Dành cơ sở vật chất tốt nhất cho bầu cử
Chỉ còn vài ngày nữa, cử tri cả nước sẽ được cầm trên tay lá phiếu trực tiếp lựa chọn và bầu ra những người tiêu biểu vào Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Xác định cuộc bầu cử có ý nghĩa hết sức quan trọng và là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả nước nên ngay từ những ngày đầu năm 2016, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ bầu cử đã được các địa phương quan tâm, triển khai sớm.
Tại Hà Nội, biểu ngữ, cờ, hoa được treo từ các tuyến đường ở trung tâm thành phố đến các cơ quan, đơn vị, trường học. Ở các tổ dân phố, từ hai tháng trước, không khí chuẩn bị cho bầu cử đã được khởi động. Các phường cử cán bộ xuống các cụm dân cư, khảo sát địa điểm tổ chức bầu cử. Do không đủ địa điểm nên một số phường đã huy động các trường học, nhà văn hóa, và cả nhà riêng một số hộ có đủ điều kiện. Tại các điểm bầu cử đã được lựa chọn này, băng rôn, biểu ngữ, bảng niêm yết lý lịch đại biểu, hòm phiếu… được chuẩn bị đầy đủ. Lực lượng an ninh rà soát từng địa điểm, có phương án bảo vệ các điểm bỏ phiếu. Các ngành điện, nước, giao thông… lên kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất để các tổ bầu cử hoàn thành nhiệm vụ.
Nhiều tuyến đường ở các quận, huyện, trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh được trang hoàng băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về ngày hội của toàn dân. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN
Tại Sơn La, các xã, phường, thị trấn, bản, tiểu khu, tổ dân phố đã cơ bản bố trí xong địa điểm bỏ phiếu, chuẩn bị cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ ngày bầu cử. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường chỉ đạo và triển khai thực hiện. Xã vùng cao Mường Cơi (huyện Phù Yên, Sơn La) có khoảng 4.000 cử tri tham gia bỏ phiếu tại 14 khu vực bầu cử. Xã đã thành lập 6 đơn vị bầu cử và ấn định 14 khu vực bỏ phiếu bảo đảm đúng quy định, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Hiện nay, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo về hội trường, bàn ghế với 14 hòm phiếu chính và 3 hòm phiếu phụ chuẩn bị phục vụ cho ngày bầu cử.
Tại Ninh Bình, đến cuối tháng 4/2016, toàn tỉnh đã làm mới, củng cố, nâng cấp được 113 cụm pa nô lớn, 6.869 pa nô nhỏ; căng treo 4.528 băng zôn, khẩu hiệu, 69.402 cờ Đảng, cờ Tổ quốc… tạo nên không khí hết sức sôi nổi.
Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị có phương án bố trí thùng phiếu di động để bảo đảm bầu đủ, bầu một lần.
Tại Bình Dương, tỉnh tổ chức trang trí băng rôn, khẩu hiệu, cờ Đảng, cờ Tổ quốc... trong trụ sở cơ quan và nhà dân. Tỉnh cũng tăng cường công tác tuyên truyền nhất là các khu cụm có công nhân lao động; chuẩn bị các cơ sở vật chất cho ngày bầu cử... nhất là làm việc với các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho công nhân lao động tham gia ngày bầu cử 22/5.
Ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương rà soát kỹ công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ bầu cử; thường xuyên theo dõi, kịp thời bảo vệ an ninh biên giới, an ninh nông thôn, an ninh trật tự và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn. 10 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu bằng hình thức niêm yết, phát thanh, tuyên truyền cổ động và các phương tiện thông tin đại chúng khác của địa phương.
Tại Cà Mau, tình hình hạn hán đang diễn ra rất khốc liệt nhưng Ủy ban bầu cử tỉnh đã chủ động khắc phục khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi công dân đều được tham gia bầu cử, thực hiện quyền lợi chính đáng của mình.
Nhiều sáng tạo trong thông tin, tuyên truyền
Một trong những hoạt động đã được triển khai tốt trên toàn quốc trong kỳ bầu cử năm nay là công tác thông tin, tuyên truyền. Các địa phương đã triển khai sớm, bài bản công tác này, có những sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh địa phương, tác động sâu sắc tới nhận thức của quần chúng nhân dân về ý nghĩa của ngày bầu cử, thôi thúc các cử tri đi bỏ phiếu, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Nhằm nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của cuộc bầu cử, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Sơn La đã phối hợp cùng Cục Văn hóa cơ sở và các sở (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) tổ chức Triển lãm tranh cổ động toàn quốc tại thành phố Sơn La và ra quân tuyên truyền về bầu cử. Tại Thanh Hóa, các đội thông tin lưu động đã diễu hành với đoàn xe được thiết kế, trang trí công phu, trên chặng đường dài hơn 300 km qua các vùng, miền trong tỉnh, chuyển tải những thông tin về mục đích, ý nghĩa, quy mô, tầm quan trọng của bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến với nhân dân. Tại tỉnh Hòa Bình, triển lãm ảnh với chủ đề “Bác Hồ với Quốc hội và Hội đồng nhân dân” được tổ chức, giới thiệu 45 bức ảnh đen trắng quý giá do Thông tấn xã Việt Nam lưu trữ. Tại tỉnh Hải Dương, trưng bày chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên năm 1946 và các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Hải Dương”. Tỉnh Hà Giang đã tổ chức trưng bày tài liệu lưu trữ chuyên đề "Các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp của tỉnh Hà Giang qua tài liệu lưu trữ" vào ngày 16/5.
Với những tỉnh có nhiều đặc thù về kinh tế - xã hội và các nhóm cử tri tại khu vực có điều kiện khó khăn, Hội đồng bầu cử các địa phương cũng có nhiều sáng kiến để tuyên truyền, vận động. Tại Bình Dương, tỉnh đã có nhiều cách làm hay như: in tờ rơi gửi đến hộ gia đình, các câu lạc bộ, chủ nhà trọ; tuyên truyền bầu cử cho đối tượng chức sắc tôn giáo; sử dụng nhiều loại hình, phương tiện trong tuyên truyền bầu cử kể cả truyền hình trực tiếp. Còn tại Cà Mau, địa phương bố trí phương tiện và huy động lực lượng thanh niên xung kích tham gia tuyên truyền, vận động, đưa đón cử tri ở vùng khó khăn, vùng bị ảnh hưởng hạn hán thiên tai đến các địa điểm bầu cử để bỏ phiếu đúng thời gian quy định.
Tại Sơn La, công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân về bầu cử và thông báo cho cử tri biết về ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu được thực hiện thường xuyên, liên tục, đa dạng bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc (Thái, Mông, Dao). Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vân Hồ mở chuyên mục “Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021” trên trang thông tin điện tử của huyện; căng băng rôn khẩu hiệu vượt đường, treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, cờ dây, hồng kỳ ở các địa điểm khu hành chính, trục quốc lộ và các cụm dân cư đông người; tuyên truyền cổ động bằng xe lưu động trên địa bàn toàn huyện; trên hệ thống đài truyền thanh - truyền hình; loa truyền thanh của các xã, bản; thông qua hoạt động chiếu phim lưu động. Tại huyện Việt Yên, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang tổ chức Chương trình giao lưu văn nghệ và tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 cho công nhân, người lao động trong tỉnh. Với hình thức sân khấu hóa, các tiết mục tại chương trình giúp công nhân, người lao động hiểu biết thêm các vấn đề liên quan đến bầu cử như quy định về tuổi bầu cử và tuổi ứng cử, tiêu chuẩn người ứng cử, thẩm quyền quyết định ngày bầu cử; cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; công tác vận động bầu cử; quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước nói chung và Quốc hội, HĐND nói riêng; những kiến thức cơ bản về cuộc bầu cử như thời gian bầu cử, nơi bỏ phiếu, các nguyên tắc bỏ phiếu bầu... Tại Hà Nội, các quận huyện chủ động tổ chức các diễn đàn “Cử tri tuổi 18”, “Gặp mặt cử tri trẻ lần đầu bỏ phiếu”, để mỗi đoàn viên, thanh niên trau dồi và nâng cao ý thức, giác ngộ tư tưởng chính trị về tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Xã Đức Minh, huyện Đắk Mil được xem là xã "thuần đạo" của tỉnh Đắk Nông. Bên cạnh các phương thức thông tin tuyên truyền bằng panô, áp phích phổ biến các quy định về bầu cử…, Ủy ban bầu cử huyện phối hợp với các địa phương mời các chức sắc, chức việc, các linh mục, các vị trong hội đồng giáo xứ hỗ trợ, giúp đỡ công tác tuyên truyền cho bà con về mục đích, ý nghĩa ngày bầu cử, thời gian, địa điểm, tìm hiểu tiểu sử ứng cử viên, vận động bà con tham gia bầu cử với tỷ lệ cao nhất, đảm bảo chọn được những người có tài, có đức, giúp cho địa phương, đặc biệt là đồng bào vùng có đạo phát triển. Tại Đà Nẵng, cùng với quận Sơn Trà, Thanh Khê và Liên Chiểu là hai địa phương có đông ngư dân chuyên đánh bắt dài ngày trên biển. Ông Lê Minh Trung, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban bầu cử quận Thanh Khê cho biết: Ủy ban bầu cử quận chỉ đạo các địa phương dành thời gian để tập trung tuyên truyền sớm trong lực lượng lao động biển, giúp ngư dân nắm bắt thông tin cuộc bầu cử và không làm ảnh hưởng đến lịch trình đi biển. Thiện Thuật là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Do địa bàn rộng, chia cắt bởi nhiều đồi núi, dân cư chủ yếu là các dân tộc Nùng, Dao sống phân tán nên công tác tuyên truyền bầu cử tại xã không dễ thực hiện. Xã Thiện Thuật đã tăng cường phát trên loa phóng thanh các nội dung tuyên truyền bầu cử, cử cán bộ xuống từng thôn, bản tuyên truyền và lập danh sách những người đi bầu cử, lồng ghép tuyên truyền vận động người dân đi bầu cử qua các buổi họp thôn bản, tổ dân phố. Trên địa bàn xã có 4 điểm loa phóng thanh phát hàng ngày, ưu tiên phát các nội dung tuyên truyền bầu cử; nhấn mạnh các nội dung, nguyên tắc bầu cử, tuổi bầu cử, tuổi ứng cử, ngày bầu cử, quyền bầu cử và ứng cử của công dân, nguyên tắc về trình tự bỏ phiếu, kiểm phiếu… để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã nắm rõ. Ủy ban bầu cử xã Thiện Thuật đã chỉ đạo