người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này.

Thành phố Điện Biên Phủ về đêm sáng rực ánh đèn. 19 giờ, hàng ngàn người dân nườm nượp đổ về quảng trường thành phố tham dự Lễ khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch Điện Biên năm 2009. Sự kiện này diễn ra đúng vào thời điểm cách đây 55 năm, ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công địch ở đồi Him Lam, mở màn cuộc tiến công chiến lược đánh tan quân xâm lược Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ. Không những thế, việc tổ chức Tuần Văn hóa-Du lịch cũng là vạch “xuất phát” trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 100 năm ngày thành lập tỉnh Điện Biên và 60 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Điện Biên, vì thế thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân cũng là điều dễ hiểu.

Dưới ánh đèn rực rỡ sắc màu và tiếng nhạc khi dìu dặt, du dương, lúc sôi nổi, hào hùng, gần 500 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng của địa phương đã biểu diễn chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Sáng mãi Điện Biên”. Phần 1 với tựa đề “Huyền thoại Điện Biên”, tái hiện lịch sử oai hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”. Phần 2 với tựa đề “Điện Biên, tiềm năng phát triển và hội nhập”, khắc họa hình ảnh Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh quyết tâm vượt khó, chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Phần 3 với tựa đề “Bừng sáng Điện Biên” khắc họa một hình ảnh Điện Biên năng động, sáng tạo trên đường đổi mới, phấn đấu trở thành một điểm sáng trên vùng biên cương Tây Bắc thân yêu của Tổ quốc.

Những làn điệu dân ca ngọt ngào, những lễ hội độc đáo của dân tộc Khơ Mú, Hà Nhì hay thiên tình sử “Xống trụ xon xao” của dân tộc Thái, trường ca “Tiếng hát làm dâu” của dân tộc Mông... được giới thiệu, tôn vinh tại buổi lễ khai mạc. Đặc biệt, các chàng trai, thiếu nữ sơn cước trong các bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu đã làm “say lòng” du khách với các bài ca, điệu múa như “Âm vang Điện Biên”, “Tuần Giáo quê tôi”, “Mường Chà quê em”, “Điện Biên thành phố Hoa Ban”, “Ngày hội Khơ Mú”, “Lời yêu gửi Noọng”, “Sắc màu non xanh”, “Mường Ẳng chào ngày mới”, “Hội xuân quê hương”, “Inh lả ơi”, “Điệu xòe thương nhau”... Những tiết mục hát đối trao duyên “Hội hạn khuống”, “Xên bản, xên mường”, “Kin pang Then”, “Xe pang ả”, “Tổ cải”... ngân vang rộn rã, tưng bừng trong tiếng chiêng, tiếng trống hòa quyện với những điệu sạp, điệu xòe hoa đã làm nên một “bản sắc văn hóa Tây Bắc” đầy tính nhân văn cao đẹp.

Để có một chương trình “đậm đà” và ấn tượng như thế có sự tham gia đông đảo của các diễn viên “chân chỉ, hạt bột” ở các huyện, thành phố trong tỉnh. Mặc bộ trang phục dân tộc Thái rất duyên dáng và xinh đẹp, chị Quàng Thị Thanh, 32 tuổi, ở bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ tâm sự với chúng tôi: “Hằng ngày chúng em phải “gác lại” việc đồng áng, gia đình để đạp xe gần 10 cây số lên thành phố luyện tập. Tuy vất vả song chúng em thật vui vẻ vì đã được biểu diễn những bài ca, điệu múa của dân tộc mình để giúp mọi người hiểu biết thêm truyền thống văn hóa-nghệ thuật của đồng bào dân tộc Thái”.

Tiết mục Sắc màu non xanh

Vượt qua quãng đường rừng núi hơn một trăm ki-lô-mét rất gian nan, nhưng 12 cô gái dân tộc Hà Nhì ở bản A Pa Chải, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) tuy còn bẽn lẽn, e thẹn khi giao tiếp, trò chuyện với chúng tôi, song gương mặt ai cũng ngời lên niềm phấn khởi bởi lần đầu tiên được ra thành phố Điện Biên Phủ tham gia biểu diễn văn nghệ cho hàng ngàn người xem. Bộ trang phục màu đỏ lộng lẫy càng làm cho khuôn mặt trắng trẻo, ngây thơ của cô gái Khoàng Pố Nhú đẹp như ánh trăng rằm. Nhú bộc bạch: “Trước khi biểu diễn, các cô chú lãnh đạo địa phương bảo tối nay chương trình lễ khai mạc được truyền hình trực tiếp cho cả nước biết, nên chúng em luôn tập trung để thể hiện điệu múa của dân tộc Hà Nhì thật nhuần nhuyễn. Nửa tháng tham gia luyện tập ở đây, em có cơ hội được giao lưu với các bạn ở dân tộc khác, biết được nhiều điều mới, thú vị lắm anh ạ. Khi về bản, em nhất định sẽ kể lại những kỷ niệm trong đợt tham gia tuần văn hóa-du lịch ở thành phố cho gia đình, người thân và bạn bè em nghe”.

Điện Biên nằm ở vùng ngã ba biên giới Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Không chỉ có lợi thế là một địa danh với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Điện Biên còn có nhiều tiềm năng du lịch hấp dẫn và bản sắc văn hóa độc đáo của 21 dân tộc anh em. Cùng với các hoạt động trong Tuần Văn hóa-Du lịch, tỉnh đồng thời tổ chức “Ngày hội Văn hóa-Thể thao-Du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ nhất” với sự tham gia của 21 đoàn của các huyện, thành phố trong tỉnh và 4 đoàn của hai nước bạn Lào, Trung Quốc đến giao lưu, biểu diễn nghệ thuật.

Đến Điện Biên vào những ngày này, chúng tôi được cùng nắm tay đồng bào các dân tộc nhảy điệu sạp truyền thống, được múa điệu xòe hoa đoàn kết, được thưởng thức hương vị rượu cần nồng say. Và điều làm chúng tôi “say hơn” chính là những ánh mắt dịu dàng, những nụ cười thân thiện, những lời nói mộc mạc, chân chất của người dân nơi đây, rồi cả những ánh nhìn e ấp của những thiếu nữ miền sơn cước trên quê hương Điện Biên giàu bản sắc văn hóa và truyền thống anh hùng.

DT- theo VĂN HẢI, XUÂN GỤ (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất