Chủ Nhật, 24/11/2024
Đời sống
Thứ Năm, 2/5/2013 16:24'(GMT+7)

Sản xuất lương thực, thực phẩm sạch đang lên ngôi

Nông dân Trung Quốc thu hoạch rau xanh. (Nguồn: THX/TTXVN)

Nông dân Trung Quốc thu hoạch rau xanh. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thị trường đầu ra cho các sản phẩm sạch cũng tăng nhanh chóng không chỉ ở các thị trường lớn như châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản mà trong những năm gần đây sự phát triển này được nhân rộng khi nhà sản xuất và người tiêu dùng gắn kết với nhau vì lợi ích xã hội và môi trường sinh thái.

Thực phẩm sạch lên ngôi

Mặc dù nhu cầu về thực phẩm sạch trên toàn thế giới tăng cao, song diện tích đất hữu cơ đã được kiểm chứng chỉ chiếm 0,9% diện tích đất nông nghiệp toàn cầu, tương đương 37 triệu ha.

Canh tác và sản xuất lương thực phẩm sạch đem đến nhiều lợi ích to lớn, trong đó hạn chế sự tiếp xúc của con người với các hóa chất độc hại, cải thiện khả năng hồi sinh cảnh quan sinh thái và mang lại lợi nhuận lớn hơn cho người nông dân.

Các quốc gia có nhiều nhà sản xuất được chứng nhận đạt tiêu chuẩn sạch trong năm 2010 gồm Ấn Độ (400.551 nông dân), Uganda (188.625 nông dân), và Mexico (128.826 nông dân).

Khu vực có thêm nhiều đất nông nghiệp canh tác sạch trong năm 2009-2010 là châu Âu. Nhìn chung, diện tích đất nông nghiệp dành cho sản xuất lương thực phẩm sạch trên toàn thế giới trong cùng thời gian đó giảm nhẹ 0,1 %, phần lớn do đất canh tác tại Ấn Độ và Trung Quốc giảm. Tuy nhiên, kể từ năm 1999 đến nay, diện tích đất nông nghiệp “sạch” đã tăng hơn gấp ba lần.

Phong trào canh tác và sản xuất nông sản sạch hiện đại nổi lên từ những năm 1950-1960, chủ yếu do phản ứng của người tiêu dùng trước những lo ngại về việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp ngày càng tăng, với giai đoạn sau Chiến tranh thế giới thứ II đến những năm 50 của Thế kỷ 20 được coi là “thời kỳ hoàng kim của thuốc trừ sâu.”

Khi vấn đề sức khỏe và tác động của các hóa chất nông nghiệp đến sinh thái ngày càng được mọi người quan tâm nhiều hơn, chính phủ các nước đã bắt đầu quy định chặt chẽ về việc sử dụng hóa chất, còn người tiêu dùng thì đòi hỏi phải có các tiêu chuẩn cao hơn đối với các thực phẩm sạch, trong đó có chứng nhận về chất lượng.

Các trang trại nuôi trồng, sản xuất lương thực, thực phẩm sạch được phát triển rất nhanh ở hầu hết các nước châu Âu vào những năm 90.

Năm 2010, doanh số bán thực phẩm sạch đạt 59 tỷ USD. Dù có nhiều quy định khác nhau, nhưng nuôi trồng, sản xuất lương thực thực phẩm sạch đòi hỏi phải tuân theo một số nguyên tắc sinh thái nhất định, chẳng hạn như áp dụng tấm màn che cho các cánh đồng hoặc luân phiên trồng các loại cây khác nhau trong một khu vực nhất định.

Canh tác hữu cơ nghiêm cấm việc sử dụng các hóa chất tổng hợp như phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và thuốc diệt nấm.

So với các phương pháp canh tác thông thường, canh tác sạch thì an toàn và có lợi hơn nhiều cho toàn bộ hệ sinh thái của một nông trại, góp phần làm gia tăng sự đa dạng sinh học nông nghiệp, bảo vệ các nguồn nước lân cận khỏi ô nhiễm hóa chất và giúp đất giữ lại nước và các chất dinh dưỡng, nâng cao khả năng phục hồi sau hạn hán và các kiểu thời tiết khắc nghiệt khác. Đồng thời làm giảm sự tiếp xúc của con người với hóa chất hoặc phế liệu độc hại, mà có thể gây ra nhiều loại bệnh tật.

Lợi ích bội thu từ sản xuất hữu cơ

Viện Rodale, một tổ chức nghiên cứu và cổ vũ cho canh tác sạch tại Mỹ, từ năm 1981 đã tiến hành một nghiên cứu so sánh về các sản phẩm nuôi trồng thu hoạch được từ đất phương pháp canh tác nông nghiệp thông thường và canh tác sạch.

Nghiên cứu này tập trung chủ yếu vào cây ngô và đậu tương mà Mỹ giữ vị trí lần lượt là nước sản xuất lớn nhất và lớn thứ hai thế giới.

Kết quả từ nghiên cứu trên cho thấy canh tác nông nghiệp sạch tốt hơn so với kiểu canh tác thông thường ở nhiều cấp độ.

Hơn 30 năm qua, các cánh đồng sạch sản xuất sản lượng tương đương, trong đó năng suất cao hơn 31% trong điều kiện hạn hán vừa phải. Đất được sử dụng canh tác sạch cũng có khả năng giữ lại nhiều carbon, vi khuẩn và nước hơn.

Các hệ thống canh tác sạch đem lại nhiều lợi nhuận nhiều hơn ba lần so với hệ thống thông thường. Lợi nhuận trung bình mỗi năm từ sản xuất sạch đạt 558 USD/ mẫu Anh (1 mẫu Anh = 4.050m2), cao hơn nhiều so với 190 USD/ mẫu Anh từ cách thức sản xuất thông thường. Lượng thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ những cánh đồng sạch cũng ít hơn 40% trên mỗi pound (1 pound = 0,454kg) thu hoạch.

Trong những thập niên gần đây, các sản phẩm được chứng nhận sạch đã mở ra một thị trường mới lý tưởng, cho phép nhiều nông dân bán được giá cao hơn so với các sản phẩm thông thường, còn người tiêu dùng thì được sử dụng những thực phẩm an toàn và chất lượng, đặc biệt là khi bán cho các siêu thị hay nhà hàng.

Người nông dân ở các nước đang phát triển cũng đã nhận thấy sản phẩm của họ có thể thu được lợi nhuận cao hơn, nếu những sản phẩm này được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế mà đang có nhu cầu lớn.

Tuy nhiên, chi phí để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về canh tác sạch thường khiến nông dân phải giảm sự đa dạng về giống cây trồng và tối đa hóa việc sản xuất một số cây trồng công nghiệp như càphê, bông và cacao. Phương pháp canh tác sạch có thể cũng gây ra một số một vấn đề về sinh thái giống như cách nuôi trồng thông thường.

Người nông dân có thể chọn cách “tránh né” các giấy tờ chứng nhận vì họ cho rằng chi phí hay các quy định liên quan đến việc xác nhận sẽ cản trở hoạt động sản xuất của họ, và các khách hàng tin vào sản phẩm của họ được trồng một cách an toàn và đảm bảo sức khỏe.

Sản xuất lương thực bền vững, gồm cả canh tác mà không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào, sẽ là yếu tố cực kỳ quan trọng trong những thập niên tới, trong bối cảnh dân số toàn cầu tiếp tục gia tăng và biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến chất lượng đất trên toàn thế giới.

Canh tác sạch có khả năng đóng góp nhiều cho an ninh lương thực, tăng thu nhập cho nông dân, tăng cường sự đa dạng sinh học và giảm mức độ thương tổn của hệ sinh thái trước những biến đổi khí hậu.

Canh tác hữu cơ là một hình thức canh tác tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết sự tăng trưởng của cây trồng, và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc.

Nông dân canh tác theo hình thức đó dựa tối đa vào việc quay vòng mùa vụ, các phần thừa sau thu hoạch, phân động vật và việc canh tác cơ giới để duy trì năng suất, cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng, kiểm soát cỏ, côn trùng và các loại sâu bệnh khác. Mục đích hàng đầu của canh tác sạch là tối đa hóa sức khỏe và năng suất.

Theo Liên đoàn quốc tế về phong trào sản xuất nông nghiệp sạch (IFOAM), "vai trò của canh tác sạch, cho dù trong canh tác, chế biến, phân phối hay tiêu dùng, là nhằm mục đích duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và các sinh vật từ các sinh vật có kích thước nhỏ nhất sống trong đất đến con người."

Canh tác sạch sẽ góp phần cải thiện và duy trì cảnh quan tự nhiên và hệ sinh thái nông nghiệp, tránh việc khai thác quá mức và gây ô nhiễm, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và các nguồn lực không thể tái sinh, sản xuất đủ lương thực có dinh dưỡng, không độc hại, và có chất lượng cao.

Ngoài ra còn đảm bảo, duy trì và gia tăng độ màu mỡ lâu dài cho đất, củng cố các chu kỳ sinh học trong nông trại, đặc biệt là các chu trình dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng dựa trên việc phòng ngừa thay cho cứu chữa, đa dạng các vụ mùa và các loại vật nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất