Chủ Nhật, 24/11/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 9/4/2019 15:1'(GMT+7)

Sản phẩm của bạo lực học đường: Đi ngược mục tiêu giáo dục quốc gia

Bị bạn đánh hội đồng và lột quần áo giữa lớp, em N.T.H.Y. đã phải vào Bệnh viện Tâm thần để điều trị. (Ảnh: TTXVN)

Bị bạn đánh hội đồng và lột quần áo giữa lớp, em N.T.H.Y. đã phải vào Bệnh viện Tâm thần để điều trị. (Ảnh: TTXVN)

Những tổn thương tâm lý ám ảnh lâu dài; những sai lệch trong nhận thức và hành động; làm hình thành những tính cách tiêu cực ở trẻ, những thế hệ tương lai của đất nước là vấn đề các chuyên gia lo ngại nhất khi nói về hậu quả của bạo lực học đường.

Ám ảnh nỗi đau

Những ngày này, về Phù Ủng, Ân Thi, Hưng Yên, sau khi vụ nữ sinh N.T.H.Y. bị nhóm 5 học sinh đánh hội đồng ở giữa lớp học, giữa tiếng cổ vũ của nhiều học sinh khác và không nhận được sự can thiệp của các giáo viên, đã gây choáng váng trong dư luận những ngày qua, bao trùm lên các gia đình và nhà trường là bầu không khí thật buồn và nặng nề.

Em Y. bị hoảng loạn tinh thần, phải nhập viện điều trị. Chú của Y. cho biết, khi được xuất viện, Y. cũng vẫn luôn ám ảnh với những cơn ác mộng, thường xuyên giật mình giữa đêm. Y. cũng không dám ra ngoài vì ngại ánh mắt của mọi người. Những người thân của Y. chỉ biết xót xa nhìn con cháu mình, động viên Y. mỗi ngày.

Theo Tiến sỹ tâm lý Vũ Thu Hương, vết thương trên thân thể Y. sẽ lành nhưng nỗi đau, nỗi ám ảnh về việc bị lột quần áo trước bạn bè có thể sẽ theo Y. suốt cả cuộc đời.

Ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, những sang chấn và tổn thương tâm lý một cách khủng khiếp và nặng nề mới là điều đáng nguy hiểm, có hồi phục được hay không là điều không thể biết trước được.

Cũng theo ông An, đã từng có những trường hợp trẻ em bị bạo hành dẫn đến tổn thương tinh thần quá lớn, có em bị trầm cảm, bị tâm thần, bỏ nhà ra đi, thậm chí có ý định tự tử.

Với những học sinh và gia đình học sinh đánh bạn, nỗi ám ảnh cũng vô cùng lớn. Đã hai tuần sau khi diễn ra vụ việc, cả 5 học sinh này vẫn chưa dám tới trường.

Chia sẻ trong nước mắt, một phụ huynh nói: “Nhà chúng tôi bây giờ cũng khổ lắm, vừa day dứt về chuyện đã làm, vừa bị mạng xã hội nói, các cháu không dám đi học. Nhà bị hại người ta còn thương, nhà mình người ta chửi cho, mất ăn mất ngủ, nghĩ nhục lắm. Nhà trường bảo cháu đi học, nhưng nó bảo con sợ không dám đi. Có hôm, nó bảo con sẽ bỏ đi xa, con không chịu được. Tôi bảo bỏ đi đâu, con ở nhà có bố có mẹ. Bây giờ nó bỏ đi, xã hội mang nó đi đâu thì gia đình cũng khổ.”

Những bước đi chệch hướng

Tiến sỹ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học phổ thông FPT cho rằng, ảnh hưởng nặng nề nhất của bạo lực học đường là sẽ ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến học sinh, đặc biệt với giáo dục cấp một, là giai đoạn đang trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Mỗi hành động của giáo viên đều là bài học trực quan hơn bất cứ lời rao giảng đạo đức nào.

Theo ông Tùng, giáo dục bằng bạo lực sẽ sinh ra bạo lực, giáo dục bằng nỗi sợ hãi sẽ hình thành nên những con người nhu nhược, không có chính kiến, càng không bao giờ dám phản biện.

“Ví dụ, khi giáo viên bắt học sinh quỳ được thì về nguyên tắc, học sinh hiểu có thể quỳ trước người có quyền hơn mình. Khi giáo viên đánh học sinh hoặc yêu cầu học sinh đánh bạn thì học sinh hiểu có thể đánh người khác để tìm sự khuất phục,” ông Tùng nói.

Những vụ việc bạo lực học đường xảy ra đã phần nào cho thấy hậu quả của giáo dục quyền uy là rất hiện hữu.

Trong số 23 học sinh bị giáo viên yêu cầu tát bạn, mỗi em 10 cái, tổng số 230 cái tát, ở Trường Trung học cơ sở Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), nhiều em biết hành động đó là sai, nhiều em thương bạn, vừa tát vừa khóc, nhưng không học sinh nào dám phản đối. Học sinh ở Trường Tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng) bị giáo viên bắt uống nước giẻ lau bảng vẫn phải chấp nhận uống dù em biết cốc nước đó vô cùng bẩn.

“Đứng trước một sai lầm như vậy nhưng các em không đủ dũng cảm để đứng lên nói rằng việc này là không đúng và con không làm. Chúng ta đang muốn hướng đến công dân thế kỷ 21 phải có được tính độc lập tự chủ, phải có sự sáng tạo, nhưng cách mà chúng ta đang dạy dỗ các con như thế nào? Không thể xây dựng một tư duy phản biện, dám có chính kiến và bảo vệ lẽ phải khi giáo dục bằng quyền lực và sự sợ hãi,” Phó giáo sư Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

Thậm chí, học sinh còn coi những hành động bạo lực với người khác là bình thường. Trong các vụ việc học sinh đánh nhau, lột đồ bạn ở Trường Trung học cơ sở Phù Ủng (Hưng Yên) vừa qua, hay các vụ đánh và lột đồ tương tự diễn ra trước đó tại Trường Trung học cơ sở Tân Việt, (huyện Bình Giang, Hải Dương), Trường Trung học cơ sở Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội), các học sinh khác chứng kiến vụ việc đều không những không can ngăn mà còn cổ vũ. Giáo viên Trường Trung học phổ thông Long Thới (huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh) không giảng bài khi lên lớp trong suốt 3 tháng, nhưng khi một học sinh lên tiếng về vụ việc thì lập tức bị các bạn tẩy chay, đến mức em này phải chuyển trường vì quá áp lực.

Phó giáo sư Trần Thành Nam cho rằng, hậu quả của giáo dục quyền lực, bạo lực học đường không chỉ nằm ở bản thân cá nhân giáo viên và học sinh trực tiếp tham gia vụ việc, mà nguy hại hơn là nó sẽ gieo mầm mống bạo lực vào mỗi học sinh ngay từ khi còn rất nhỏ. Khi học sinh học được bài học giáo dục bằng quyền lực, coi việc xâm phạm thân thể người khác là bình thường thay vì bài học phải yêu thương con người và tôn trọng mỗi cá nhân, các em sẽ áp dụng điều đó, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các vụ việc đau lòng như học sinh đánh học sinh, học sinh đánh giáo viên…

Tất cả những điều đó hoàn toàn đi ngược lại với mục tiêu giáo dục mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.

Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo của Trung ương Đảng đặt mục tiêu “giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả."

Trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố mục tiêu giáo dục phổ thông là rèn luyện 5 phẩm chất và 10 năng lực. Trong đó, 5 phẩm chất gồm yêu đất nước, yêu con người, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Trong 10 năng lực, có 7 năng lực chuyên môn: ngôn ngữ, tính toán, tin học, thể chất, thẩm mỹ, công nghệ, tìm hiểu tự nhiên và xã hội; ba năng lực chung: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Ngành giáo dục khẳng định thực hiện đổi mới giáo dục chuyển từ dạy chữ sang dạy người, từ truyền thụ kiến thức một chiều sang hình thành phẩm chất, năng lực người học.

Trong cuốn sách "Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản?", tác giả, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Vương, Đại học Sư phạm Hà Nội, đã đề cập góc nhìn của nhà giáo dục học người Nhật Tanaka Yoshitaka, người đã có ba năm (2004-2007) làm việc ở Việt Nam trong vai trò cố vấn giáo dục về mối quan hệ thầy trò ở Việt Nam.

Theo đó, ông Tanaka đã nghiên cứu và nhận thấy bao trùm lên các nhà trường Việt Nam là lối giáo dục quyền lực, nơi mà ở đó, học sinh ngồi ngoan ngoãn một cách đáng kinh ngạc, ngôn ngữ chủ yếu được giáo viên sử dụng là câu mệnh lệnh, một tiếng thước gõ chát chúa lên mặt bàn của giáo viên cũng đủ làm ông choáng váng.

"Theo Tanaka, khi xây dựng một nền giáo dục lành mạnh thực sự vì con người, vì tương lai của xã hội cũng như của nhân loại thì người giáo viên quyền lực là thứ không một ai có lương tâm mong muốn. Một nền giáo dục đầy rẫy những giáo viên quyền lực sẽ không bao giờ sinh ra những thế hệ học sinh có tư duy độc lập, có lòng dũng cảm và luôn biết làm người tự do," tác giả Nguyễn Quốc Vương viết./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất