Chuẩn bị chu đáo cho ngày hội của hát Then, đàn Tính
Hai năm một lần, đồng bào các tỉnh phía Bắc lại có dịp cùng tụ hội để những cây đàn Tính cất tiếng dìu dặt và những lời hát Then ngân nga. Liên hoan hát Then, đàn Tính diễn ra lần đầu tiên ở Thái Nguyên năm 2005, lần thứ hai ở Cao Bằng năm 2007 và năm nay tại tỉnh Bắc Kạn. Liên hoan lần này có hơn 300 nghệ nhân, diễn viên của 12 tỉnh, thành phố tham gia.
Theo ông Hoàng Đức Hậu- Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc (Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch), đây là ngày hội nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy, phát triển các loại hình nghệ thuật hát Then, đàn Tính- một loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu và phổ biến trong cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ yêu thích nghệ thuật Hát Then, đàn Tính được giao lưu, trình diễn các tài năng của mình. Thông qua các chương trình của các đoàn tham gia lần này thì Ban tổ chức sẽ bố trí cho các đoàn tham gia trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn. Các du khách không những được thưởng thức những giai điệu then, những làn điệu then, mà còn có thể được chiêm ngưỡng những hiện vật liên quan đến nghệ thuật Hát then, đàn Tính như trang phục, nhạc cụ.
|
Để ngày vui được trọn vẹn, ngoài việc chuẩn bị nội dung của lễ khai mạc, bế mạc và các hoạt động trong liên hoan, các ban, ngành ở Bắc Kạn đã tích cực triển khai các công tác chuẩn bị cho liên hoan, đặc biệt là việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch cúm A/H1N1: Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đã chuẩn bị chu đáo về chỗ ăn, nghỉ cho các đoàn và khách mời. Trong bối cảnh dịch cúm AH1N1 đang lan rộng, Ban tổ chức liên hoan đã giao cho một đồng chí Phó giám đốc Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch trực tiếp cử các bác sĩ phục vụ theo từng nhóm, từng điểm và chuẩn bị thuốc để nếu khi xảy ra thì ưng phó kịp thời- Ông Đào Duy Đức- Phó GĐ Sở VH-TT và DL tỉnh Bắc Kạn cho biết.
Để nghệ thuật hát Then, đàn Tính không bị mai một
Đàn Tính làm bằng quả bầu khô thêm hai dây tơ chuốt từ ruột con tằm. Bầu đàn hình dung như quả đất, nối với cần đàn, đầu đàn- coi như trời, như thiên đường. Then là một loại hình nghệ thuật dân gian diễn xướng nguyên hợp, vừa bao gồm nhiều yếu tố văn hoá- nghệ thuật, vừa đậm đặc yếu tố tâm linh. Then gắn bó khá sâu sắc với đời sống tinh thần và tâm linh của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái... Xuất xứ nguồn gốc của Then là từ tín ngưỡng của đồng bào về một thế giới thần bí, nơi đó có những nhân vật và sức mạnh diệu kỳ như: Bụt, Giàng, Then, mà chỉ có Bà Then, Ông Then mới có đủ bản lĩnh và khả năng đến được thế giới đó. Khi các Bà Then, ông Then này dâng lên Mường Trời những sản vật của con người thì họ hát. Lúc đầu hát Then chỉ có một người: tay đệm đàn, miệng hát, chân sóc nhạc. Chính lời bài hát Then, hoà trong nhịp đàn tính dìu dặt, cùng tiếng xóc lúc khoan nhịp, lúc dồn dập sẽ đưa Bà Then, Ông Then đến với Mường Trời để cầu xin các vị thần linh cứu giúp con người.
Hát Then, đàn Tính có mặt trong tất cả các ngày vui như: dịp năm mới, mừng nhà mới, ngày cưới, mừng thượng thọ, mừng thăng quan, tiến chức; trong cả những lúc buồn, an ủi người ốm, khóc người chết, động viên người đang phiền muộn... Trong không khí thiêng liêng, lời ca, điệu múa và âm nhạc hòa quyện rộn ràng, say đắm, đưa đến cho người nghe, người xem những cảm xúc thẩm mỹ. Vì thế, người Tày có câu tục ngữ: "Ðàn Tính ba năm, kéo Nhị ba buổi", với hàm ý nghe một lần kéo nhị chỉ nhớ ba ngày; còn nghe một lần đàn Tính thì nhớ đến ba năm.
Lời Then vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa; vừa là những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu, vừa là lời khuyên răn, khích lệ; vừa là những kinh nghiệm về đối nhân xử thế... Cho nên khi giới trẻ lắng những lời hát Then cũng là những bài học quí về cuộc sống, về cách ứng xử với thiên nhiên và mọi người xung quanh. Ở mỗi vùng quê đều có những làn điệu hát Then khác nhau, nhưng nhìn một cách tổng thể, Then có một số loại hình thể hiện với những chức năng chính sau: Then Kỳ Yên (cầu an); Then cầu mùa, Then chúc tụng; Then chữa bệnh; Then cấp sắc (Lẩu Then).
Nhưng tiếc là ở hầu hết các bản làng vùng cao giờ đây chỉ còn các nghệ nhân cao tuổi là còn đánh được đàn Tính, thuộc nhiều bài hát Then, còn giới trẻ thì chỉ biết qua loa hoặc không mấy quan tâm. Các nghệ sĩ sáng tác được những bài hát Then cổ lại càng hiếm. Những liên hoan hát Then, đàn Tính đã góp phần làm sống dậy bộ môn nghệ thuật độc đáo này trong cộng đồng. Tại hai liên hoan trước, có nhiều câu lạc bộ hát Then, đàn Tính ở Đắk Nông, Đắk Lắk, ở thành phố Hồ Chí Minh cũng không quản đường xa, đem tiếng đàn, lời ca góp vui cùng liên hoan.
Trong lễ khai mạc liên hoan lần thứ 3 sắp tới, sẽ có tiết mục biểu diễn độc đáo như: màn biểu diễn của 60 người trong đêm khai mạc, tiết mục của 4 thế hệ của một gia đình nghệ nhân ở Bắc Kạn, bà và cháu ở Lạng Sơn cùng biểu diễn hay ông chế tác đàn Tính, cháu múa hát Then.v.v... Trong suốt những ngày diễn ra liên hoan là không khí đầm ấm, vui tươi của đồng bào các dân tộc cùng tụ hội về với đất và người Bắc Kạn. Và từ đây, tình yêu của các nghệ nhân, diễn viên nhiều thế hệ với nghệ thuật hát Then, đàn Tính được khơi nguồn, bồi đắp và truyền mãi tới các thế hệ mai sau...
Ngày vui đang tới gần. Các nghệ nhân, diễn viên ở địa phương đang chuẩn bị lên đường đến với Bắc Kạn. Đồng bào các dân tộc ở Bắc Kạn đã sẵn sàng chào đón bạn hiền và khách quí nơi phương xa đến cùng chung vui, đắm mình trong những giai điệu ngân nga của cây đàn tính và lời hát then, cùng hoà vào các hoạt động phong phú và sinh động của ngày hội độc đáo này./.
- Trường Thành -