"Tết làng tôi" - chương trình đón Xuân Ất Mùi do Hội người Việt Nam tại
Pháp (UGVF) tổ chức - đã thực sự là ngày hội của cộng đồng người Việt
Nam tại Pháp với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đa dạng và phong
phú được tổ chức kéo dài từ chiều đến tận tối khuya ngày 28/2 tại thành
phố Nogent-sur-Marne, ngoại ô Paris.
Các hoạt động sôi động trong chương trình
"Tết làng tôi" như múa lân, lễ cầu an và phát lộc, chương trình văn
nghệ, chợ Tết với các món ăn mang đậm hương vị Việt, các trò chơi truyền
thống... đã mang đến bầu không khí lễ hội vui tươi, phấn khởi cho cộng
đồng người Việt Nam tại Pháp.
Hơn 1.000 kiều bào thuộc đủ mọi lứa tuổi, đến từ nhiều vùng miền khác
nhau trên toàn nước Pháp, đã hội tụ về đây trong dịp Tết cổ truyền của
dân tộc.
Tiết mục múa lân trên nền trống hội mở đầu chương trình đã gây ấn tượng đối với kiều bào và bạn bè Pháp có mặt tại buổi lễ.
Lễ cầu an phát lộc cũng đã mang đến những cảm xúc sâu lắng về bản sắc
văn hóa Việt khi các thế hệ con cháu Lạc Hồng dù ở cách xa quê hương
ngàn dặm, vẫn gìn giữ phong tục tập quán của cha ông, thành kính thắp
nén hương tưởng nhớ tới tổ tiên, cầu chúc cho cha mẹ và gia đình an
khang, thịnh vượng mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Chương trình văn nghệ kéo dài hơn 2 giờ thực sự là điểm nhấn của ngày
hội với các tiết mục đặc sắc ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình
yêu đôi lứa, tình cảm hướng về cội nguồn.
Các làn điệu dân ca như hát cải lương, hát quan họ, các tiết mục múa
quạt, múa dân tộc Cơ Tu, hay võ cổ truyền do các nghệ sỹ, diễn viên
không chuyên thuộc cộng đồng người Việt Nam tại Pháp trình diễn đã cho
thấy nỗ lực và tâm huyết của cộng đồng trong việc khắc phục các khó khăn
trong cuộc sống thường nhật nhằm chăm lo giữ gìn bản sắc văn hóa dân
tộc, duy trì và truyền dạy bản sắc đó cho các thế hệ trẻ.
Múa dân tộc Cơ-tu do các diễn viên nghiệp dư thuộc Hội người Việt Nam tại Pháp trình diễn. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)
Chương trình còn cuốn hút người xem bởi phần biểu diễn của các nghệ sỹ
chuyên nghiệp từ trong nước sang phục vụ kiều bào tại Pháp nhân dịp Tết
cổ truyền như nghệ sỹ ưu tú Ánh Tuyết và nghệ sỹ piano Tuấn Mạnh thuộc
Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Ban nhạc Hát xẩm Hà thành.
Giáo sư Hoàng Chương, người phụ trách hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Bài
chòi - loại hình nghệ thuật đặc sắc của vùng đất Nam Trung bộ - là di
sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã trình diễn bài chòi "Ông Xã,
bà Đội." Tiết mục đã mang lại tiếng cười sảng khoái cho khán giả do giáo
sư Hoàng Chương đã thể hiện một cách tài tình bài chòi cổ khi một mình
đóng cả hai vai diễn viên nam, nữ trong vở tấu hài ngắn.
Tiếp sau chương trình văn nghệ, kiều bào và bạn bè quốc tế đã thưởng
thức các món ăn không thể thiếu trong dịp Tết như bánh chưng, nem rán,
nem cuốn, nộm...
Thưởng thức các món ăn truyền thống của Việt Nam. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)
Phát biểu nhân dịp này, ông Nguyễn Kim Hùng, Tổng Thư ký UGVF đã chúc
toàn thể cộng đồng người Việt Nam tại Pháp và bạn bè quốc tế một năm mới
tràn đầy sức khỏe, hạnh phúc, thành công và thịnh vượng.
Ông Đặng Ngọc Chấn, thành viên Ban Thường trực UGVF, phụ trách công tác
đối ngoại thì bày tỏ mong muốn của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp
được sống trong hòa bình. Ông cũng nhắc lại những thành tựu quan trọng
đã làm nên thành công của Năm Việt Nam tại Pháp 2014, góp phần thắt chặt
quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong đó có đóng góp
to lớn của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp.
Ông Đặng Ngọc Chấn tin tưởng rằng quan hệ song phương tiếp tục được tăng
cường với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp François Hollande
trong năm 2015. Nhân dịp này, ông cũng bày tỏ sự biết ơn đối với các ngư
dân ngày đêm bám biển và các chiến sỹ luôn sẵn sàng bảo vệ sự toàn vẹn
lãnh thổ trong mọi tình huống.
Lễ hội "Tết làng tôi" đã được hơn 600 tình nguyện viên chuẩn bị một các
công phu, tỉ mỉ từ nhiều tháng với rất nhiều công đoạn như tập văn nghệ,
trang trí hội trường và sân khấu, sắp đặt âm thanh và ánh sáng, chuẩn
bị các món ăn truyền thống...
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, bạn Nguyễn Minh Thanh, Phó Chủ
tịch Chi hội sinh viên Việt Nam tại Paris, sinh viên trường Đại học
Paris10-Nanterre cho biết các bạn sinh viên đã rất hào hứng và nhiệt
tình tham gia chuẩn bị cho sự kiện quan trọng và ý nghĩa này.
Tổng cộng 102 bạn đã tham gia công tác chuẩn bị và tổ chức ở tất cả các
khâu. Tất cả đều cảm thấy tự hào và may mắn vì đây là dịp để họ được
sống trong không khí ấm áp của ngày Tết sau nhiều năm du học sống xa gia
đình, được gặp gỡ và giao lưu.
Đồng thời đây cũng là dịp giúp các bạn trẻ tìm hiểu thêm về phong tục
tập quán của dân tộc và nhận thức được tầm quan trọng phải giữ gìn bản
sắc đó./.
Bích Hà (Vietnam+)