Thứ Hai, 25/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 8/7/2009 21:10'(GMT+7)

Sa Huỳnh- 100 năm phát hiện và nghiên cứu

Sức lan toả của văn hoá Sa Huỳnh

Kể từ khi phát hiện đầu tiên tại đầm muối Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) của M.Vinet (1909)- một nhân viên thuế quan người Pháp ở Quảng Ngãi, đến nay, văn hoá Sa Huỳnh đã có lịch sử phát hiện và nghiên cứu tròn một thế kỷ. Ngay tại thời điểm này, những phát hiện mới có liên quan đến nền văn hoá Sa Huỳnh vẫn tiếp tục được công bố. Điều này khẳng định sự phong phú và hấp dẫn của nền văn hoá này.

Văn hoá Sa Huỳnh là một nền văn hoá thuộc thời đại đồ sắt sớm, cách ngày nay khoảng 2.000 đến 2.500 năm, có nguồn gốc bản địa, với địa bàn phân bố rộng, tập trung chủ yếu ở Miền Nam, có mối giao lưu với các nền văn hoá đồng thời nổi tiếng ở Việt Nam và Đông Nam Á. Tiến sĩ Phạm Quốc Quân- Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh:

"Văn hoá Sa Huỳnh là một trong 3 đỉnh cao của văn hoá thời tiền cổ là: văn hoá Đông Sơn ở ngoài Bắc, văn hoá Sa Huỳnh ở miền Trung và văn hoá Oóc Eo ở đồng bằng Nam Bộ. Giá trị cơ bản của nền văn hoá Sa Huỳnh là một giai đoạn phát triển đến đỉnh cao của thời đại đồng và sắt sớm ở VN. Đông Sơn là nhân lõi tạo nên nhà nước Văn Lang và Âu Lạc, Sa Huỳnh là sự bắt đầu cho Nhà nước để chuẩn bị cho Nhà nước Chăm Pa ở miền Trung và Oóc Eo là sự phát triển cho nhà nước Phù Nam. Thông qua những bộ di vật đã tìm thấy, các nhà nghiên cứu thấy rằng: ba nền văn minh này có mối giao thoa với nhau về văn hoá. Điều đó nó chứng tỏ rằng ngay từ thời đầu, văn hoá VN đã có sự đa dạng, nhưng đồng thời có sự thống nhất trong đa dạng".

Đặc trưng nổi trội nhất của Văn hoá Sa Huỳnh sơ kỳ thời đại sắt là mộ táng. Mộ táng được chôn thành từng cụm, thường ở cồn cao ven biển ven sông. Mộ táng là đặc trưng điển hình về mặt di tích của Văn hoá Sa Huỳnh. Có ba loại hình mộ táng: mộ chum, mộ nồi chôn úp nhau và mộ đất, trong đó mộ chum chiếm số lượng lớn nhất và đặc trưng nhất. Kích thước chum khá đa dạng, chum lớn nhất có chiều cao tới 1,8m, đường kính 1m, đa phần cao dưới 1m, đường kính 50 - 60 cm. Có những bãi mộ có hàng trăm chiếc như ở Thạch Đức, Phú Khương, Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, kỷ lục có lẽ là ở di tích Cồn Ràng (Thừa Thiên Huế) đã phát hiện 207 mộ chum và 6 mộ đất trên diện tích khai quật 2200 m2.

Các di vật của Văn hoá Sa Huỳnh phần lớn là đồ tuỳ táng được chôn theo các ngôi mộ trong các di tích Sa Huỳnh, trong đó có đồ gốm, đồ đồng và sắt. Với đồ gốm, cư dân Sa Huỳnh đã sử dụng rất thuần thục các kỹ thuật chế tác trong suốt qui trình sản xuất gốm từ tạo dáng, tạo hoa văn cho đến nung gốm. Theo nhiều kết quả nghiên cứu và kết quả thực nghiệm xác định nhiệt độ trung bình để nung gốm Sa Huỳnh trong khoảng 6.000C đến dưới 9.000 độ C. Gốm Sa Huỳnh đóng vai trò chủ đạo trong đời sống sinh hoạt với sự đa dạng về kiểu dáng và hoạ tiết trang trí. Gốm Sa Huỳnh là kết tinh của quá trình lao động, tìm tòi của các cư dân bản địa, là sản phẩm tạo hình đầy mỹ quan và sáng tạo và chính đồ gốm Sa Huỳnh tạo nên bản sắc riêng cho nền văn hoá nổi tiếng này. Đồ trang sức trong Văn hoá Sa Huỳnh khá đa dạng về chất liệu và loại hình. Loại hình trang sức Sa Huỳnh chủ yếu có: hạt chuỗi, khuyên tai, vòng đeo tay với chất liệu chủ yếu là đá, thuỷ tinh, số ít là kim loại quí.