lồng ghép việc tuyên truyền bầu cử vào các buổi họp thôn, các buổi tiếp xúc cử tri; cử cán bộ xã đến tận thôn, bản để nắm bắt tình hình triển khai thực hiện, kịp thời xử lí những vấn đề còn khúc mắc, vận động người dân đến bầu cử... Nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, HĐND các cấp; bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, từ cuối tháng 4/2016 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng cơ quan chức năng trong tỉnh tổ chức tuyên truyền về bầu cử cho 320 người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và cán bộ làm công tác dân tộc tại các huyện, thị trong tỉnh. Ngay sau khi nắm được đầy đủ thông tin về bầu cử, người uy tín ở Đồng Nai đã trực tiếp thực hiện tuyên truyền cho đồng bào dân tộc nơi mình sinh sống. Đối với những cư dân sinh sống trên sông (làng cá bè), các cấp chính quyền Đồng Nai sử dụng thuyền, xuồng để ra tận bè cá, gặp gỡ, thông tin cho họ những nội dung liên quan đến Quốc hội, HĐND, mục đích, ý nghĩa của bầu cử, quyền và trách nhiệm khi đi bầu cử.
Kỳ vọng của cử tri
Thượng tọa Sơn Ngọc Huynh, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long: Quan tâm biến đổi khí hậu, giáo dục
Tôi kỳ vọng khi trúng cử, các đại biểu quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân, đề xuất những chương trình giáo dục nâng cao đạo đức cho học sinh và chính sách để giải quyết việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp, đồng thời nâng cao chính sách chăm sóc sức khỏe đối với hộ nghèo.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Bí thư xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long): Giải quyết tình trạng giá nông sản thấp
Tôi mong muốn khi trúng cử, các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp có những quyết sách tốt hơn để giải quyết tình trạng giá nông sản thấp, đảm bảo cho người dân bán được giá, lợi nhuận cao, đầu ra ổn định, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất bền vững.
Bà Lý Thị Ngân, (ấp Long Thuận B, xã Long Phước, huyện Long Hồ, Vĩnh Long): Chăm lo đời sống người dân nông thôn
Kỳ vọng các đại biểu khi trúng cử quan tâm hơn nữa đến đầu tư xây dựng cơ hạ tầng về đường giao thông, trạm y tế… ở các xã vùng nông thôn, kiến nghị điều chỉnh những chính sách hỗ trợ về y tế, việc làm, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân vùng nông thôn để rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Ông Phạm Đình Cam, (thôn Thanh Hà, xã Đức Minh, Đắc Mil, Đắk Nông): Giải quyết các vấn đề bức xúc của dân
Mong muốn các đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp được trúng cử tới đây sẽ chung tay giải quyết đến nơi đến chốn những bức xúc của bà con. Như chất lượng đường sá nhiều nơi xuống cấp nhưng chậm được sửa chữa, khắc phục; tình trạng phân bón giả thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng hoành hành gây thiệt hại nặng nề cho nông dân; một số cửa hàng kinh doanh dịch vụ internet mở quá thời gian quy định ảnh hưởng tới việc học tập của con em bà con trong xã...
Chị Nguyễn Thị Oanh (thôn Nga 2, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình): Phát triển kinh tế vùng đồng bào khó khăn
Là một đại biểu trẻ được tham gia bầu cử lần này, tôi mong muốn những đại biểu trúng cử vào HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ có những chính sách để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, đồng thời tạo sự gắn kết giữa các dân tộc và tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Linh mục chính xứ Phát Diệm, huyện Kim Sơn, Ninh Bình, Toma.Aq Nguyễn Bá Khuê: Các đại biểu có tư duy đổi mới
Người dân công giáo ở huyện Kim Sơn nói riêng rất hào hứng chuẩn bị cho cuộc bầu cử lần này. Chính xứ Phát Diệm đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa và trách nhiệm của công dân để người dân đi bỏ phiếu đầy đủ, tích cực và sáng suốt bầu ra những người có tài có đức. Bản thân tôi mong muốn các ứng cử viên được bầu chọn vào Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ là những người có tư duy đổi mới, góp phần đem lại ấm no hạnh phúc cho người dân.
Ngư dân Đinh Bền (xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi): Hỗ trợ ngư dân Trường Sa, Hoàng Sa
Tôi kỳ vọng những đại biểu mà mình lựa chọn sẽ đại diện cho tiếng nói của bà con ngư dân. Quốc hội khóa XIV sẽ tiếp tục ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả thiết thực hơn nữa cho ngư dân vươn khơi bám biển trên ngư trường truyền thống Trường Sa, Hoàng Sa.
Nhóm PV/TTXVN