Trong 5 năm qua (2008-2012), thiệt hại do thiên tai về tài sản ước tính gần 74.000 tỷ đồng, tăng trên 19.300 tỷ đồng so với 5 năm trước. Tỷ lệ thiệt hại về tài sản so với tổng sản phẩm quốc nội thời kỳ 2008-2012 là 1,48% GDP/năm, trong đó tỷ lệ tương ứng của năm thấp nhất (2011) là 0,94% GDP, năm cao nhất (2009) là 2,47% GDP.
Ông Nguyễn Xuân Diệu, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, những năm gần đây, tình hình thiệt hại về người do thiên tai đã giảm đáng kể, song thiệt hại về vật chất chưa giảm mà có xu hướng tăng.
Trong giai đoạn 2008-2012, thiên tai diễn ra khốc liệt và bất thường hơn những năm trước nhưng thiệt hại về người đã giảm đáng kể. Số người chết và mất tích trong thời kỳ này là 1.868 người, giảm 162 và số người bị thương là 2.972 người, giảm 607 người so với cùng kỳ 5 năm trước.
Trong đó các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là vùng giảm nhiều thiệt hại nhất về người, điển hình là trong đợt lũ lớn năm 2011. So sánh giữa 2 đợt lũ lớn tương đương nhau xảy ra vào năm 2000 và 2011, số người chết trong năm 2011 chỉ còn 89 người, nhưng đợt lũ năm 2000 tổng số người chết và mất tích là 481 người.
Đây là kết quả rõ rệt nhất từ Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ, đưa hàng trăm ngàn hộ dân ở vùng thường xuyên bị ngập sâu, vùng sạt lở đất đến nơi ở mới an toàn hơn. Ngoài ra, còn có sự đóng góp đáng kể của việc tổ chức, quản lý trẻ em trong mùa lũ tại các điểm trông giữ trẻ tập trung cũng như hiệu quả mang lại từ việc tổ chức dạy bơi cho trẻ em.
Việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như công tác dự báo bão với thời gian dài hơn và chất lượng dự báo chính xác hơn; cung cấp thiết bị thu, phát tin cho các tàu thuyền; thông báo, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn được làm quyết liệt và kịp thời hơn... đã góp phần giảm đáng kể thiệt hại về tính mạng đối với ngư dân hoạt động trên biển.
Nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nặng nề về vật chất do thiên tai gây ra là do chủ quan. Công tác quy hoạch chưa được quan tâm thích đáng, quy hoạch vẫn chưa đi trước một bước, chưa thực hiện một cách bài bản việc lồng ghép yêu cầu phòng ngừa thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; quy chuẩn xây dựng còn nhiều bất cập, chưa phù hợp đặc điểm thiên tai trong thời kỳ biến đổi khí hậu; chất lượng thi công các công trình xây dựng còn nhiều hạn chế... Ngoài ra, nguyên nhân khách quan dẫn đến thiệt hại do thiên tai là tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, do kinh tế càng tăng trưởng thì khả năng chịu tác động của thiên tai càng lớn.
Do vậy, để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, các tỉnh, thành phố cần chủ động rà soát, sắp xếp lại các chương trình, dự án, trong đó ưu tiên những danh mục cấp bách nhất, có ý nghĩa thiết thực giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Đặc biệt là hoàn thành các dự án di dời dân ở những khu vực thường xuyên phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra.
Các tỉnh, thành phố ven biển phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng tại địa bàn tăng cường quản lý chặt chẽ hơn nữa ngư dân và tàu cá hoạt động trên biển, nhất là các tàu cá hoạt động xa bờ; yêu cầu chủ tàu, thuyền phải trang bị đủ thiết bị thông tin liên lạc, trang thiết bị bảo đảm an toàn cho người và tài sản.
Các địa phương ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường kiểm tra đôn đốc, giám sát thực hiện đảm bảo mục tiêu yêu cầu đề ra trong Chương trình Xây dựng các cụm, tuyến dân cư an toàn với lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2; tiếp tục mở rộng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm giữ trẻ tập trung trong mùa lũ./.
(TTXVN)