Thứ Ba, 17/12/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 13/1/2010 21:40'(GMT+7)

Sân chơi WTO giúp doanh nghiệp thêm trưởng thành

Việt Nam đã đạt kỷ lục thu hút FDI

Việt Nam đã đạt kỷ lục thu hút FDI

Nhằm đánh giá lại những thành quả cũng như những vấn đề còn tồn tại của nền kinh tế Việt Nam sau 3 năm gia nhập WTO, sáng qua, 12/01, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo quốc tế “Vận hội và thách thức của Việt Nam sau 3 năm gia nhập WTO”.

Thành tựu và thách thức

Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, sau 3 năm gia nhập WTO, có 2 loại tác động (vô hình và hữu hình) đối với kinh tế - xã hội Việt Nam.

Về những tác động hữu hình, được biểu hiện bằng thành quả xuất khẩu sau 2 năm tăng rất mạnh (2007: 21,3%, 2008: 29% và năm 2009 âm 9%).

“Sự thụt lùi về xuất khẩu của năm 2009 chủ yếu do tác động giá, lượng vẫn tăng” – ông Vũ Khoan giải thích thêm. Tác động thứ 2, về đầu tư nước ngoài, cam kết thể hiện trong năm 2006 là 12 tỷ USD; 2007: 21 tỷ USD, 2008 tăng vọt lên 71 tỷ USD. Năm 2009, do khủng hoảng kinh tế thế giới, mức cam kết đầu tư đã giảm đi nhưng vẫn cao (20 tỷ USD).

“Tuy vốn đăng ký FDI năm 2009 của nước ta giảm khá nhiều so với năm 2008, nhưng không nên coi đó là một vấn đề nghiêm trọng. Vì vốn đăng ký chỉ mới thể hiện cam kết của các nhà đầu tư quốc tế, biểu hiện xu thế phát triển FDI vào một nước, nhưng chưa phải là hoạt động thực tế của FDI” – GS.TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - phân tích.

Cũng theo ông Vũ Khoan, hội nhập đã tác động sâu rộng đến xã hội Việt Nam, đặc biệt là nhận thức về hội nhập có sự đồng thuận cao hơn. Trước đây, khi tiếp cận với hội nhập như tham gia AFTA 2005 thì có những mối lo ngại sâu sắc nhưng sau khi gia nhập WTO thì nhận thức, nhất là của DN đã rõ hơn. Đây là yếu tố quan trọng cho sự phát triển.

Trong khủng hoảng và hội nhập, chúng ta đã nhận thức rõ hơn sự “đỏng đảnh” của thị trường và từ đó ứng phó một cách tương đối thành công với tác động này. Các DN đã xoay sở và thích ứng được với những tác động của hội nhập. Thông qua thử thách này, chúng ta đã nhận thức rõ rang hơn yếu kém của nền kinh tế.

Một điều dễ nhận thấy sau 3 năm gia nhập WTO, theo các chuyên gia kinh tế, là vai trò về kinh tế của Việt Nam trên trường quốc tế được thể hiện rõ hơn. Nhiều nước và tổ chức trên thế giới đều đánh giá Việt Nam là nền kinh tế mới, năng động và phát triển nhanh.

Vẫn còn nhiều khiếm khuyết

Theo GS, TSKH Nguyễn Mại, khi hội nhập kinh tế thế giới, chúng ta đã cải cách thể chế rất nhiều nhưng lại thiếu tính đồng bộ của các văn bản pháp lý, luật sau mâu thuẫn với luật trước. Thực tế này đòi hỏi Quốc hội phải xây dựng luật đủ chi tiết để thi hành chứ không phụ thuộc quá nhiều vào văn bản dưới luật, thông tư, nghị định.

Đồng tình với quan điểm này, TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, muốn phát triển, việc cải cách trong nước là rất quan trọng. Hội nhập là nhằm thúc đẩy cải cách trong nước. Cải cách bắt đầu từ khâu thể chế, pháp lý, tổ chức bộ máy và cách ra quyết định chính sách, thực thi chính sách và minh bạch thông tin.

