Thứ Bảy, 28/9/2024
Pháp luật
Thứ Ba, 3/2/2009 23:18'(GMT+7)

TP. Hồ Chí Minh: Xe máy, ô tô sẽ bị cấm tại một số tuyến đường

Để chống ùn tắc, TP HCM cần phải giải quyết cùng lúc nhiều bài toán.

Để chống ùn tắc, TP HCM cần phải giải quyết cùng lúc nhiều bài toán.

Sở Giao thông vận tải sẽ chủ trì phối hợp với các quận trung tâm để quy định loại phương tiện cấm lưu thông, thời gian, tuyến đường cấm cũng như xác định rõ lộ trình thực hiện. Đây là lần đầu tiên thành phố thực hiện thí điểm việc hạn chế xe tại những khu vực trọng điểm, nhằm điều trị căn bệnh ùn tắc luôn tồn tại nhiều năm qua.

UBND TP.HCM cũng đề ra những biện pháp mạnh tay khác nhằm đẩy nhanh phát triển vận tải hành khách công cộng. Cũng trong quý I, thành phố sẽ thử nghiệm làn đường dành riêng cho xe buýt trên đường Trường Chinh, Điện Biên Phủ và quốc lộ 52.

Và từ năm 2010 trở đi, tất cả các doanh nghiệp có trên 100 công nhân đóng trên địa bàn thành phố phải tự tổ chức hoặc hợp đồng đưa đón công nhân. Kỳ vọng của UBND TP HCM, vận tải hành khách công cộng phải chiếm 25-30% nhu cầu đi lại của người dân.

Trong những năm gần đây, tình trạng kẹt xe thường xuyên tại khu vực trung tâm cũng một phần do TP.HCM chưa có bãi đậu xe ngầm quy mô lớn, khiến xe đậu tràn lan dưới lòng lề đường làm thành phố thêm bát nháo.

Để khắc phục, Ủy ban yêu cầu các bên liên quan nhanh chóng hoàn tất mọi thủ tục để có thể khởi công dự án bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám trong quý I, nghiên cứu kêu gọi đầu tư xây dựng bãi đậu xe cao tầng trên mặt đất.

Đồng thời, các công trình cao tầng, thương mại dịch vụ, văn phòng cao cấp, chung cư cao cấp cũng buộc phải có số chỗ đậu xe máy và ôtô tối thiểu. Quy định tạm thời về điều này áp dụng từ quý II.

Ngoài ra, các loại hình dịch vụ, thương mại thu hút tập trung đông người thời gian tới sẽ bị hạn chế tới mức tối đa bằng việc ban hành các tuyến, đoạn đường không được cấp phép kinh doanh.

Những rào chắn liên tục để xảy ra ùn tắc nghiêm trọng tại khu vực sẽ bị đình chỉ thi công và yêu cầu trả lại ngay mặt bằng. "Năm 2009 sẽ có tiếp gần 60 km bị cô lập từng đoạn để thi công, do vậy chúng tôi kiên quyết không để tình hình giao thông phức tạp hơn nữa", ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM khẳng định.

Phát biểu trong cuộc họp báo cáo về tình hình đào đường năm 2009 chiều 3/2 tại Sở, ông Phượng cho biết để rút kinh nghiệm trong năm qua, 4 giải pháp tăng cường quản lý đã được đề ra.

Theo đó, đầu tiên Sở quyết tâm đánh mạnh các công trình đã triển khai rào chắn nhưng không thi công. Tiếp đến, nếu đơn vị thi công bị xử lý nhắc nhở quá 3 lần mà vẫn chây ì không khắc phục thì thanh tra có trách nhiệm đình chỉ thi công toàn bộ gói thầu đó.

Nét mới nữa là quy định trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân, đơn vị trong việc theo dõi, kiểm tra giám sát khi để xảy ra sai phạm trong khu vực mình quản lý. "Đối với các cá nhân liên quan như chỉ huy trưởng công trường, tư vấn giám sát trưởng... sẽ bị quy trách nhiệm cũng như biện pháp chế tài khác", ông Đậu An Phúc, Phó phòng quản lý giao thông Sở Giao thông vận tải nói.

Thống kê sơ bộ, ngoài 61 tuyến đường triển khai thi công của 3 dự án lớn (dự án Vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc Thị Nghè, Cải thiện môi trường nước, Nâng cấp đô thị Việt Nam), năm 2009 sẽ có thêm các dự án khác thi công rào chắn trên 20 tuyến đường nữa.


Bốn nhóm giải pháp trong kế hoạch của UBND TP HCM triển khai nghị quyết Chính phủ về khắc phục ùn tắc giao thông:

Nhóm 1: Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị.

Nhóm 2: Thực hiện quy hoạch và di dời trụ sở các cơ quan hành chính nhà nướ, trường học, bệnh viện lớn ra ngoài khu vực trung tâm thành phố.

Nhóm 3: Tuyên truyền phổ biến pháp luật tổ chức cuộc vận động xây dựng văn hóa giao thông và văn minh đô thị, tăng cường cưỡng chế thi hành pháp luật về trật tự.

Nhóm 4: Đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông, tổ chức giao thông hợp lý và hiệu quả.


(theo Vnexpress)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất