Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 1/8/2012 17:13'(GMT+7)

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân: Truyền thông về khoa học công nghệ phải đi trước một bước

Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời báo chí. Ảnh: NH

Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời báo chí. Ảnh: NH

 

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khi đánh giá mối quan hệ giữa báo chí và hoạt động khoa học công nghệ hiện nay.

Truyền thông về KH&CN vẫn còn hạn chế

Nghị quyết TW 2 (khóa VIII) đã xác định vai trò và tầm quan trọng của công tác truyền thông trong lĩnh vực KH&CN. Theo đó, nhiều chương trình hành động đã được xúc tiến hướng tới mục tiêu coi tuyên truyền là nhân tố quyết định thúc đẩy sự phát triển của KH&CN như Đề án khung triển khai nhiệm vụ tuyên truyền về hoạt động KH&CN năm 2007; chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng phê duyệt đã xác định truyền thông trở thành 1 trong 6 giải pháp chủ yếu.

Thông qua công tác tuyên truyền về hoạt động KH&CN làm cho mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội hiểu rõ tầm quan trọng đặc biệt của KH&CN trong phát triển kinh tế xã hội, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trong việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống, tăng cường đầu tư cho phát triển đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của KH&CN.

Trong bối cảnh ngày nay, KH&CN ngày càng chứng tỏ được vai trò và tầm ảnh hưởng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Do vậy, công tác đẩy mạnh truyền thông về hoạt động KH&CN có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Bộ trưởng Nguyễn Quân nhận định, công tác truyền thông cho KH&CN phải luôn đi trước một bước trong việc tích cực tuyên truyền các chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước đối với KH&CN, tác động vào nhận thức của quần chúng nhân dân và các doanh nghiệp về tầm quan trọng và vai trò của KH&CN trong sự nghiệp phát triển đất nước, từ đó huy động các lực lượng ở mọi tầng lớp xã hội nhằm tạo ra khí thế thi đua lao động sáng tạo, kết hợp nghiên cứu và ứng dụng KH&CN vào đời sống.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, trong suốt một thời gian dài, vai trò của KH&CN chưa thể hiện rõ tầm ảnh hưởng của nó, người dân và doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, đầu tư cho KH&CN mà vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. Chúng ta hiện có hơn 700 cơ quan thông tấn báo chí, song mức độ tuyên truyền cho KH&CN chưa cao, hiệu quả chưa nhiều. Điều này một phần xuất phát từ những yếu tố khách quan bởi đặc thù của ngành KH&CN mang độ trễ nhất định do không phải là những thông tin có tác động trực tiếp đến đời sống xã hội hàng ngày, có sức ảnh hưởng và tác động sâu sắc đến đời sống của người dân.

Theo nhà báo Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, lĩnh vực KH&CN đã có những tờ báo chuyên biệt với hàng chục tờ báo in và các tạp chí chuyên ngành nhưng về cơ bản, báo chí về KH&CN còn mỏng về lực lượng, sức tác động xã hội chưa rộng và mạnh. Ở nước ta, chưa có những tờ báo, tạp chí khoa học có uy tín về lĩnh vực KH&CN tương tự một số tạp chí có tầm ảnh hưởng lớn như: Nature, Science, National Geographic, Scence et Vie,… của nước ngoài là những nguồn thông tin về khoa học quan trọng, không thể thiếu của thế giới, ông chia sẻ. Bên cạnh đó, nhà báo Hà Minh Huệ cũng chỉ ra những “điểm yếu” trong chất lượng thông tin về KH&CN. Theo ông, chất lượng thông tin về KH&CN trên báo chí chưa cao một phần là do đội ngũ phóng viên chưa thạo về tất cả lĩnh vực khoa học chuyên ngành., trình độ chuyên môn và nghiệp vụ báo chí còn hạn chế, tiếp đến là về nội dung, hình thức cũng như cách thức thông tin KH&CN trên một số tờ báo chưa phù hợp dẫn đến hiệu quả chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Truyền thông - “đòn bẩy” cho KH&CN

Cũng theo nhà báo Hà Minh Huệ, chất lượng truyền thông cho KH&CN hiện nay còn nhiều hạn chế. Cụ thể, thông tin về KH&CN đôi khi sai hoặc thiếu chính xác. Nguyên nhân một phần là do đội ngũ phóng viên viết về lĩnh vực khoa học nhiều khi chưa có chuyên môn nhất định, không phải là những chuyên gia trong lĩnh vực thông tin, đặc biệt là lĩnh vực khoa học chuyên ngành, thêm nữa, người viết không hẳn phải là những người tốt nghiệp đại học trong lĩnh vực KH&CN. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng ít khi tham gia làm báo nên việc sai sót, nhầm lẫn là không tránh khỏi. Thông tin về KH&CN chưa mang tính thuyết phục cao vì chưa có sự sáng tạo trong quá trình viết báo, chủ yếu vẫn nặng về trích dẫn các báo cáo, kết luận khoa học, bệ nguyên những kết luận đánh giá trong đó. Điều này phần nào đã làm giảm tính thuyết phục của thông tin.

Ông Huệ cho rằng, để nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí về lĩnh vực KH&CN cần có sự quan tâm đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho các nhà báo, nhất là những nhà báo viết về lĩnh vực KH&CN. “Báo chí là một ngành dù được đào tạo trong trường bao nhiêu cũng không đủ. Khuôn mẫu một tin, một bài báo không thể áp dụng cho tất cả các trường hợp. Mọi thứ lặp lại đều mang tính rập khuôn. Mà tin là mới. Tay nghề, chuyên môn báo chí cùng một chút “tinh ranh” trong kỹ thuật trình bày là đòi hỏi đối với phóng viên nói chung và phóng viên viết về KH&CN nói riêng”, ông chia sẻ. Đứng về góc độ chuyên môn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm sẵn sàng phối hợp với Bộ KH&CN trong việc tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật thông tin, kỹ thuật tác nghiệp cho đội ngũ những người làm công tác truyền thông về lĩnh vực KH&CN.

Với động thái tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông về KH&CN, cuối năm 2011 vừa qua, Bộ KH&CN đã phát động Giải báo chí về KH&CN triển khai trong năm 2012. Đây là một giải báo chí đầu tiên chuyên ngành về KH&CN, hoạt động này sẽ được duy trì tổ chức hàng năm nhằm vinh danh các tác giả có những tác phẩm báo chí xuất sắc viết về KH&CN được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài việc ghi nhận và tôn vinh những tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc, giải thưởng còn tạo động lực cho các phóng viên và cơ quan báo chí tích cực tham gia tuyên truyền về KH&CN. Đây sẽ là “đòn bẩy” quan trọng góp phần đưa nhanh những kết quả nghiên cứu vào cuộc sống và sản xuất kinh doanh cũng như nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của KH&CN trong thời kỳ hội nhập và phát triển./.

Ngũ Hiệp
Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông KH&CN (Bộ KH&CN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất