Hướng về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, đồng thời kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam (1946 - 2016), sáng 18/5, tại Hà Nội, Sở Văn hoá và Thể thao Thành phố Hà Nội, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề ''Người đại biểu của nhân dân''.
Sau khi đất nước thống nhất, Quốc hội đã cùng với cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, Quốc hội không ngừng đổi mới tổ chức và hoạt đồng nhằm phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, từng bước hoàn thiện việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tăng cường pháp chế và hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước.
|
70 năm đã qua, Quốc hội Việt Nam hình thành và phát triển cùng với quá trình đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc. Trong cao trào đấu tranh chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, ngày 16 tháng 8 năm 1945, ''Quốc dân đại hội'' đã được triệu tập tại đình Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đại hội đã thay mặt toàn dân nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, cử ra Uỷ ban Dân tộc giải phóng (tức Chính phủ lâm thời) lãnh đạo toàn dân giành chính quyền và xây dựng chế độ mới. Quốc dân Đại hội Tân Trào đã góp phần quan trọng tạo nên thắng lợi của Cách mạng tháng 8 và tạo cơ sở cho sự ra đời của một thể chế Nhà nước mới, đặt nền móng cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và xây dựng Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam, hình thành Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Từ khi ra đời đến nay, với vị trí là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Quốc hội Việt Nam đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Có được những thành quả to lớn như trên, chúng ta không thể không nhắc tới những công lao, đóng góp xứng đáng của nhiều thế hệ đại biểu Quốc hội - Những người đã được nhân dân tin tưởng, bầu làm ''Người đại biểu của nhân dân'', để cùng với nhân dân ra sức xây dựng đất nước, kiên cường bảo vệ Tổ quốc đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế, vượt qua nhiều khó khăn để xây dựng, củng cố và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
|
Trong số các đại biểu Quốc hội từ Khóa I đến nhiều khóa sau này, có rất nhiều người đã từng bị địch bắt, giam trong các nhà tù thực dân, đế quốc: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt, giam tại một số nhà tù ở Quảng Tây - Trung Quốc; Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng nhiều đồng chí khác từng bị thực dân Pháp giam giữ tại Nhà tù Côn Đảo; Đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Văn Trân, Xuân Thủy... từng bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò; Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng bị bắt, giam tại Lao Thừa Phủ - Huế... Sau khi thoát khỏi tù ngục, các đồng chí đại tiếp tục hoạt động cách mạng và đã được nhân dân tin tưởng, tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, nhiều đồng chí được cử giữ những trọng trách quan trọng trong các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ, để lại những dấu ấn quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam.
Lễ khai mạc trưng bày chuyên đề đã vinh dự được đón tiếp 2 trong số những vị đại biểu của Quốc hội tiêu biểu: đó là đồng chí Nguyễn Văn Trân- đại biểu Quốc hội liên tục từ Khóa I đến Khóa VII và đồng chí Đỗ Mười- đại biểu Quốc hội từ Khóa II đến Khóa IX.; đồng thời cũng là hai nhân chứng được giới thiệu tại chuyên đề ''Người đại biểu của nhân dân''./.
Duy Phong