Qua đặc trưng về sự phân bố, di tích, di vật của Văn hoá Sa Huỳnh chúng ta có thể thấy được sự đa dạng trong phương thức khai thác kinh tế của cư dân Văn hoá Sa Huỳnh. Kinh tế nông nghiệp của cư dân Sa Huỳnh khá đa dạng trên nhiều loại địa hình với nhiều hình thức canh tác trên ruộng nước, nương rẫy với các loại lúa, rau củ, hoa màu khác nhau kết hợp với khai thác thuỷ, hải sản và chăn nuôi. Các nghề thủ công như làm gốm, nghề luyện kim, nghề chế tác đồ trang sức bằng đá và thuỷ tinh... nhiều khả năng đã tách khỏi nông nghiệp và đạt tới trình độ cao trong khu vực. Đặc biệt nghề khai thác lâm, hải sản với những đặc sản nổi tiếng ở miền Trung như trầm hương, ngọc trai... đã tạo được nguồn sản phẩm dồi dào để trao đổi, buôn bán với các tầu buôn nước ngoài trên con đường buôn bán lớn trên biển nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trong nhiều thế kỷ trước sau công nguyên.

Cần có một bảo tàng văn hoá Sa Huỳnh

Sa Huỳnh - một nền văn hoá nổi tiếng, phân bố trên một không gian rộng lớn với lịch sử nghiên cứu đến nay tròn 100 năm. Từ đó đến nay, nhiều cuộc khai quật qui mô, nhiều công trình nghiên cứu nghiêm túc được tiến hành nhằm tiếp cận, khai thác các vấn đề liên quan như nguồn gốc, niên đại, các giai đoạn phát triển, mối quan hệ văn hoá… Và càng ngày, khối tư liệu về văn hoá Sa Huỳnh càng được bổ sung liên tục hơn, những nghiên cứu cũng sâu rộng hơn, mang lại nhiều nhiều nhận thức mới hơn về văn hoá này.

Phó Giáo sư- Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung- Giám đốc Bảo tàng Nhân học (Trường Đại học Khoa học- Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội) cho biết: "Về không gian phân bố thì trước đây các mộ táng người Pháp tìm được chủ yếu tập trung ở những vùng ven biển Quảng Ngãi, Bình Thuận. Hiện nay thì tất cả các địa hình khác nhau về rừng núi, lưu vực sông, đảo ven bờ ở miền Trung VN, đặc biệt từ Thừa Thiên- Huế đổ vào cho đến Bình Thuận, chúng ta đã phát hiện được nhiều hiện vật có ý nghĩa.

Từ những không gian này, chúng ta có thể xác định được có nhiều loại địa phương khác nhau trong một nền văn hoá và những yếu tố môi trường sinh thái cũng có những vai trò rất lớn trong việc định hình trong việc xác định đặc trưng của nền văn hoá. Ví dụ đặc trưng vùng biển, vùng đồi núi có những nét riêng, và có mối giao lưu giữa vùng biển và vùng núi trong văn hoá gia đình.

Chúng ta có thể khẳng định cư dân văn hoá Sa Huỳnh sống trên đất liền và họ đã có những cách thức quan tâm rất lớn đến cách thức mai táng với cư trú. Và sự cư trú của dân cư Sa Huỳnh luôn luôn nằm liền kề với khu vực nghĩa địa. Trong so sánh của chúng tôi thì chúng tôi thấy có lẽ đây là những khu mộ mang tính dòng họ, giống như cái làng của người Việt sau này, các khu mộ được qui hoạch theo kiểu dòng họ và qui hoạch tốt".

Cho đến nay, ngót 80 di tích thuộc Văn hoá Sa Huỳnh đã được phát hiện. Hàng chục địa điểm đã được nghiên cứu khai quật. Ít nhất 3 cuộc hội thảo quốc gia về Văn hoá Sa Huỳnh đã được tổ chức vào các năm 1981, 1995 và 1999 tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Hội An. Từ ngày 20 đến 24/7 tới, tại tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội thảo quốc tế mang tên “100 năm phát hiện, nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh”.

Phòng trưng bày Sa Huỳnh- 100 năm phát hiện và nghiên cứu vừa khai mạc sáng 8/7 tại Hà Nội do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Nhân học (trường Đại học Khoa học- Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức mới chỉ giới thiệu một phần nhỏ số hiện vật đã khai quật được về văn hoá Sa Huỳnh. Theo Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, đã đến lúc cần xây dựng tại Quảng Ngãi một bảo tàng về văn hoá Sa Huỳnh. Thông qua những bộ di vật đặc sắc và hấp dẫn của những giai đoạn phát triển trước Sa Huỳnh, hậu Sa Huỳnh, tiền Chăm Pa, giới thiệu một cách khá toàn diện về đời sống vật chất, tinh thần, hoạt động kinh tế, cơ tầng xã hội, sự phát triển nội tại, sự tiếp thu ảnh hưởng bên ngoài của nền văn hoá này với thế giới. Cũng như vậy, ở Thanh Hoá cần có một Bảo tàng Đông Sơn, cũng như xây dựng một Bảo tàng óc Eo ở Đồng bằng sông Cửu Long. Những bảo tàng này góp phần khẳng định Việt Nam là một quốc gia có nền văn minh lâu đời của Châu Á và Đông Nam Á./.

Mai Hồng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất