Nếu như cách đây khoảng hơn mười năm, cụm từ "sách điện tử" còn mới mẻ với người đọc, thì hiện tại, sách điện tử đã chiếm một thị phần lớn trong xuất bản. Công nghệ phát triển nhanh chóng, sự ra đời và cập nhật tính năng hiện đại liên tục của các thiết bị điện tử cá nhân như Iphone, Ipad, Kindle... đã khiến cho có vẻ như việc đọc sách theo cách truyền thống trên bản in sẽ trở nên lỗi thời trong tương lai gần ?!...
Xu thế tất yếu
Trong khoảng 10 năm qua, việc đọc sách qua in-tơ-nét nhanh chóng phổ biến ở các nước trên thế giới. Chưa kể số lượng sách được tải về miễn phí, chỉ mới điểm qua doanh số giao dịch qua mạng thì cán cân thị phần xuất bản đã có phần nghiêng về sách điện tử. Theo một số liệu báo cáo mà ngành xuất bản thống kê dựa theo tài liệu từ 12 nhà xuất bản chính của Mỹ, doanh số sách điện tử quý I/2009 của nước này là 53,5 triệu USD, đến quý I/2010 đã là 165 triệu USD, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước. Ở Hàn Quốc, năm 2010, doanh số sách điện tử đạt 197,5 triệu USD, năm 2011 đạt 289,1 triệu USD. Dự kiến đến năm 2013 đạt 583,8 triệu USD, tức gấp ba lần 2010. Một thống kê khác của hãng bán lẻ trực tuyến Amazon cho thấy, vào tháng 7-2010, cứ 100 cuốn sách in bán ra thì có 143 cuốn sách điện tử bán ra tương ứng. Song song đó, lượng thiết bị đọc sách điện tử bán ra trên phạm vi toàn cầu trong năm 2010 đã tăng 79,8% so với năm 2009, đánh dấu một bước đột phá mới của sách điện tử so với sách giấy truyền thống.
Ở Việt Nam, thực tiễn phát triển của sách điện tử cũng đang có những thay đổi quan trọng. Có thể nói, thị trường thương mại điện tử gồm phân phối trực tuyến và sách điện tử đã bắt đầu hình thành cách đây khoảng gần chục năm, và đang mở ra triển vọng mới cho ngành xuất bản. Dự báo của các nhà chuyên môn, trong vòng năm đến 10 năm tới, sách điện tử sẽ chiếm thị phần đáng kể trong xuất bản. Các đơn vị phát hành sách trực tuyến như Vinabook.com, Công ty Lạc Việt, Công ty Vinapo... đã bắt đầu giới thiệu hệ thống phân phối sách điện tử phục vụ rộng rãi bạn đọc. Qua đó, có nhiều hợp đồng phân phối độc quyền sách điện tử của các tác giả đã được ký kết.
Hai mặt của sự phát triển
Về sách xuất bản trên in-tơ-nét ở Việt Nam, có thể tạm thời chia thành hai loại. Thứ nhất, do tác giả hoặc đơn vị tự công bố tác phẩm qua các trang cá nhân hoặc mạng xã hội. Thứ hai, các đơn vị làm sách hoặc các tổ chức phát hành qua mạng những cuốn sách đã được in qua hình thức ấn bản điện tử. Ở dạng thứ nhất, xuất bản điện tử có rất nhiều lợi thế. Các tác giả sẽ không phải lo lắng về khâu kiểm duyệt và biên tập, không phải tốn chi phí xuất bản và số lượng in ấn. Ðể quảng bá tác phẩm cũng như tên tuổi của mình, thì việc công bố (từng phần hoặc trọn vẹn) tác phẩm trên mạng là một cách nhanh nhất để tiếp cận bạn đọc. Ðối với độc giả, họ có thể tự do đọc những cuốn sách mà có thể nếu qua kiểm duyệt thì không bao giờ có cơ hội. Một điều quan trọng, việc đọc ở đây hoàn toàn miễn phí.
Thực tế thời gian qua, không cần phải mất công in ấn, kiểm duyệt, nhiều tác phẩm đã trở nên "nổi đình nổi đám" nhờ công nghệ điện tử này. Những cơn sốt đã được tạo nên bởi những cái tên như Trang Hạ, Cấn Vân Khánh, Trần Thu Trang, Hà Kin... có thời gian, người đọc mạng hồi hộp chờ đợi, trong khi tác giả viết đến đâu công bố đến đấy, thậm chí đôi lúc cảm giác họ vừa viết vừa tung lên mạng vừa biên tập, điều chỉnh tác phẩm của mình. Và khi đã tạo nên được một lượng "fan" nhất định, những tác phẩm rất dễ dàng bước từ mạng ra thị trường in ấn. Thực tế, đã có những tác phẩm đạt doanh số bản in khổng lồ khi nhờ đã có một lượng bạn đọc ổn định qua mạng.
Ở dạng thứ hai, lợi thế sẽ thuộc về các nhà phát hành. Vì số lượng phát hành bản in có thể sẽ được bù đắp, khi một phần rất lớn các ấn bản điện tử được tới tay người đọc mà không hề tốn phí thuê gian hàng, vận chuyển.
Bất cập quản lý
Ðối với việc các tác giả tự công bố tác phẩm của mình qua mạng, thì việc xuất bản được tiến hành theo quy trình ngược: tức là đã đến với bạn đọc trước khi xin giấy phép in ấn và phát hành. Chính vì thế, đây cũng là vấn đề đau đầu với các cơ quan quản lý xuất bản. Tác giả Trang Hạ, người có nhiều tác phẩm dịch và sáng tác được bạn đọc biết đến nhờ blog, đã từng nói rằng, những "tác phẩm" xuất bản qua mạng phần nhiều là... rác. Trong vô vàn các sáng tác được post lên các trang cá nhân, mạng xã hội mỗi ngày, rất ít khi tìm được những tác phẩm đích thực. Chưa kể, đây là môi trường thuận lợi cho sự ra đời của những xuất bản phẩm, văn hóa phẩm độc hại và nguy hiểm.
Còn đối với hình thức xuất bản điện tử những cuốn sách đã được in, việc vi phạm bản quyền đang là thực tế nhức nhối. Sách in bị làm lậu đã đành, sách điện tử chính là một hình thức làm lậu đơn giản và phổ biến nhất. Nhiều đơn vị xuất bản phải "kêu trời" khi những tác phẩm đầu tư công phu cả về nội dung, hình thức, chưa kịp ra mắt bản in thì đã "xuất hiện" nhan nhản trên mạng. Trong khi đó, về mặt chế tài, Luật Xuất bản hiện hành chưa có điều khoản nào quản lý hoạt động xuất bản điện tử. Luật Xuất bản sửa đổi vừa trình trong kỳ họp Quốc hội vừa qua dù đã bắt đầu đề cập đến hình thức này, nhưng vẫn ở mức độ chung chung. Những quy định về việc thành lập NXB điện tử, cũng như điều khoản quản lý xuất bản qua mạng còn chưa thật sự phù hợp thực tiễn. Ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục Xuất bản nhận định, ở nước ta, sách điện tử chỉ mới đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển. Tuy nhiên, việc quản lý lại đang bị đặt vào thế bị động bởi không có chế tài luật pháp. Thế nên, cần phải sớm đưa luật pháp tiến kịp với sự phát triển của công nghệ thông tin và nhu cầu đọc sách trên in-tơ-nét.
Sách điện tử không đơn thuần là một xu thế, đó là triển vọng, là tương lai của ngành xuất bản. Vì thế, việc xây dựng một hành lanh pháp lý cơ bản là điều kiện cần thiết để xuất bản điện tử phát triển lành mạnh và bền vững.
* Nếu nhìn vào con số 6.500 lượt yêu cầu của bạn đọc về sách điện tử, so với 2.000 yêu cầu sách truyền thống mà Thư viện Quốc gia Việt Nam thống kê mới đây, có thể thấy, sách điện tử đang là một xu thế tất yếu của xuất bản điện tử.
Theo Nhân Dân