Vấn đề hiện đại hóa kết cấu hạ tầng cũng được GS Nguyễn Mại nhắc đến như một “nút thắt” trong nền kinh tế: “Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có 3 ý đồ lớn: đường cao tốc Láng Hòa Lạc, Khu công nghệ cao, Khu đại học. Đến nay, ý đồ đó vẫn chưa được hoàn thành. Ngoài ra, Việt Nam vẫn phải đối mặt với tình trạng nguồn nhân lực “thừa thày, thiếu thợ””.

Còn theo phân tích của TS Võ Trí Thành, cái yếu nhất là chất lượng dịch vụ. Việt Nam luôn thâm hụt thương mại dịch vụ. Theo dẫn chứng của TS Võ Trí Thành, trên thế giới dịch vụ tạo giá trị gia tăng rất cao (chiếm 80% GDP), trong khi ở Việt Nam con số này chỉ chiếm 40%.

“Việt Nam mới chỉ phát triển dịch vụ dựa vào tài nguyên. Hệ thống bán lẻ của Việt Nam quá nhỏ bé. Chỉ số phát triển bán lẻ của Việt Nam năm 2009 đứng thứ 6 nhưng giảm 5 bậc so với trước khi vào WTO”- ông Thành nói.

Chọn hướng đi cho sự phát triển

Bước sang năm 2010, kinh tế thế giới phục hồi dù còn chật vật, khó khăn, kéo theo đó kinh tế nước ta cũng bắt đầu vượt khỏi suy giảm. Vấn đề nảy sinh là DN nước ta sẽ vươn lên như thế nào?

Theo phân tích, thuận lợi đầu tiên có thể nhìn thấy là nước ta đã trụ qua cơn khủng hoảng kinh tế thế giới, dù tốc độ tăng trưởng có giảm nhưng vẫn là thành công trong ngăn chặn suy giảm. Vị thế trên trường quốc tế của nước ta cũng đã được nâng lên, thu hút nguồn lực bên ngoài tăng.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Khoan, thách thức đối với nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều. Kinh tế thế giới phục hồi nhưng còn nhiều dấu hỏi (?). Bên cạnh đó, nền kinh tế qua khủng hoảng bộc lộ nhiều điểm yếu (hạ tầng, nhân lực yếu, cơ chế...) đè nặng lên nền kinh tế nước ta. Đặc biệt là tái cấu trúc kinh tế thế giới diễn ra rất mạnh và liệu ta có theo kịp hay không (thay đổi về công nghệ) nếu ta không theo kịp xu thế này thì rất khó trụ vững. Những năm tới chúng ta không chỉ tham gia WTO mà còn nhiều thể chế kinh tế khác như: Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Nhật Bản, đàm phán với Mỹ, Autralia,...

Để có thể phát triển trong điều kiện mới, theo ông Vũ Khoan, các dự báo của chúng ta với các FTA phải tốt hơn (vì các thị trường này rất đỏng đảnh); Chính sách ứng phó phải linh hoạt và quan trọng phải đoán trước được tình hình để DN theo kịp.

Ngoài ra, trong điều kiện mới, Nhà nước và DN phải đối mặt với những mối quan hệ tưởng như mâu thuẫn: chất lượng và tốc độ tăng trưởng, ổn định vĩ mô (thắt chặt tiền tệ và tăng trưởng); cân bằng giữa thị trường ngoài nước và trong nước; can thiệp của Nhà nước và tính thị trường. Cuối cùng là chọn mô hình phát triển như thế nào, chọn công nghiệp mũi nhọn nào...

“Nếu chệch đường ray phát triển của toàn cầu thì chúng ta không thể lên tàu được mà chỉ nhìn tàu chạy. Phải làm sao để tàu Việt Nam tiến nhanh, vững chắc. Đây là yếu tố quan trọng để nền kinh tế nước ta hội nhập thành công” – ông Vũ Khoan nói.

Để tác động của WTO đến nền kinh tế tích cực và hiệu quả hơn, theo ông Lương Văn Tự- nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Chính phủ, điều quan trọng là chúng ta phải ổn định kinh tế vĩ mô. Việt Nam cần tránh lặp lại tình trạng cuối 2007 đầu 2008, kinh tế thế giới ổn định nhưng vĩ mô lại bị mở rộng tín dụng quá mức (54%) rồi sau đó siết lại quá chặt khiến cho nền kinh tế phát triển không bình thường./.

Vũ Hạnh - VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất